Những mối lo xoay quanh vấn đề chất lượng, khiến người Việt tỏ ra khá e dè khi đứng trước phương án mua ô tô đã qua sử dụng, để hiện thức hoá giấc mơ "xế hộp".

Nhu cầu cao nhưng cũng nhiều rào cản

Giấc mơ xe hơi của người Việt từ trước đến nay vẫn luôn cháy âm ỉ, thậm chí ngày càng mạnh mẽ hơn. Điều này, phần nào thể hiện qua tốc độ tăng trưởng vượt xa dự báo của thị trường ô tô trong nước vài năm gần đây. Theo thống kê của Hiệp hội các nhà sản xuất và lắp ráp ô tô Việt Nam (VAMA), tổng doanh số bán hàng của toàn thị trường năm 2015 đạt 244.914 xe, tăng 56% so với năm 2014, bỏ xa mục tiêu 180.000 xe theo như VAMA dự kiến. Và có vẻ như đà tăng trưởng vẫn chưa dừng lại, khi chỉ mới hết 10 tháng đầu năm 2016, lượng ô tô bán ra trên thị trường Việt đã đạt 242.682 chiếc, tăng đến 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Sức mua tăng rõ rệt qua doanh số vẫn chưa phản ánh chính xác nhu cầu thực tế của người Việt đối với ô tô, bởi không phải ai cũng có đủ điều kiện sắm cho mình một chiếc xế hộp như mơ ước.

Bởi có một thực tế, giá ô tô tại Việt Nam quá cao khiến việc sở hữu một chiếc xe đời mới vốn là một nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống, bỗng trở thành giấc mơ quá xa vời với người Việt. Khi đó, xe cũ trở thành phương án hợp lý được nhiều đối tượng mua xe tìm đến vì không chỉ có thêm lựa chọn phong phú hơn trong tầm tiền giới hạn, mà còn tiết kiệm được nhiều khoản chi phí lăn bánh. Thế nhưng, giải pháp xe cũ xem ra vẫn chưa nhận được sự tin tưởng của người tiêu dùng, khi họ phải đối mặt với nhiều rủi ro. Bởi, đa phần ô tô đã qua sử dụng tại Việt Nam đều chưa được kiểm định chất lượng theo một tiêu chuẩn chung, lại không có hệ thống quản lý thông tin về “tiểu sử” xe đáng tin cậy để tra cứu. Cùng với đó là những chiêu trò, mánh khóe tung hỏa mù của một bộ phận kinh doanh ô tô cũ... khiến người mua “không biết đường nào mà lần”.

Nhiều băn khoăn khi mua xe cũ

Với 400 triệu đồng, anh Đình Nguyên (Hà Nội) ban đầu muốn mua một chiếc sedan cũ đời 2010 - 2012 do không thích dòng hatchback như Kia Morning hay Chevrolet Spark, lại tránh phải vay trả góp. Tuy nhiên, sau khi xem xe tại một số trung tâm mua bán ô tô cũ, anh đã quyết định "thắt lưng buộc bụng" vay thêm 300 triệu để mua chiếc Toyota Vios trả góp. Anh Nguyên chia sẻ: “Nhân viên kinh doanh của salon nào cũng mạnh miệng ‘nguồn hàng này đảm bảo tuyệt đối’, rồi ‘máy móc hoàn toàn chính hãng, không thay hàng chợ, không phải xe tai nạn hay hàng dựng lại, nhưng khi tôi yêu cầu giải thích về cách làm thế nào để phát hiện xe có bị tai nạn hay chưa thì họ lại đánh trống lãng, cứ vòng vo đủ kiểu. Càng như vậy, tôi lại càng nghi ngờ, sợ mua về gặp xe tàn thì có ngày tiền mất tật mang, thôi rán gánh nợ vài năm vậy”.

{keywords}

Xe cũ bán tràn lan nhưng chưa có một hệ thống kiểm định đúng chuẩn và minh bạch

Trên thực tế, chuyện “mông má” lại cho nuột xe trước khi bán lại là chuyện đương nhiên tại bất cứ đại lý ô tô cũ nào. Thậm chí, một số đại lý còn thu mua xe hỏng nặng, móp méo hoặc ngập nước với giá thấp, sau khi “phù phép” có thể bán ra với giá gấp hai, gấp ba. Người mua nếu không tìm hiểu kỹ mặt bằng giá, thấy xe bán rẻ lại ngỡ mua được với giá hời, ai ngờ lại đem về “đồng nát”.

Nhìn vào chiếc xe đã được tân trang lại diện mạo, khó ai chắc chắn được liệu xe đó có trải qua “biến cố” lớn nào hay chưa, cũng chẳng ai dám đảm bảo các bộ phận trên xe vẫn còn nguyên bản hay không. Riêng phần máy và gầm có cấu tạo rất phức tạp nên người bán thường cố tình nhấn mạnh và sẵn sàng cho người mua kiểm tra thử, nhưng đến thợ máy cũng chưa chắc đánh giá chính xác, huống hồ gì khách hàng bình thường, đặc biệt là đối tượng mới mua xe lần đầu chưa có kinh nghiệm như đa phần khách hàng Việt.

Chọn mua một chiếc ô tô để kinh doanh dịch vụ, anh Hoàng Nam ở TP.HCM cho biết: "Với mức tài chính eo hẹp ban đầu tôi cũng định mua ô tô cũ, nhưng thú thật bản thân tôi cũng còn thiếu kinh nghiệm chọn mua xe, lại không biết làm sao để kiểm tra chất lượng, để tránh mua phải xe tai nạn hay bị thủy kích. Vì vậy, cuối cùng cũng đành quay về với phương án trả góp để mua một chiếc Kia Morning, dù gì xe mới vẫn yên tâm hơn."

Hiện nay, một số thương hiệu như Toyota, Ford hay Mercedes-Benz đã mở trung tâm xe cũ với quy trình kiểm tra minh bạch và dựa trên quy chuẩn toàn cầu để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong nước, nhưng số lượng chỉ đếm trên đầu ngón tay, chưa thấm vào đâu so với hàng ngàn đại lý tư nhân kinh doanh ô tô đã qua sử dụng trên khắp cả nước. Tìm mua xe trên các trang web rao vặt, mỗi ngày có vô số tin đăng xe bán, thế mà chỉ được vài chiếc có hình ảnh, thông tin rõ ràng, còn đâu đều mờ mịt. Ngược lại, tham khảo trên một số trang bán xe của nước ngoài như Edmunds hay Kelly Blue Book, xe đăng bán đều công bố số VIN để tiện tra cứu cũng như đem đến sự chủ động cho người mua.

Ngoài ra, các thủ tục pháp lý để sang tên đổi chủ khá rắc rối và tốn thời gian cũng là rào cản khiến người tiêu dùng Việt chưa sẵn sàng mua ô tô cũ. Nhất là đối với dân ngoại tỉnh vào thành phố để lập nghiệp, việc phải về quê (nơi đăng ký thường trú) của người bán để làm thay đổi đăng ký xe rất bất tiện, chưa sắp xếp được thời gian thì nơm nớp lo sợ bị phạt, mua xe lại không dám dùng.

Dù hình thức mua bán xe hơi đã qua sử dụng tại Việt Nam còn nhiều bất cập và chưa đem lại sự tin tưởng cho người tiêu dùng, nhưng đây vẫn là lựa chọn hợp lý với nhiều đối tượng đang muốn mua ô tô với điều kiện tài chính không quá dư dả. Trong trường hợp này, người mua xe cũ nên tìm đến những đại lý có uy tín và đi kèm với thợ giỏi để nhờ xem xét, đánh giá một cách toàn diện về chất lượng chiếc xe, đừng nên vội vàng mà cần tìm hiểu kỹ càng để tránh mua xe kém, mất tiền oan

(Theo Thế giới xe)