Chắc hẳn những ai sở hữu ô tô đều phần nào thấy "run" khi phải đánh xe vào gara sửa chữa vì không biết tờ hóa đơn thanh toán sắp xuất hiện sẽ có mấy số 0. Tuy nhiên, việc sửa chữa, bảo dưỡng ô tô không phải lúc nào cũng tốn kém và đáng sợ. Dưới đây là một số bộ phận có mức giá được xem là "dễ chịu" trên xe nhưng nếu không dành sự quan tâm đúng mực cho chúng, rất có thể bạn sẽ phải trả cái giá đắt hơn nhiều.

Lọc khí động cơ, lọc gió cabin và lọc nhiên liệu

Với mức giá chỉ từ vài trăm ngàn (loại bình thường) đến trên dưới 2 triệu đồng (loại cao cấp), đây là những bộ phận đóng vai trò quan trọng giúp xe vận hành trơn tru nhưng lại có chi phí sửa chữa, thay thế không cao.

Lọc khí động cơ (air filter) thường được chủ xe quan tâm vì bộ phận này gắn liền với động cơ, có nhiệm vụ lọc không khí sạch bơm vào trong xi lanh, giúp xe khởi động trơn tru hơn. Lọc khí bẩn sẽ khiến máy xe yếu hay tệ hơn là đề không nổ.

{keywords}
Lọc xăng (mũi tên xanh) thường nằm đâu đó dọc theo ống dẫn nhiên liệu.

Lọc nhiên liệu (fuel filter) bảo vệ hệ thống bơm phun và động cơ khỏi các tác nhân gây hại như bụi bẩn,nước và các chất cặn trong nhiên liệu. Cùng với lọc khí, lọc nhiên liệu có tác dụng đảm bảo sự tinh khiết tối đa cho hỗn hợp xăng (hoặc dầu) và không khí, bơm vào xi-lanh, giúp động cơ luôn đạt hiệu suất tối đa. Bạn cũng cần lưu ý rằng trên một xe có thể có nhiều lọc xăng khác nhau, chịu trách nhiệm lọc những thành phần khác nhau.

{keywords}
Có thể xem lọc gió khoang lái như một chiếc "khẩu trang" cho hành khách ngồi trên xe

Trong khi đó, lọc gió khoang lái (cabin air filter), đôi khi còn được biết đên vơi tên gọi lọc gió điều hòa,có nhiệm vụ lấy không khí trong sạch từ bên ngoài đưa vào khoang hành khách, có ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của những người ngồi trên xe, nhưng lại ít được quan tâm. Lọc gió cabin bẩn có thể sẽ khiến xe mang mùi khó chịu hay mở máy lạnh hết cỡ mà không mát.

Dầu phanh và dầu hộp số

Dầu phanh dùng quá lâu ngày sẽ bị ngậm nước do hút ẩm từ không khí (đặc biệt là nếu xe thường xuyên phải lội nước). Việc bị dính ẩm sẽ khiến nhiệt độ sôi giảm xuống làm cho dầu phanh sủi bọt, gây giảm khả năng truyền lực của phanh và khiến hệ thống phanh hoạt động kém hiệu quả, đặc biệt ở các tình huống xe phải phanh liên tục trong thời gian dài như khi đổ đèo.

Dầu hộp số cũng đóng vai trò quan trọng, đặc biệt đối với xe số tự động. Với hộp số AT, dầu không chỉ thực hiện những vai trò cơ bản như bôi trơn, làm sạch và làm mát, mà còn là thành phần không thể thiếu của hệ thống van và piston thủy lực điều khiển hoạt động của hộp số. Thiếu dầu hộp số khiến xe yếu, tăng tốc kém, vòng tua cao mà vẫn ì ạch và nặng nhất là hỏng cả hộp số.

Thông thường, dầu phanh được khuyến khích thay mới sau mỗi 40.000 km còn với dầu hộp số là 80.000 km vận hành. Tuy nhiên con số này có thể thay đổi tùy thuộc vào từng loại dầu cụ thể.

Bugi động cơ

"Thứ nhất là hỏng bugi, thứ hai là hỏng cái gì bên trong", câu nói huyền thoại mà ai cũng biết này đã cho thấy tầm quan trọng của bugi đối với cả ô tô và xe máy. Bugi có nhiệm vụ sinh tia lửa điện giữa hai điện cực (cực trung tâm và cực bên nối mát), để đốt cháy hỗn hợp không khí - xăng từ được nạp vào buồng đốt.

{keywords}
 

Chỉ một chiếc bugi bị hỏng cũng có thể dẫn đến máy xe không nổ được, vỡ vòng đệm kín piston hay làm dầu xe nhiễm bẩn. Vì thế, bugi cần được kiểm tra và vệ sinh định kỳ.

Dây curoa

Dây curoa (serpentine belt) có nhiệm vụ kéo nhiều bộ phận khác nhau trong đầu máy như điều hòa, bơm dung dịch làm mát, quạt tản nhiệt hay hệ thống trợ lái. Dây curoa là một trong những linh kiện có giá "bèo" nhất trên xe nhưng lại đóng vai trò tối quan trọng. Trên hầu hết các xe phổ thông hiện nay chỉ có một curoa tổng phụ trách truyền động. Trong khi đó, trên các xe cao cấp (với máy V6 hoặc V8), động cơ có thể có hai dây đối xứng. Một số xe giá rẻ có thể có hai dây độc lập (một cho truyền động và một cho điều hòa, máy phát...).

{keywords}
 

Trong mọi trường hợp, nếu dây đai xoắn bị đứt, nhiều bộ phận của động cơ sẽ rủ nhau "đình công". Tệ hơn, nếu dây tổng bị đứt, động cơ sẽ bị đội nắp máy, buộc chủ nhân phải dỡ ra để đặt lại các trục và piston. Dĩ nhiên, chi phí trong trường hợp này sẽ không nhỏ.

Dây đai xoắn thường hao mòn trong quá trình sử dụng, nhưng cũng có thể mục ruỗng vì hóa chất, độ ẩm không khí... Vì vậy chúng ta nên thường xuyên quan tâm đến bộ phận này để tránh gặp phải những rủi ro đáng tiếc hơn.

Ống dẫn dầu phanh

Chỉ một lỗ rò rỉ nhỏ trên ống dẫn dầu phanh (brake hose) cũng có thể khiến toàn bộ lượng dầu phanh của xe chảy hết xuống đường và làm chiếc xe bị mất phanh hoàn toàn. Hậu quả nghiêm trọng đến đâu chắc không cần bàn cãi nữa.

Nhìn chung, những phụ tùng nêu trong bài viết chỉ có mức giá bán trong khoảng vài trăm nghìn đồng nhưng tầm quan trọng của ống dẫn dầu phanh thì lớn hơn rất nhiều. Đừng quên kiểm tra chi tiết này mỗi lúc cảm thấy chân phanh có vấn đề hoặc khi đưa xe đi bảo dưỡng.

(Theo Tạp chí giao thông)