Việc triệu hồi không hoàn toàn triệt để một phần do ý thức của người tiêu dùng cho rằng, lỗi nhỏ, không cần thiết. Thực tế, nhiều đợt triệu hồi diễn ra khá chậm do lượng xe mang đến kiểm tra và thay thế ít.

Triệu hồi tăng vọt

Theo số liệu của Cục Đăng kiểm VN, hết năm 2017 cả nước có gần 60 nghìn phương tiện ô tô - xe máy được triệu hồi để khắc phục lỗi kỹ thuật. Số đợt và lượng phương tiện triệu hồi ngày càng lớn cho thấy công tác quản lý cũng như nhận thức của các hãng xe về an toàn kỹ thuật ngày càng nâng cao.

Theo số liệu từ Cục Đăng kiểm VN, kể từ đầu năm 2017 tới nay, cả nước có 27 đợt triệu hồi xe với số xe được triệu hồi lên tới 55.773 chiếc, trong đó xe máy là 17.426 xe (31%) và ô tô là 38.347 xe (69%). Những vụ triệu hồi lớn trong năm như: Mercedes-Benz Việt Nam (MBV) triệu hồi hàng loạt các dòng xe do lỗi liên quan đến cầu chì làm quá tải dòng điện, có thể gây cháy xe; Piaggio Việt Nam triệu hồi hơn 13 nghìn xe máy để gia cường ống thân chính khung xe Liberty; Honda triệu hồi 320 xe Accord để khắc phục lỗi gương chiếu hậu; Mitsubishi Việt Nam triệu hồi 4.218 xe Pajero Sport và Outlander Sport để khắc phục lỗi ở bộ phận cửa sau…

{keywords}
Một số mẫu xe phải triệu hồi sửa lỗi kỹ thuật trong năm 2017

Theo ông Nguyễn Đông Phong, Phó trưởng phòng Chất lượng xe cơ giới - VAQ (Cục Đăng kiểm VN), dấu ấn lớn và đặc thù nhất trong các đợt triệu hồi của năm 2017 là việc triệu hồi xe do túi khí Takata. Do nhiều hãng lớn trên thế giới đều sử dụng loại túi khí này. Lỗi hệ thống túi khí này ảnh hưởng đến một lượng ô tô rất lớn trên toàn cầu.

Tại Việt Nam, đã có hàng loạt các thương hiệu xe cũng phải triệu hồi do lỗi túi khí như: Toyota, Honda, Mitsubishi, Ford, Nissan và Subaru Việt Nam… với số lượng lên tới gần 40 nghìn xe. Nhiều nhất trong số này là Toyota với đợt triệu hồi liên quan đến hơn 28 nghìn xe, bao gồm cả Vios (lắp ráp trong nước) và Yaris (nhập khẩu).

“Cục Đăng kiểm VN hiện vẫn đang tích cực làm việc với các doanh nghiệp để xác định lỗi túi khí và đưa ra các phương án triệu hồi, đảm bảo các yêu cầu về an toàn kỹ thuật”, ông Phong cho biết.

 
Không chỉ triệu hồi xe do lỗi túi khí, trong năm 2017, hàng loạt mẫu xe cũng được Cục Đăng kiểm VN yêu cầu triệu hồi sau khi có phản ánh từ báo chí và dư luận, thậm chí từ chính các khách hàng sử dụng xe.

Theo ông Phạm Anh Tuấn, Tổng trưởng ban Hoạch định chiến lược Toyota Việt Nam (TMV): “Theo quan điểm của chúng tôi, việc triệu hồi xe hoàn toàn là việc tốt, nâng cao trách nhiệm của hãng xe, đảm bảo quyền lợi đối với khách hàng và quan trọng nhất là giữ được uy tín thương hiệu. Từ trước đến nay, ngay khi phát hiện ra lỗi tồn tại ở các xe sản xuất lắp ráp tại Việt Nam hay được Toyota Nhật Bản thông báo về xe phải triệu hồi, TMV luôn sẵn sàng triệu hồi xe để đảm bảo khách hàng được sử dụng những chiếc xe có chất lượng tốt, an toàn khi tham gia giao thông. TMV sẵn sàng lắng nghe khách hàng phản ánh về lỗi xuất hiện trên xe và điều tra, xem xét. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, chưa có phản ánh chính thức nào tới hãng khiến hãng phải thực hiện triệu hồi xe mà tất cả đều do TMV tự nhận ra trong quá trình sản xuất, lắp ráp và do Toyota Nhật Bản thông báo”.

Nghịch lý hãng xe sốt sắng, người tiêu dùng thờ ơ

Theo ông Trần Kỳ Hình, Cục trưởng Cục Đăng kiểm VN, về nguyên tắc, doanh nghiệp có thể tự nhận biết lỗi kỹ thuật phương tiện hoặc thông qua phản ánh của khách hàng và từ đó chủ động đề nghị được triệu hồi xe. Khi nhận được văn bản đề nghị triệu hồi xe của doanh nghiệp, Cục Đăng kiểm VN sẽ xem xét cho phép doanh nghiệp thực hiện việc triệu hồi. “Về bản chất, việc triệu hồi xe không thể hiện sự yếu kém của nhà sản xuất ô tô - xe máy mà trái lại là cơ hội để các hãng xe thể hiện năng lực, uy tín của mình với thiện chí mang lại sản phẩm tốt nhất cho người tiêu dùng”, Cục trưởng Cục Đăng kiểm VN cho biết.

Về quy trình triệu hồi, trong trường hợp có ý kiến phản ánh của khách hàng đến Cục Đăng kiểm VN hoặc phản ánh của dư luận, nếu xét thấy những phản ánh đó là có cơ sở thì Cục Đăng kiểm VN sẽ yêu cầu các hãng xe buộc phải triệu hồi để khắc phục lỗi.

Cho biết cụ thể hơn về công tác triệu hồi xe, theo ông Nguyễn Đông Phong, nhờ việc đẩy mạnh công tác kiểm tra an toàn kỹ thuật, đôn đốc sát sao của cơ quan quản lý nhà nước nên ý thức triệu hồi khắc phục lỗi của các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp và phân phối đã tăng lên. Việc khách hàng phát hiện các lỗi kỹ thuật, phản ánh đến Cục Đăng kiểm cũng như đến chính nhà sản xuất lắp ráp và nhập khẩu như hiện nay thể hiện sự quan tâm của người tiêu dùng Việt Nam ngày càng được nâng cao. Ngoài ra cũng phải kể đến là công tác triệu hồi các sản phẩm xe cơ giới cũng được quan tâm hơn từ nhiều phía như cơ quan quản lý, các doanh nghiệp và cả người tiêu dùng trong nước.

“Trong năm 2017, đa số các chiến dịch triệu hồi do doanh nghiệp tự báo cáo, đề xuất. Điều này cũng có thể thấy được ý thức của các doanh nghiệp về vấn đề này đã được nâng cao. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp phải sau khi có phản ánh từ dư luận, báo chí và người tiêu dùng về các lỗi kỹ thuật và được Cục Đăng kiểm VN yêu cầu báo cáo hoặc trực tiếp kiểm tra, phát hiện lỗi thì việc triệu hồi mới được thực hiện”, ông Phong cho biết.

Đặc biệt ở phía những người sở hữu ô tô - xe máy, ông Phong cho biết, mặc dù thông tin triệu hồi xe đã được thông báo rộng rãi nhưng không phải tất cả các xe thuộc diện triệu hồi được khắc phục các lỗi kỹ thuật. Cụ thể, ông Phong cho biết: “Theo báo cáo của các doanh nghiệp ô tô - xe máy gửi về Cục Đăng kiểm VN, vẫn còn khoảng 20% số lượng phương tiện thuộc diện phải triệu hồi để khắc phục lỗi kỹ thuật không được chủ xe đưa đến các đại lý, gara của hãng để khắc phục. Việc triệu hồi không hoàn toàn triệt để một phần do ý thức của người tiêu dùng cho rằng, lỗi nhỏ, không cần thiết. Thực tế, nhiều đợt triệu hồi diễn ra khá chậm do lượng xe mang đến kiểm tra và thay thế ít. Điều này tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ATGT”.

"Năm 2018, Cục Đăng kiểm VN sẽ tiếp tục rà soát các chiến dịch triệu hồi đã thực hiện và sẽ đưa ra những yêu cầu cao hơn trong công tác triệu hồi đối với các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp và phân phối phương tiện cơ giới. Ngoài ra, cũng sẽ có những biện pháp để thông báo, tuyên truyền rộng rãi hơn đến người tiêu dùng về các thông tin triệu hồi sản phẩm của doanh nghiệp.", Ông Nguyễn Đông Phong - Phó trưởng phòng Chất lượng xe cơ giới - VAQ (Cục Đăng kiểm VN)

(Theo Xe giao thông)