Câu chuyện một anh chàng người nước ngoài đứng giữa ngã tư để lau kính ô tô cho người đi đường để kiếm tiền về nước, sau khi bị lừa hết tiền ở Việt Nam đang khiến dân mạng nổ ra tranh cãi dữ dội.

Khách du lịch người nước ngoài bị lừa ở Việt Nam, phải “lao động” để kiếm tiền về nước?

Trên một diễn đàn lớn của những người mê ô tô, thành viên Lê Minh Cương đã đăng tải bức ảnh chụp lại ảnh một anh chàng Tây có hình xăm, cởi trần. mồ hôi nhễ nhại đang lau kính xe cho mình với lời dẫn đầu cảm thán: “Em đi đê Nguyễn Khoái, đang dừng đèn đỏ, gặp anh Tây phi thẳng ra lau kính xe cho mình. 

Trời thì nắng, nhìn a ý nhễ nhại mồ hôi mà ngại quá. Xuống kính hỏi thì anh ấy bảo không có tiền, em tặng anh ấy một ít để uống nước và thực sự ấn tượng trước thái độ làm việc và cách kiếm tiền của anh này”.

{keywords}

Bức ảnh anh chàng người nước ngoài lau kính xe ô tô giữa ngã tư nắng gắt khiến nhiều người thương cảm. (Ảnh: Otofun)

Thành viên này nói thêm, vì thời gian ít (chỉ vỏn vẹn trong vài chục giây chờ đèn đỏ) nên anh không kịp hỏi cụ thể hoàn cảnh của anh chàng này, nhưng nghe nói anh ấy là khách du lịch, bị lừa mất hết tiền, không có tiền về nước nên phải đứng ra đây kiếm cho đủ.

Sau khi bức ảnh và câu chuyện này được đăng tải, hàng chục nghìn lượt like cũng như share đã được để lại dưới bức ảnh, cùng với nó là hàng trăm lượt bình luận rôm rả của dân mạng. Không ít người bày tỏ sự xúc động, thương xót cho anh chàng người nước ngoài tội nghiệp, có lẽ vì ngờ nghệch nên đã bị ai đó lừa lấy hết tiền. Nhiều người cũng xác nhận, khi đi qua đoạn đường Nguyễn Khoái đã từng gặp anh chàng này thường tranh thủ những lúc dừng đèn đỏ để lao ra lau cửa kính xe ô tô cho khách đi đường, và khách sẽ trả tiền “tùy tâm”, thường là mấy đồng lẻ trong ví, hoặc có khi 10.000 – 20.000 đồng.

Một số cư dân mạng “vận động”, nếu đi đường gặp anh chàng Tây này, hãy để anh ấy lau kính xe và cho anh ấy ít tiền để có lộ phí về nước. Không ít người đã ca ngợi hành động của chàng Tây này là “lao động chính đáng” và so sánh rằng, việc đó đáng được chú ý hơn so với một số thanh niên Việt Nam giả ốm, giả bị hoại tử chân để xin tiền người đi đường. Chi tiết “là khách du lịch, bị lừa hết tiền không thể về nước” cũng được nhiều người nhấn mạnh, bày tỏ sự tức giận khi ngày càng có nhiều người nước ngoài rơi vào trường hợp tương tự; thậm chí, không ít cư dân mạng còn có những bình luận bức xúc, tiêu cực về sự chộp giật, “chặt chém” hay mánh khóe của người Việt trong du lịch, làm xấu hình ảnh quốc gia.

{keywords}

Dân mạng tranh cãi nảy lửa về hành động của anh chàng Tây này.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, không ít người cũng phản ứng trái chiều với hành động của anh chàng này, và cho rằng, điều đó chẳng có gì đáng để tuyên dương. Một số bình luận bày tỏ sự hoài nghi như: “Tây lau kính thì tò mò, rồi thấy ok, chứ mà có ông Việt Nam xăm trổ, cởi trần nào lao ra lau kính, thể nào mọi người cũng tưởng có ý đồ vặt gương hay ngáo đá, ít nhất cũng quát cho một trận”; “Không hiểu nguyên nhân của anh Tây này, và cũng tò mò. Nếu thực sự bị mất tiền hay bị lừa thì anh ấy chỉ cần tới Đại sứ quán trình bày là sẽ có người giúp đỡ ngay, có thể mọi việc không thực sự như vậy, hoặc anh ấy đang muốn làm gì đó khác”… cũng được đặt ra.

Bình tĩnh hơn, Facebooker Thanh Binh Ngo chia sẻ: “Cái này ở nước ngoài không ít. Đáng lẽ ra phải là anh này lau xe cho mình, mình tùy tâm gửi tiền công dù mình không thuê. Ở nước ngoài, không ai nỡ không gửi 1 - 2 đô lẻ cả. Tuy nhiên, ở Việt Nam mọi người không biết hình thức này. Khác biệt văn hóa nên dân mình chưa bắt kịp thôi. Cụ nào gặp thì cứ thoải mái cho 5.000 – 10.000 đồng tùy tâm nhé. Đừng cho nhiều quá không có lại thành loại hình dịch vụ thì mệt ra”.

{keywords}

Nhiều người khác cũng chia sẻ hình ảnh tương tự về người đàn ông lau kính xe. (Ảnh: Otofun)

Chàng Tây thực ra là rể Việt, có nhà và việc làm?

Hóa ra, chuyện anh chàng người nước ngoài lau kính xe ô tô ở ngã tư đường không phải là câu chuyện mới diễn ra gần đây. Không ít người xác nhận rằng họ đã thấy anh chàng này từ lâu rồi, khoảng 6 tháng trước. Lúc trước, anh chàng này hay đứng ở Dốc Bác Cổ, giờ chuyển địa điểm sang đê Nguyễn Khoái. Nhiều dân mạng thắc mắc: “Anh này làm 6 tháng rồi mà vẫn chưa đủ tiền về nước à?” hoặc hiến kế: “Lần sau ai gặp anh ấy, bảo anh ấy đi xin làm thầy giáo dạy tiếng Anh ở mấy trung tâm ấy các bác ạ, lương trung bình cũng 40, 50 triệu/tháng toàn thời gian đấy, không phải nắng mưa cực khổ thế này đâu ạ”.

Trong một diễn biến khác, nhiều người cũng kể rằng, thực ra, anh chàng Tây này không phải khách du lịch hay bị lừa tiền gì cả, mà đã sống ở Việt Nam một thời gian, đã có vợ và công việc ổn định. Một status của Facebooker Nguyễn Thành Chung đề cập đến câu chuyện của anh Tây này đã được nhiều người “khai quật” lên, trong đó có đoạn viết, anh Tây tâm sự: “Tao là Ma-Nu (phiên âm đúng tên ông bạn nói), tao thấy ở nước tao, mấy ông da màu hay làm điều này khi không có việc gì làm để kiếm thêm bao thuốc hay chai bia, nên tao đến nước mày, tao cũng làm như vậy luôn. Thực ra tao từ Italy sang đây. Tao làm bếp và có cả design nữa, nói chung là tao thích nghệ thuật ấy mà. Sang đây có vợ rồi. Bình thường, tao đi làm lúc 7 giờ sáng, song mày biết đấy, ngồi không làm tao khó chịu lắm, thế nên tao mới làm cái này để kiếm bao thuốc hoặc chai bia thôi. Có mấy ông không hiểu vẫn chửi tao đấy, chứ vợ tao ở nhà cho tao ăn uống đầy đủ với chăm sóc tao lắm. Nói chung là tao có việc làm nhưng tao cũng thích làm việc này”.

Khép lại câu chuyện, anh này viết: “Kết thúc cuộc nói chuyện, mình đề nghị mời thằng cha này một bao thuốc lá và một chai bia bằng việc đưa cho lão một ít tiền rồi cảm ơn lão về cho mình cảm hứng để cố gắng và chăm chỉ làm việc hơn nữa. Vì dù gì, đời cũng dài và làm được việc gì mà mình cũng vui, người cũng vui là số dzách rồi còn gì nữa? Đặc biệt là giữa trời nắng như thế này. Và chẳng có gì tuyệt hơn là một chai bia lạnh sau khi làm việc cả!”.

Không chỉ anh Nguyễn Thành Chung, một số dân mạng khác sống xung quanh khu vực Nhật Tân, Tây Hồ cũng xác nhận, anh chàng Tây này thực ra là đầu bếp, làm bánh pizza rất ngon, có gia đình ở Việt Nam và việc lau kính xe lấy tiền là một trong những sở thích để… giết thời gian và kiếm thêm của anh ấy, chứ chẳng phải bị lừa đảo hay là khách du lịch gì.

Dù gì, cũng thật may vì nó là một câu chuyện có "happy ending" chứ không đến nỗi tiêu cực như nhiều người lo ngại.

Theo Trí thức trẻ