Tới đây, người dân có nhu cầu cấp đổi bằng lái xe bằng vật liệu PET sẽ không cần đến Sở GTVT mà có thể được cấp đổi qua đường bưu điện. Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã được Bộ GTVT chấp thuận cho phép triển khai dịch vụ này trong thời gian sớm nhất.
Trả bằng lái xe tận nhà
Bộ GTVT vừa đồng ý với đề xuất của Tổng cục Đường bộ Việt Nam về việc triển khai dịch vụ tiếp nhận hồ sơ cấp đổi và trả giấy phép lái xe (GPLX) do Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam thực hiện. Theo đó, người dân có nhu cầu cấp, đổi GPLX chỉ việc mang hồ sơ (theo quy định) kèm theo ảnh thẻ chụp chân dung đến các điểm bưu điện để gửi hồ sơ. GPLX mới sẽ được gửi lại cho cá nhân qua đường bưu điện.
Khách hàng sau khi đăng ký sẽ được cung cấp biên lai lệ phí 135.000 đồng/GPLX theo quy định, ngày hẹn nhận hồ sơ và phiếu thu lệ phí dịch vụ bưu điện. Theo thời gian cam kết, bưu điện sẽ cử nhân viên mang GPLX đến địa chỉ đã đăng ký và người dân không cần quay trở lại bưu điện để nhận GPLX.
Người dân có nhu cầu cấp đổi GPLX sẽ không phải đến tận nơi
|
Theo bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, việc phối hợp triển khai dịch vụ tiếp nhận hồ sơ đổi GPLX giúp giảm chi phí và thời gian đi lại cho người dân, được xã hội ủng hộ. Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam đã thành lập các tổ công tác lưu động đến các làng, bản miền núi, vùng sâu, vùng xa để tiếp nhận hồ sơ đổi GPLX cho người dân và trả tại nhà, được người dân đánh giá tốt.
Các Sở GTVT cũng được lợi, giảm được chi phí đầu tư trang thiết bị và nhân lực thực hiện thủ tục đổi giấy phép lái xe tại với địa phương; giảm áp lực đáng kể tại bộ phận đổi GPLX. Về thủ tục tiếp nhận hồ sơ giữa người dân và nhân viên bưu điện, bà Phan Thị Thu Hiền cho biết, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã đề nghị Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam đầu tư trang thiết bị, bố trí nhân lực tại một số vị trí có tính kỹ thuật ở bưu cục, đảm bảo đủ năng lực tiếp nhận hồ sơ; niêm yết rõ ràng, công khai, minh bạch các thông tin liên quan đến đổi GPLX, lệ phí cấp GPLX theo quy định và giá dịch vụ để người dân biết, lựa chọn.
Xử lý thế nào nếu hồ sơ thất lạc?
Để đảm bảo quyền lợi cho người dân, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam và Sở GTVT phải có thỏa thuận, cam kết và quy định trách nhiệm, nghĩa vụ giữa các bên liên quan. Việc triển khai tiếp nhận hồ sơ đổi bằng lái xe và trả kết quả phải có sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ của các Sở GTVT; phải lắp đặt hệ thống camera để Sở GTVT quan sát trực tiếp quá trình tiếp nhận hồ sơ.
Mặc dù việc cấp đổi GPLX qua bưu điện mang lại tiện ích lớn, đặc biệt là với người dân sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, nhưng nhiều người vẫn lo lắng, nếu hồ sơ hoặc GPLX mới bị thất lạc thì ai chịu trách nhiệm? Bà Phan Thị Thu Hiền cho biết, việc chuyển trả kết quả GPLX qua bưu biện chỉ thực hiện đối với cá nhân có nhu cầu (thực hiện theo quy định của pháp luật về dịch vụ bưu chính).
Trong trường hợp GPLX do bưu điện làm thất lạc, sau 2 tháng kể từ ngày nộp đủ hồ sơ theo quy định, nếu không tìm lại được, sẽ được xét cấp lại GPLX. Việc xác minh GPLX thật - giả trong quá trình cấp đổi qua bưu điện sẽ được thực hiện bằng trực giác khi tiếp nhận hồ sơ. Đối với GPLX nghi ngờ tính hợp lệ, Sở GTVT phải tra cứu hệ thống thông tin để xác thực.
Về thời gian triển khai, bà Phan Thị Thu Hiền thông tin, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã đề nghị các Sở GTVT căn cứ tình hình thực hiện lộ trình đổi GPLX để xem xét lựa chọn đơn vị phối hợp tiếp nhận hồ sơ đổi bằng lái cho phù hợp thực tế tại địa phương. Căn cứ vào phản hồi từ các Sở GTVT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam sẽ đưa ra lộ trình cụ thể.
Giấy phép lái xe bằng vật liệu giấy được chuyển đổi sang GPLX mới bằng vật liệu PET theo lộ trình: GPLX xe ô tô trước ngày 31-12-2016; GPLX mô tô không thời hạn (các hạng A1, A2, A3) trước ngày 31-12-2020. Sau 6 tháng theo lộ trình chuyển đổi trên, người có GPLX bằng giấy phải sát hạch lại lý thuyết để cấp lại GPLX.
(Theo ANTĐ)