Quy chuẩn 41/2016 về báo hiệu đường bộ có nhiều quy định mới liên quan đến việc phân chia các làn đường.
Thời gian qua, nhiều lái xe bày tỏ không đồng tình vì quy chuẩn cũ năm 2012 về báo hiệu đường bộ không có mục nào nói đến vạch liền phân chia các làn đường trong cùng một chiều, chỉ có vạch liền phân chia hai chiều ngược nhau nhưng vẫn bị CSGT thổi phạt khi đè lên vạch (không chuyển làn). Quy định không rõ ràng trong quy chuẩn gây ra tình trạng tranh cãi nhiều năm qua giữa tài xế và CSGT.
Trao đổi về vấn đề này, ông Vũ Ngọc Lăng, Vụ trưởng Vụ ATGT (Tổng cục Đường bộ VN) cho biết, đúng là quy định về hiệu lực, tác dụng của vạch kẻ đường, biển báo được ghi trong quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về báo hiệu đường bộ QCVN 41:2012/BGTVT được nhiều người quan tâm trong thời gian qua. Theo ông Lăng, quy chuẩn cũ năm 2012 về báo hiệu đường bộ không có mục nào nói đến vạch liền phân chia các làn đường trong cùng một chiều mà chỉ có vạch liền phân chia hai chiều ngược nhau. Nhưng thực tế trên đường, đặc biệt tại các nơi giao nhau thường kẻ vạch liền trắng, chiều rộng 15 cm với ý nghĩa phân tách các làn, xe không được đè vạch hay chuyển làn qua vạch.
Quy chuẩn mới 41/2016 về báo hiệu đường bộ có nhiều quy định mới liên quan đến việc phân chia các làn đường |
Vì vậy, Quy chuẩn mới 41/2016 có hiệu lực thi hành từ cuối năm 2016 thay thế cho quy chuẩn 41/2012 quy định về vạch kẻ đường rõ ràng hơn khi tách thành các nhóm vạch dành cho hai chiều xe chạy và vạch dành cho xe chạy cùng chiều. Theo quy định này, vạch liền tại ngã tư sẽ xuất hiện trong quy chuẩn với tên gọi vạch 2.2, xe không được phép lấn làn và không được đè lên vạch. Bất cứ xe nào đè vạch liền trong cùng một chiều đều có thể bị CSGT thổi phạt theo căn cứ quy chuẩn 41/2016, trừ những trường hợp bất khả kháng như nhường xe ưu tiên, tránh tai nạn.
Loại vạch nói đến ở trên là vạch liền kẻ giữa đường, dùng để phân chia làn, không áp dụng cho loại vạch liền nhưng vẽ sát lề đường hoặc sát giải phân cách để giới hạn phần xe chạy hoặc phân chia làn xe cơ giới và xe thô sơ. Loại vạch này được phép đè khi cần thiết.
"Vạch kẻ đường khi được sử dụng độc lập thì người tham gia giao thông phải tuân theo ý nghĩa vạch kẻ đường. Vạch kẻ đường khi sử dụng kết hợp với đèn tín hiệu, biển báo thì người tham gia giao thông phải tuân theo ý nghĩa, hiệu lệnh của cả vạch kẻ đường và đèn tín hiệu, biển báo hiệu", ông Lăng cho biết,
Điểm a Khoản 1 Điều 5 Nghị định 46 quy định: Phạt tiền từ 100.000 - 200.000 đồng đối với người điều khiển, người được chở trên xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô không chấp hành hiệu lệnh, chỉ dẫn của biển báo hiệu, vạch kẻ đường. Cùng hành vi vi phạm này, Khoản 1 Điều 6 xử phạt người đi xe môtô, xe gắn máy từ 60.000 - 80.000 đồng nếu xe đè vạch liền.
(Theo Báo Giao thông)