Mua xe ô tô cũ dịp cận Tết làm sao để tránh được những chiếc xe đã bị tai nạn hay đâm đụng mạnh?
Mua xe ô tô cũ có thể giúp người sử dụng tiết kiệm được một khoản chi phí so với xe mới, nhưng không ít trường hợp người mua phải “ôm hận” vì “tậu” nhầm phải xe phục chế sau khi bị tai nạn nặng.
Khi xem xe cũ đòi hỏi người mua phải có những kinh nghiệm và kiểm tra thật kỹ để vượt qua những “kỹ xảo” mà thợ xe muốn che lấp.
Kiểm tra độ nguyên vẹn phần đầu xe
Các tiểu tiết phần thân vỏ nằm bên trong khoang máy, dưới ca-pô sẽ phần nào cho biết chiếc xe đã bị va chạm mạnh phần đầu hay chưa. Hãy quan sát phần xương tai xe, các đường chặt trên thanh đỡ phía trên két nước cũng như các gân chỉ phần vỏ gập quanh khoang máy. Bất kỳ điểm gồ ghề, lượn sóng, trầy xước, hay màu sơn khác biệt nào cũng có thể đáng hoài nghi, bởi việc đại tu không thể phục hồi hiện trạng như mới 100% được.
"Soi" vết nứt trên cản va và chắn bùn
Kiểm tra kỹ cả đầu và đuôi xe để xem có vết nứt hay miếng vá không. Trong những vụ va chạm, cản va và chắn bùn là hai bộ phận dễ bị vỡ nhất vì chúng thường được làm bằng vật liệu nhẹ hoặc nhựa tổng hợp. Những vết nứt hoặc dấu hiệu sửa chữa cản va cũng như chắn bùn sẽ tự "tố cáo" chiếc xe từng được tân trang sau tai nạn.
Kiểm tra kính chắn gió
Xem xét toàn bộ kính chắn gió của xe, từ trước ra sau để kiểm tra "tiền sử" tai nạn. Hãy chú ý đến những chỗ mẻ, nứt hoặc có màng. Chúng sẽ chỉ cho bạn thấy chiếc xe từng bị tai nạn và phải trải qua quá trình sửa chữa.
Các tiểu tiết phần thân vỏ nằm bên trong khoang máy, dưới ca-pô sẽ phần nào cho biết chiếc xe đã bị va chạm mạnh phần đầu hay chưa. (Ảnh minh họa).
Đánh giá đường viền thân xe
Hãy ngồi xuống bên cạnh đầu hoặc đuôi xe để mắt ngang tầm với đường viền trên thân. Quan sát kỹ đường viền chính chạy bên sườn xe. Đường viền phải thật thẳng và đồng đều trong khi lớp sơn bên ngoài hoàn toàn bình thường. Nếu đường viền có dấu hiệu không đều và bị méo, phần ốp thân xe có lẽ đã từng được thay thế hoặc đập lại.
Kiểm tra ốp và khe cửa
Quan sát kỹ khe cửa trên xe. Nếu xe chưa từng bị tai nạn, khe cửa phải thẳng và đồng đều, từ trên xuống dưới. Trong khi đó, khe cửa trên những chiếc xe từng gặp tai nạn sẽ không đều vì bị xê dịch hoặc do ốp và cửa đã được thay mới.
Miết tay lên thân xe
Miết lòng bàn tay lên thân xe và góc cản va cũng như chắn bùn. Chiếc xe có "tiền sử" tai nạn sẽ đi kèm những chỗ lồi lõm hoặc điểm không bằng phẳng. Đây là những chỗ đã được trám vào sau tai nạn.
Kiểm tra các vết kẹp
Những vết kẹp xung quanh khung xe chỉ ra "tiền sử" tai nạn. Điều đó chứng tỏ chiếc xe đã được sửa chữa lại bằng máy kéo và cân chỉnh khung. Nếu đúng như vậy, chiếc xe ắt hẳn đã bị hư hỏng khá nặng sau tai nạn.
Kiểm tra độ nguyên vẹn phần sau xe
Cũng tương tự như việc kiểm tra phần sườn xe, phần sau xe nếu bị tai nạn sẽ biến dạng ở các nắp khoang hành lý hoặc mép viền cửa sau, thanh cản sau…
Hệ thống ống xả cũng có thể là bộ phận chịu ảnh hưởng của những cú đâm mạnh từ phía sau, bị bẹp, gập cong hay trầy xước. Thông thường, ống xả bị biến dạng được phục hồi nhưng khả năng trở lại như nguyên bản là rất thấp, trừ khi có những phần bị hỏng nặng nhưng lại thay thế được như đầu ống xả hay bộ xúc tác.
Tìm dấu vết sơn lại
Nhìn kỹ những đường gờ trên cửa và ốp thân xe để tìm những vết khía, xước hoặc khu vực sơn không phẳng. Nếu phát hiện màu sơn khác ẩn bên dưới, bạn có thể đoán chiếc xe đã được sơn lại. Cũng có thể cửa và ốp thân xe đã được thay mới, sau đó sơn lại cho "tông xuyệt tông" với toàn bộ phần còn lại của xe.
(Theo ĐSPL)