Ông đứng trầm ngâm bên động cơ của chiếc trực thăng. Thỉnh thoảng, ông ngước lên trên nhìn cánh quạt rồi bước đến đầu máy bay. "Không lẽ mình thua cuộc rồi sao ?". Ông lẩm bẩm một mình trong khi bên ngoài mọi người đang tất bật chào đón năm mới ...

Chưa đạt, ăn tết không ngon

Buổi sáng cuối năm, có mặt tại garage Bùi Hiển trên quốc lộ 13 (P. An Thạnh, tx Thuận An, Bình Dương). Cả xưởng vắng vẻ không một bóng công nhân. Ở một góc, nơi có chiếc trực thăng đang nằm, một người đàn ông đứng tuổi khoanh tay đứng nhìn dường như bất động.  

{keywords}

Ông Bùi Hiển tác giả chiếc trực thăng 1 chỗ ngồi

Ông Bùi Hiển, 61 tuổi là chủ garage này. Công việc của garage là sửa chữa xe cộ cùng nông cơ nhưng ông đã giao lại cho con từ nhiều năm nay để một mình ông chuyên tâm vào công việc chế tạo máy bay. Chiếc máy bay trực thăng một chỗ ngồi trước mặt chúng tôi là kết quả của nhiều năm miệt mài.

Ông Hiển cho biết, đây là chiếc thứ 2 sau thất bại của chiếc thứ nhất. Lần đầu vào năm 2011, ông bắt đầu chế tạo chiếc trực thăng với 2 tầng cánh lấy từ mẫu máy bay Anh 51AS Nolan. 

Đến năm 2013, các công đoạn khung sườn, cánh v.v. . .đã hoàn tất. "Tôi lắp động cơ vào máy bay. Tôi dùng động cơ canô vì động cơ này đạt được các thông số cần thiết. Thế nhưng khi bắt đầu thử nghiệm mới hay động cơ canô không hề có bộ phận giải nhiệt. Sau khi khởi động được 5 phút, máy bay cất cánh nhưng cũng chỉ trong vài phút phải hạ cánh và tắt máy vì máy quá nóng.

"Tôi bỏ chiếc trực thăng 2 tầng cánh tiếp tục chế tạo loại trực thăng khác. Lần này tôi chế tạo theo mẫu trực thăng của Mỹ. Máy bay có chiều dài 7,4 m, cao 2,4 m, chiều dài cánh quạt chính là 6,6 m và chiều dài cánh quạt phía sau là 1,1 m"' ông kể.

Việc chế tạo chiếc thứ 2 này phải đến cuối năm 2015 mới xong. Đông cơ lần này được mua từ Campuchia là loại động cơ mà phía liên minh châu Âu (EU) lắp vào trực thăng nhưng Mỹ dùng cho loại xe đua công thức 1. Giá của động cơ này là 5.000USD.

Còn nhiều việc phải làm nhưng năm mới sắp đến đành phải tạm dừng. Vấn đề còn lại trong năm nay phải giải quyết xong mới ăn tết được nên tôi hạ quyết tâm phải bay được và bay lên treo lơ lửng (hover) vào trước tết.

Gần đây, tôi đã bay thử nghiệm tai một khu vực rộng rãi thoáng đãng nhưng kín đáo do một người bạn giúp đỡ. Chiếc máy bay khởi động tốt và đã cất cánh được với độ cao 1m. Như vậy phần bay đã thành công. Nhưng bay hover - vốn là bài tập đầu tiên cho nghiệp lái máy bay - tôi chỉ mới thực hiện nửa vời nên xem như chưa đạt. Chính điều này đã làm tôi miên man suy nghĩ và cũng làm cho tôi ray rứt vô cùng" - ông Hiển tâm sự.

{keywords}

Sổ tay phi công trực thăng

Niềm đam mê cháy bỏng

Ông Bùi Hiển quê ở thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh). Cả gia đình ông, từ cụ thân sinh đến các anh em đều theo nghiệp cơ khí. Bản thân ông rất say mê ngiên cứu khoa học. Về sau ông theo học và trở thàn kỹ sư cơ khí chuyên sửa chữa ô tô cho một xí nghiệp lâm nghiệp.

Trong khoảng thời gian này ông theo dõi các hoạt động của những nhóm chuyên chơi máy bay mô hình. "Xem những chiếc máy bay đó tôi thích lắm. Tôi nghĩ, máy bay mô hình chế tạo được, bay được thì tại sao mình không chế tạo được chiếc máy bay thật?" 

Từ đó, ông chuyên tâm nghiên cứu. Chiếc máy bay mô hình đầu tiên được ông cho ra đời bằng động cơ của máy cưa cầm tay. Như vậy,dứt khoát máy bay thật phải bay được rồi.

Ông bắt đầu vùi đầu vào sách vở tìm hiểu về cách chế tạo máy bay. Ông lật tung các trang mạng, tiếp xúc với các nhà khoa học và được bạn bè tận tình giúp đỡ. Cuối cùng ông quyết định chế tạo ra trực thăng một chỗ ngồi.

Theo ông, bước đầu nên chọn loại dễ nhất, rẻ nhất và nhanh nhất để làm. Trừ động cơ, tất cả khung sườn, cánh quạt đều do một tay ông làm ra. Trong suốt 5 năm, 2 chiếc máy bay ra đời khiến ông tốn nhiều trăm triệu đồng nhưng vẫn chưa toại nguyện. Điều này chưa phải là trở lực làm ông thất bại.

{keywords}

Ông Bùi Hiển đang bay thử nghiệm (ảnh Phan Cường)

"Công việc tôi làm không đơn độc đâu anh. Ngoài bạn bè còn có những người không quen biết nhưng vẫn tìm đến ủng hộ động viên cổ vũ. Những người lính không quân tặng tôi từng nắm ốc vít máy bay, những nhà khoa học cung cấp cho chúng tôi nhiều tài liệu quí giá. Cũng nhờ vậy mà tôi chế tạo được 2 chiếc trực thăng tuy rằng chưa phải là thành công viên mãn. Tôi cũng đã từ chối lời đề nghị của một trường đại học cung sẽ cung cấp cho tôi nhiều quyền lợi đặc biệt để tôi chuyển giao công trinh này cho trường đứng tên tác giả".

Cuối tháng 1/2016, chiếc trực thăng nặng 340kg, động cơ 171 mã lực, dùng xăng A92 tiêu hao 15 lít/giờ với tổng chi phí 300 triệu đồng được ông Hiển cho bay thử nghiệm. Máy bay lên được cao độ 1m và bay được vài chục phút. Dù chưa được như ý nhưng bước đầu cũng đã là thành công.

Trong giờ phút năm tận tháng cùng, ông Hiển hăm hở nói với chúng tôi :"Nếu được sự quan tâm của chính quyền tôi dám quả quyết, chiếc trực thăng một chỗ ngồi sẽ thành công mỹ mãn. Nó sẽ là công cụ cho ngành nông nghiệp giúp phun thuốc trừ sâu trên diện rộng".

Tuy nhiên, chiều 30/1, BCH quân sự Thị xã Thuận An đã tìm ông khuyến cáo: "Không được đưa máy bay ra ngoài cất cánh" !!!

Trần Chánh Nghĩa