Đi ôtô trên đường, thấy đủ điều kiện an toàn, tôi xin vượt nhưng xe phía trước không nhường đường, thậm chí có phần cản trở. Vậy họ có vi phạm luật an toàn giao thông không?

Luật sư Nguyễn Đức Chánh (Đoàn luật sư TP.HCM) tư vấn cho câu hỏi của bạn đọc Nguyễn Ngọc Lan, ngụ quận Gò Vấp như sau:

Theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 5 Nghị định 46 năm 2016 của Chính phủ, người điều khiển xe sẽ bị phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng đối với hành vi không nhường đường cho xe xin vượt khi có đủ điều kiện an toàn.

Việc xử phạt vi phạm hành chính phải căn cứ vào tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm, đối tượng vi phạm và tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng.

{keywords}

Ảnh minh họa.

Theo khoản 4 Điều 23 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012: “Mức tiền phạt cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính là mức trung bình của khung tiền phạt được quy định đối với hành vi đó; nếu có tình tiết giảm nhẹ thì mức tiền phạt có thể giảm xuống nhưng không được giảm quá mức tối thiểu của khung tiền phạt. Nếu có tình tiết tăng nặng thì mức tiền phạt có thể tăng lên nhưng không được vượt quá mức tiền phạt tối đa của khung tiền phạt".

Như vậy, trong trường hợp bạn nêu, người điều khiển xe phía trước có thể bị xử phạt mức trung bình của khung tiền phạt là 350.000 đồng, nếu họ không tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng.

Cùng với đó, xét ở văn hóa giao thông, việc từ chối nhường đường cho xe khác dù đủ điều kiện an toàn là không văn minh. Hơn nữa, nếu xe phía sau có việc gấp (sẽ có trường hợp này), nhiều khả năng họ buộc phải vượt sai quy định, gây mất an toàn giao thông, nguy hiểm đến người khác.

Chính vì thế, nhường xe phía sau vượt khi có đủ điều kiện an toàn là chấp hành đúng luật giao thông đường bộ. Đó còn là cách ứng xử thể hiện văn hóa khi tham gia lưu thông.

(Theo Zing)