Ngày 8.6, chiếc xe khách giường nằm BKS 43B-014.98 tuyến Đà Nẵng - Đắk Nông bất ngờ bốc cháy khi đang lưu thông trên QL1. Liên tiếp, hàng loạt các vụ xe tự bốc cháy khi đang lưu thông trên đường thời gian gần đây, khiến người dân không ngớt hoang mang, lo sợ. Nguyên nhân các vụ cháy, theo các chuyên gia, có thể xuất phát từ nhiều yếu tố. Ngoài nghi vấn xăng pha, không loại trừ khả năng động cơ xe bị “độ”, bị “chế”!

Có phải do pha cồn quá đà?

Truy tìm gốc rễ của hiện tượng này, PV đã liên hệ với kỹ sư Lê Văn Tạch (Cty Toyota Việt Nam). Theo lời ông Tạch, thông thường có 03 khả năng xảy ra với một chiếc xe ôtô đang hoạt động mà bị bốc cháy. Thứ nhất là có một đoạn dây điện nào đó trên xe bị quá tải do bị chạm chập... nhưng cầu chì bảo vệ không cháy. Khi đó lõi dây điện sẽ nóng lên rất nhanh làm cháy vỏ dây điện sau đó nhanh chóng lan sang các vật liệu dễ cháy có rất nhiều trên xe.

Thứ hai là có thể tại các điểm tiếp xúc hoặc tiếp mát của dây điện có vị trí bị lỏng hoặc dây điện bị hở lõi... gây tia lửa, khi gặp phải hơi nhiên liệu do bị rò rỉ sẽ bùng lên thành ngọn lửa sau đó lan nhanh sang các vật liệu dễ cháy trên xe. Khả năng thứ 3 là có ngoại vật dễ cháy dính vào cổ xả. Khi xe chạy lâu làm cổ xả nóng lên làm cháy ngoại vật; từ đó lan sang các vật liệu dễ cháy khác.

Vị chuyên viên có hơn 15 kinh nghiệm này cũng lưu ý, thời tiết nắng nóng có thể được coi là một nguyên nhân gián tiếp dẫn đến cháy xe. “Khi thời tiết nắng nóng, thì nhu cầu làm mát rất cao, làm tăng nguy cơ chập cháy điện và cũng làm cho nhiên liệu rò rỉ dễ hoá hơi, tăng độ khuyếch tán”, kỹ sư Tạch nói.

{keywords}

Dưới góc độ hóa học, trao đổi với PV, PGS.TS. Phạm Đức Roãn - Giảng viên Khoa Hóa học (ĐH Sư phạm Hà Nội) - khẳng định: “Nếu xe máy sử dụng phải xăng có hàm lượng methanol cao có thể gây ra hiện tượng rò rỉ dẫn đến cháy nổ. Bởi lẽ, methanol là dung môi mạnh, có khả năng gây ăn mòn và phá hủy các “phốt” caosu và chi tiết nhựa; gây rò rỉ nhiên liệu dẫn đến cháy xe”.

Đồng tình với quan điểm này, PGS.TS Đặng Thị Oanh - nguyên trưởng khoa Hóa học (ĐH Sư phạm) lý giải: “Xăng có chứa nhiều methanol và ethanol rất dễ bắt cháy bởi bản chất là một loại cồn; đặc biệt là methanol dễ tạo hỗn hợp cháy nổ với không khí. Khi bugi và động cơ xe khởi động, sự nóng lên của động cơ sẽ kích hoạt cho sự cháy. Hiện tượng cháy nổ xảy ra do phản ứng của methanol với ôxy; xăng rò rỉ hoặc khí hydro thoát ra từ phản ứng ăn mòn kim loại cũng gây cháy, nổ”.

Theo các chuyên gia, sở dĩ các cửa hàng pha methanol vào xăng bởi đây là nguồn nguyên liệu rất rẻ, dễ thu về mức lãi cao. Bà Oanh cho hay: “Hiện nay, nhiều nơi sử dụng cồn công nghiệp giá rẻ, được sản xuất từ những nguyên liệu rẻ tiền như ngũ cốc trộn vào để giảm chi phí!”. Theo tìm hiểu, giá methanol rẻ hơn xăng A92 và ethanol nhiều. Cụ thể, giá 1 kg methanol khoảng 11.000 đồng; trong khi đó, ethanol 96% khoảng 17.000 đồng/kg.

Có thể do xe đi “độ”

Tuy nhiên, TS.Lê Văn Anh (Phó trưởng khoa Công nghệ ôtô - Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội) lại phủ nhận các nguyên nhân xuất phát từ nguyên liệu kém chất lượng. “Phải hiểu là động cơ vốn kín. Nguyên liệu tốt hay kém thì cũng ở trong ấy. Trừ khi nó rò rỉ ra ngoài và bắt lửa thì mới cháy. Mà cái đó không liên quan đến chất lượng”, TS Anh nói. Mặt khác, ông Anh cho rằng, nguyên nhân xảy ra cháy xe chủ yếu đến từ các nguyên nhân ngoài động cơ. Thông thường xe bị cháy là bởi tia lửa bị phát ra từ các bộ phận đã kém chất lượng do bị “độ”, bị “chế”, bị lắp thêm các thiết bị khác ngoài thiết kế hoặc do không thực hiện tốt khâu bảo dưỡng, sửa chữa..., sau đó gặp chất dễ cháy trong xe thì bốc thành ngọn lửa.

Theo đó, chuyên gia này khuyến cáo, các chủ xe cần tôn trọng thiết kế nguyên bản của nhà sản xuất. Khi hoán cải, cơi nới sẽ tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Bên cạnh đó chủ xe cần thực hiện tốt việc bảo dưỡng, sửa chữa tại những nơi uy tín.

Liên quan đến lo ngại của người dân về việc xăng E5 là xăng pha thêm cồn, mà cồn thì có nước. Nếu xe để lâu không đi thì nước sẽ lắng xuống dưới, lúc đi máy không nổ được, ông Nguyễn Hoàng Linh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ KHCN) khẳng định, xăng E5 chỉ có tỉ lệ pha 5% ethanol nên các chỉ tiêu chất lượng gần như không thay đổi so với xăng thông thường cùng loại.

Ngoài ra, ông Linh khẳng định: “Ethanol có trị số octan cao (RON = 109) nên khi pha trộn vào xăng gốc giúp gia tăng trị số octan cho hỗn hợp nhiên liệu đồng thời nâng cao hiệu suất cháy, tỷ số nén cao hơn giúp tiết kiệm nhiên liệu, công suất và moment xoắn tốt hơn làm động cơ vận hành êm hơn và tăng tuổi thọ động cơ, đồng thời giảm thiểu phát thải các chất độc hại trong khí thải động cơ.

(Theo Lao Động)