Bộ Công an đã khởi động xây dựng đề án đấu giá biển số xe.

Bộ Công an đã khởi động xây dựng đề án đấu giá biển số xe. Vậy, sau khi đấu giá thành công một biển số xe nào đó, người trúng đấu giá có được quyền bán lại, cho, biếu, tặng? Khi mua xe mới, có được quyền gắn biển đã trúng đấu giá trước đó?

Có thể làm thí điểm

Bộ Công an vừa tổ chức họp lấy ý kiến tham gia của các bộ, ngành về dự thảo đề cương Đề án đấu giá biển số xe ô tô. Tại cuộc họp, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến. Trong đó có ý kiến coi biển số xe là tài sản nhưng chủ xe chỉ có quyền sử dụng, không có quyền định đoạt (cho, tặng, bán biển số xe cho người khác); không có quyền chiếm hữu (giữ lại biển số để đăng ký cho xe khác). Biển số xe trúng đấu giá là tài sản dưới dạng “quyền tài sản” nhưng phải thực hiện theo nguyên tắc quản lý phương tiện của pháp luật hiện hành: Mỗi biển số gắn với 1 xe; Khi chuyển nhượng xe, biển số đó được cơ quan công an làm thủ tục cùng với xe.

{keywords}

Biển số đẹp. Ảnh minh họa

Trong khi đó, một chuyên gia pháp luật tham dự cuộc họp cho PV biết, theo quy định của Luật Đấu giá tài sản, để đưa biển số xe ra đấu giá, việc đầu tiên và bắt buộc phải xác định được biển số xe là tài sản. Tuy nhiên, quyền tài sản lại bao gồm cả quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt. Khi đó, biển số sẽ thành tài sản cá nhân, không còn là giấy tờ, tài liệu của cơ quan Nhà nước nên chủ sở hữu có thể cho, tặng, bán biển xe đó cho người khác. Điều này sẽ làm thay đổi nguyên tắc quản lý phương tiện hiện hành.

“Đây là vấn đề phức tạp, còn tranh cãi về pháp lý vì nó liên quan đến quản lý về hành chính, trật tự. Nếu giao cho dân quyền định đoạt như thế có thể sẽ phá vỡ quản lý về cấp biển số xe. Hiện vẫn đang lấy ý kiến, đang tính toán, chưa thể chốt lại. Nhưng quan điểm chung là không thể quy định việc người dân có quyền cho, biếu, tặng biển. Tinh thần chung là làm sao quản lý tốt được việc đó. Để làm được có thể phải sửa luật, trước khi sửa luật cũng cần thí điểm để xem tính hiệu quả”, vị chuyên gia cho hay.

Đưa ra đấu giá biển số nào?

Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Mai, Phó cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp), cũng là một thành viên tham gia cuộc họp lại cho rằng, một số người hiện vẫn hiểu đấu giá biển số xe không thể thực hiện được là chưa đúng. Luật Đấu giá tài sản là luật về hình thức, còn các loại tài sản có thể đấu giá lại thuộc các quy định của pháp luật về nội dung.

Theo thống kê đến hết năm 2016, cả nước có trên 3 triệu ô tô, và trên 50 triệu xe mô tô các loại; số lượng xe ô tô và mô tô đăng ký mới có xu hướng gia tăng hằng năm, có địa phương tăng từ 30-40%. Để nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý phương tiện giao thông, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng cơ chế về việc bán đấu giá biển số xe ô tô, báo cáo Thủ tướng trong quý I. Nguồn thu từ việc đấu giá, bán biển số xe sẽ nộp ngân sách Nhà nước.

“Tức là cái gì được đấu giá sẽ quy định ở các luật khác. Khi thực hiện đấu giá phải thực hiện theo trình tự, thủ tục quy định của Luật đấu giá tài sản. Hiện nay, kể cả trong Nghị định 17 và Luật Đấu giá tài sản đều có quy định “quét” là đấu giá các loại tài sản mà theo quy định của pháp luật phải đem đấu giá. Cái đó đã bao gồm cả biển số xe và sau này có thể còn là các cơ sở hạ tầng hay cảng hàng không… Còn Luật Đấu giá tài sản không thể kể hết tất cả các loại tài sản đấu giá vì nó thay đổi, nay thế này, mai có thể lại khác”, bà Mai lý giải trước một số ý kiến băn khoăn vướng Luật Đấu giá tài sản nếu áp dụng đấu giá biển số xe.

Cho rằng việc tiến hành đấu giá biển số xe sẽ đảm bảo tính công bằng, khách quan, tránh tình trạng “xin-cho” hay tiêu cực, đem lại nhiều lợi ích, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Các vấn đề xã hội của quốc hội cũng lưu ý cần quy định chặt chẽ để việc này không bị lợi dụng, tiến hành thủ tục đảm bảo đúng quy trình, quy định, sẽ đem lại nhiều lợi ích cả hữu hình, vô hình.

“Trước mắt, đấu giá biển số xe chưa cần thiết đưa vào luật nhưng phải có nguyên tắc bằng văn bản dưới luật. Nên tổ chức thí điểm đấu giá một số biển số xe, rồi sau đó rút kinh nghiệm quy định chặt chẽ hơn. Bởi hiện nay quan niệm thế nào là biển đẹp, biển dễ nhớ cũng rất khác nhau. Vì thế, cần quy định những biển số nào mang ra đấu giá”, ông Nhưỡng nêu quan điểm.

(Theo Báo Giao thông)