Lada là một trong những thương hiệu ô tô của Liên Xô và sau này của Nga, nhưng sau khi Liên Xô tan rã, hãng xe này ngay lập tức bị những băng nhóm tội phạm Nga thao túng cho đến khi chính phủ Nga vào cuộc quyết liệt.

Thương hiệu Lada đã nổi tiếng đến độ ít người biết rằng, ban đầu Lada chỉ là thương hiệu phiên bản xuất khẩu của dòng xe VAZ-2101, vốn được biết đến tại thị trường Liên Xô với thương hiệu Zhiguli.

VAZ-2101 lại có gốc gác từ Italia, sự ra đời của mẫu xe này cũng gắn liền với sự ra đời của huyền thoại khác trong ngành công nghiệp ô tô Liên Xô – hãng AvtoVAZ, hay còn được biết đến với tên gọi VAZ.

Khi “xe của nhân dân” chào đời

Tại thời điểm đầu những năm 1960, nhu cầu ô tô cá nhân ở Liên Xô gia tăng, người dân Liên Xô muốn có mẫu xe có giá thành vừa phải và dễ sửa chữa để phục vụ nhu cầu di chuyển hàng ngày trong các thành phố. Do đó, chính phủ Liên Xô quyết định hợp tác với các hãng xe nước ngoài như Volkswagen, Ford, Peugeot, Renault và Fiat để tiết kiệm chi phí.

{keywords}
Fiat 124, nguyên mẫu của dòng xe VAZ-2101/Lada 2101. (Ảnh: Kompressed)

AvtoVAZ là tên hiện tại của VAZ, viết tắt của Volzhsky Avtomobilny Zavod (Nhà máy Ô tô Volga). VAZ được thành lập vào năm 1966 trên cơ sở hợp tác giữa chính phủ Liên Xô và hãng xe Fiat của Ý. Nhà máy Ô tô Volga được xây dựng từ năm 1966 tới năm 1970 tại thành phố Stavropol Volzhsky, nơi sau này được đổi tên thành Togliatti.

Trong số rất nhiều mẫu xe của các hãng ô tô trên thế giới lúc bấy giờ, Fiat 124 được chọn lựa bởi mẫu xe này có thiết kế đơn giản nhưng chắc chắn, đồng thời đáp ứng được yêu cầu về tính đơn giản để dễ dàng sử dụng, sửa chữa cũng như sản xuất với số lượng lớn. Nhờ vào định hướng này, dòng xe VAZ-2101 có giá thành rất hợp lý và nhanh chóng trở nên phổ biến tại Liên Xô.

{keywords}
Lễ hội xe ô tô Zhiguli tại Nga, Zhi-Fest. (Ảnh: Sputnik)

VAZ-2101 không hề được “sao y bản chính” từ Fiat 124, để đáp ứng được điều kiện vận hành tại Liên Xô lúc bấy giờ, hãng VAZ thực hiện một số thay đổi trong thiết kế, ví dụ như khung xe được làm bằng thép dày và nặng hơn và vì thế VAZ phải trang bị hệ thống phanh trống ở cụm bánh sau của xe.

Những chiếc VAZ-2101 đời đầu còn có cần khởi động bằng tay để phòng trường hợp xe không thể nổ máy do thời tiết quá lạnh ở Siberia làm ắc quy của xe cạn kiệt, nhưng những mẫu xe đời sau của dòng xe này không được trang bị tính năng này. Ngoài ra, VAZ-2101 còn có hệ thống bơm nhiên liệu bằng tay để phòng trường hợp xe không nổ máy khi trời quá lạnh.

Theo thỏa thuận, VAZ chỉ được xuất khẩu VAZ-2101 sang các nước Đông Âu, song sau khi Fiat ngừng sản xuất dòng xe Fiat 124, năm 1974, những chiếc VAZ-2101 bắt đầu có mặt tại thị trường Tây Âu với thương hiệu Lada. Các phiên bản của VAZ-2101 như Lada 1200, Lada 1300 và Lada 1200S được bán tại thị trường Tây Âu cho tới tận năm 1989.

Năm 1979, VAZ giới thiệu dòng xe mới trên cơ sở hiện đại hóa và thay đổi một vài thiết kế của mẫu xe VAZ-2101, bao gồm 3 phiên bản: xe sedan VAZ-2105, xe wagon VAZ-2104 và xe sedan cao cấp VAZ-2107 với lưới tản nhiệt mạ crôm. Ở Anh dòng xe này được gọi là Lada Riva và ở các nước châu Âu khác, dòng xe này mang tên Lada Nova.

{keywords}
 VAZ-2105, hay còn gọi là Lada Riva/Lada Nova. (Ảnh: 3D Tuning)

Bên cạnh dòng xe được mệnh danh “xe của nhân dân” VAZ-2101, VAZ-2104/VAZ-2105/VAZ-2107, từ năm 1971 các kỹ sư của VAZ đã bắt đầu phát triển loại xe 2 cầu mới phục vụ chủ yếu cho mục đích dân sự. Tại thời kỳ này, UAZ-469 đã trở thành xe 2 cầu huyền thoại thay thế cho GAZ--69, nhưng chỉ có các lực lượng vũ trang và các cơ quan chính phủ Liên Xô mới có thể mua được UAZ-469.

Năm 1974, phiên bản thử nghiệm Izh-14 ra đời, một số tính năng được “vay mượn” từ VAZ-2101 và Fiat 124, song VAZ tự thiết kế khung xe, hệ thống truyền động 4 bánh cũng như hệ thống giảm xóc của xe. Sau khi trải qua nhiều bài thử nghiệm khắc nghiệt, đến năm 1977 mẫu xe thử nghiệm được chính thức đưa vào sản xuất hàng loạt với tên gọi VAZ-2121 tại Liên Xô và Lada Niva tại thị trường nước ngoài.

{keywords}
Xe 2 cầu đa địa hình VAZ-2121/Lada Niva. (Ảnh: Motor 1)

Trên cơ sở VAZ-2121, VAZ tiếp tục phát triển dòng xe VAZ-2122 Reka, dự kiến dòng xe này sẽ phục vụ trong quân đội Liên Xô. Mặc dù 6 mẫu thử nghiệm đã được hoàn chỉnh, Bộ Quốc phòng Liên Xô đã thông qua kế hoạch sản xuất, nhưng do những cuộc khủng hoảng tại Liên Xô cuối những năm 1980, VAZ-2122 Reka không bao giờ được sản xuất hàng loạt.

Những năm tháng khó khăn thời kỳ hậu Xô-viết

Tháng 6/1991, chính phủ Liên Xô thuê hãng dịch vụ đầu tư Bear Steams để đánh giá AvtoVAZ, cũng như đàm phán với 1 đối tác của phương Tây khác để chuẩn bị cho tiến trình tư nhân hóa hãng ô tô này. Trong thời kỳ này, AvtoVAZ đang phải đối phó với tình trạng mất cắp ô tô thành phẩm ở nhà máy sản xuất.

Sau khi Liên Xô tan rã, năm 1993, AvtoVAZ được tái cơ cấu thành công ty cổ phần dưới luật pháp Nga và các lãnh đạo của AvtoVAZ nhanh chóng nắm quyền kiểm soát công ty. Giống như nhiều công ty khác tại Nga thời kỳ ngay sau khi Liên Xô tan rã, công nhân và nhân viên của AvtoVAZ bị nợ lương trong nhiều tháng trời.

{keywords}
VAZ-2110/Lada 110, sản phẩm của AvtoVAZ sau khi Liên Xô tan rã. (Ảnh: VAZ)

Hoạt động của AvtoVAZ lúc này trở nên chậm trễ, đơn cử như dòng xe VAZ-2110/Lada 110, vốn dự kiến đưa vào sản xuất năm 1993, thì trên thực tế phải đến năm 1995 mẫu xe này mới có mặt trên thị trường. Cũng trong thời kỳ này, AvtoVAZ bị nhiều tổ chức tội phạm thao túng, thậm chí lãnh đạo của AvtoVAZ còn sử dụng côn đồ để đe dọa, kiểm soát và dập tắt các hành động phản kháng của công nhân.

Tình hình tại AvtoVAZ ngày càng xấu đi khiến chính phủ Nga không thể đứng ngoài cuộc, khi hãng này nợ đến 2,4 tỷ USD tiền thuế tính đến năm 1996. Năm 1997, Bộ Nội vụ Nga quyết định mở Chiến dịch Gió lốc và thực hiện điều tra toàn diện AvtoVAZ, cuộc điều tra này vạch trần sự liên hệ giữa các băng nhóm tội phạm tới ít nhất 65 vụ sát hại quản lý, nhà phân phối và cả đối thủ của AvtoVAZ.

{keywords}
Tổ hợp nhà máy AvtoVAZ tại Togliatti. (Ảnh: Bộ Truyền thông Nga)

Cuộc khủng hoảng tài chính Nga năm 1998 lại mang lại một số thuận lợi cho AvtoVAZ khi sản phẩm ô tô Nga được lợi thế giá rẻ trong việc xuất khẩu, đồng thời người dân Nga khó có thể mua được xe nhập khẩu vì giá cao. Cũng trong năm 1998, AvtoVAZ giới thiệu mẫu xe van VAZ-2120/Lada Lada Nadezhda, dựa trên cơ sở mẫu xe Lada Niva.

Trở thành công ty con của hãng xe Pháp

Đến năm 2001, liên doanh GM-AvtoAZ được thành lập mang lại một số ảnh hướng nhất định đến AvtoAZ. Năm 2005, AvtoVAZ tung ra thị trường mẫu xe Lada Kalina với thiết kế hiện đại. Ngoài ra, AvtoVAZ bắt đầu nghiên cứu và phát triển dòng xe cao cấp, ngay từ năm 2003 hãng này đã giới thiệu mẫu xe thể thao 1 chỗ ngồi Lada Revolution song không đưa vào sản xuất phổ biến.

{keywords}
Bên trong nhà máy Lada tại Argun, Chechen, Nga. (Ảnh: Said Tsarnaev)

Renault bắt đầu đầu tư vào AvtoAZ vào tháng 3/2008 khi hãng này mua lại 25% cổ phần của AvtoAZ, trong khi đó tập đoàn nhà nước Nga Rostec vẫn nắm giữ 75% cổ phần. Tuy nhiên, do kinh tế Nga thời kỳ này bị suy thoái, AvtoVAZ suýt chút nữa bị phá sản nếu như chính phủ Nga không đưa ra gói trợ cấp có trị giá lên đến 600 triệu USD.

Vào đầu những năm 2010, các dòng xe cổ điển của AvtoVAZ như VAZ-2105, VAZ-2104 và VAZ-2107 dần dần bị ngừng sản xuất, thay vào đó các mẫu xe hiện đại hơn như Lada Granta hay Lada Largus được giới thiệu ra thị trường từ năm 2011 đến năm 2012.

Ngày 3/5/2012, liên minh Renault–Nissan, nay là Renault–Nissan–Mitsubishi, quyết định nâng cổ phần tại AvtoAZ lên 51,01%, sau đó tiếp tục liên kết với tập đoàn Rostec của Nga và thành lập liên doanh nhằm quản lý lâu dài AvtoAZ. Đến năm 2016, Renault đầu tư khoản tiền 1,33 tỷ USD vào AvtoVAZ và biến hãng này trở thành công ty con của mình.

{keywords}
Lada Vesta SW. (Ảnh: AvtoVAZ)

Nước Nga một lần nữa phải đối mặt với những khó khăn về kinh tế do bị phương Tây cấm vận từ năm 2014, AvtoVAZ chịu ảnh hưởng lớn giống như nhiều doanh nghiệp Nga khác.

Năm 2014, số lượng xe AvtoVAZ bán ra thị trường giảm đến 16,3% so với năm 2013. Theo thống kê, thị trường chủ yếu ngoài Nga của AvtoVAZ và thương hiệu Lada hiện tại là Kazakhstan, Azerbaijan, Belarus, Ai Cập và Đức.

Theo thống kê, thị phần của AvtoVAZ cùng các sản phẩm thương hiệu Lada tại thị trường Nga là 20,4%, trong năm 2016 có 226.296 xe thương hiệu Lada được tiêu thụ tại Nga, giảm 1% so với năm 2015.

Trong khi đó, mặc dù đã trở thành công ty con của hãng ô tô Pháp Renault, nhưng thị phần Lada ở châu Âu hết sức khiêm tốn, chỉ khoảng 0,02%. Tương lai của AvtoVAZ và thương hiệu Lada với tư cách là công ty con thuộc Renault sẽ thế nào, liệu hãng AvtoVAZ có khôi phục được huyền thoại Lada hay không thì hiện chưa có câu trả lời cụ thể.

(Theo VTC News)