Vì đâu mà những phụ nữ hiền lành, giản dị trên chiếc xe tay ga đi ngoài đường dạo gần đây lại được ví như… "hung thần xa lộ"?

Khoảng 1 năm trở lại đây, cứ trung bình vài ngày cư dân mạng lại được chứng kiến một vụ va chạm giao thông có liên quan tới khái niệm "phụ nữ lái xe".

Gần nhất và gây nhiều tranh cãi nhất có lẽ là vụ một chị ninja (ám chỉ những phụ nữ ra đường bịt kín mít từ đầu tới chân) đèo theo con nhỏ tạt đầu ô tô đang dừng đèn đỏ rồi vì tay lái yếu, va tiếp vào một chiếc xe đang dừng cạnh đó.

Tuy nhiên thay vì xin lỗi, hoặc tệ hơn thì dựng xe đi thẳng, chị tỏ ra bức xúc một cách khó hiểu. Chị lớn tiếng quát mắng người lái xe ô tô vô tội, thậm chí còn đập cửa xe như thể yêu cầu nhận được lời giải thích: Tại sao lại dừng xe ở chỗ tôi đang đi?

Người phụ nữ đèo con ngang nhiên tạt đầu xe ô tô.

Đoạn video nhận được nhiều ý kiến ngán ngẩm và hình ảnh phái yếu lái xe lại bị dìm xuống thêm một nấc nữa.

Tôi mang câu chuyện này kể với một nữ du khách đến từ Hà Lan và thật ngạc nhiên, ngay ngày đầu tiên đặt chân tới Hà Nội, cô cũng có một trải nghiệm rất khó quên với một "nữ hoàng xa lộ".

Cô kể, sau khi trở về từ Sapa, cô được nhân viên của một hotel trên phố Mã Mây đón ở Ga Hà Nội và đưa cô về Mã Mây.

Đoạn đường không dài, nhưng "đáng sợ hơn gấp bội cảm giác leo lên đỉnh Fansipan" (nguyên văn lời nữ du khách đó nói với tôi).

Theo miêu tả thì cô gái kia đi một chiếc xe, bịt kín mít từ đầu tới chân, liên tục chuyển hướng mà không thèm nhìn phía sau, tạt đầu ô tô, dừng đột ngột trên đường, đi sai làn và vượt đèn đỏ.

Nói chung là tất cả những gì đáng sợ nhất đối với một vị khách đến từ châu Âu, cô đều được dịp trải nghiệm hết chỉ sau một đoạn đường không quá dài.

Câu chuyện những tưởng đã hết sau khi vị du khách đó xuống xe thì ngờ đâu, cô nàng Việt Nam phi sang bên kia đường đỗ xe đã đâm ngang vào một xe ô tô đang đi khá chậm.

Như gặp được cạ cứng, tôi cũng rất hào hứng kể lại những gì mà tôi chứng kiến hàng ngày.

Tình huống xi-nhan xin đường đầy bất cẩn của người phụ nữ.

Con đường ven Hồ Tây nhỏ hẹp xuất hiện một chiếc xe KIA K3 chạy với vận tốc chưa đến 10km/h. Cả một hàng dài có lẽ đến hơn chục chiếc xe nối đuôi nhau phía sau và tôi chính là người đi ngay sau đuôi chiếc K3.

Nháy đèn, bấm còi, xi nhan tôi đều làm đủ cả, nhưng chiếc xe kia vẫn chạy vô cùng chậm, chậm đến khó hiểu.

Mãi tới đoạn giao với Văn Cao, đường rộng tôi mới có dịp vượt lên và nhìn sang: Một phụ nữ, dù đang ngồi trong xe ô tô, nhưng vẫn mặc áo chống nắng, đeo kính đen và ôm cứng vô lăng như thể không biết chuyện gì đang xảy ra.

Một dịp khác tôi đi đối đầu với một chiếc xe bật đèn chiếu xa sáng rực. Tôi gõ cửa nhắc nhở nữ tài xe: Hạ pha xuống đi chị.

"Hạ pha là sao?" nữ tài xế hỏi lại tôi. "Tức là tắt đèn chiếu xa đi, trong thành phố chỉ dùng đèn chiếu gần thôi", tôi giải thích.

"Đèn chiếu xa chiếu gần cái gì, tôi không biết, xe thế nào thì tôi lái thôi", câu trả lời của chị khiến tôi đứng hình. Thôi đành tặc lưỡi: Phụ nữ mà.

{keywords}

Sự bất cẩn điển hình của phụ nữ Việt khi đi xe máy.

Có lần bức xúc quá tôi gặng hỏi một người bạn là nữ của mình: Tại sao cánh phụ nữ lái xe hồn nhiên đến vậy?

Bạn tôi giải thích: "Đàn ông các anh đi xe thì chỉ tập trung vào đi xe thôi. Phụ nữ có cả trăm công nghìn việc. Ngồi lên xe còn phải nghĩ xem tối nay cho chồng ăn gì, con ăn gì, con học bài thế nào, mấy giờ đón con. Làm sao mà tập trung 100% vào lái xe được".

Tôi chấp nhận lời giải thích này, dù không phục. Phụ nữ lo việc nhà thì đàn ông cũng có việc nước phải lo, nói chung là đau đầu ngang nhau.

Một bạn nữ khác thì đi sâu vào khía cạnh giới tính để phân tích về việc phụ nữ nghiễm nhiên là kém hơn đàn ông các khoản về kỹ thuật, lái xe, nhớ đường… trong khi đó giỏi hơn đàn ông ở những gì thuộc về cảm thụ.

Vấn đề là khi tai nạn xảy ra, người ta sẽ không quan tâm tới đặc thù giới tính, cũng không cần biết cô chuẩn bị về nấu cơm cho chồng, con.

Chúng ta không thể mãi dùng lý do để bao biện cho sự lơ đễnh, và cao hơn là thiếu ý thức trầm trọng của mình được.

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

(Theo Thời đại)