Ai cũng biết Singapore là một trong những nước có chi phí sở hữu ô tô đắt đỏ nhất thế giới, nhưng nhiều người cũng chỉ biết chung chung là do thuế, phí. Vậy cụ thể ngoài tiền mua ô tô, chủ xe còn phải chịu những chi phí gì?
Với Chương trình cắt giảm khí thải xe mới (VES), thay thế cho Chương trình quản lý xe theo lượng khí thải carbon (CEVS) hiện nay, từ ngày 1/1/2018 tới đây sẽ siết chặt việc quản lý sở hữu và sử dụng ô tô ở Singapore, khiến giá xe tăng cao hơn nữa.
Ngoài giá xe mua tại đại lý, hiện có 5 yếu tố chính quyết định chi phí sở hữu một chiếc xe ô tô mới ở Singapore; đó là: Giấy phép sử dụng ô tô (COE), chi phí vay ngân hàng, Phí đăng ký bổ sung (ARF), Thuế đường, và Phí bảo hiểm.
Giá xe bán tại đại lý được tính dựa trên giá trị thực của xe trên thị trường (giá OMV), cộng thêm thuế tiêu thụ đặc biệt 20% và thuế hàng hoá - dịch vụ (GST) là 7%, cùng với chi phí vận hành đại lý và lợi nhuận của đại lý.
1. Giấy phép sử dụng xe ô tô (COE)
Vì diện tích hạn chế trong khi dân số ngày càng gia tăng và nhu cầu sử dụng phương tiện giao thông cá nhân quá lớn, từ năm 1990, Chính phủ Singapore áp dụng Giấy phép sử dụng xe ô tô (Certificate of Entitlement - COE) nhằm kiểm soát lượng người sở hữu xe ô tô chỉ ở phạm vi 15% trong tổng số người dân, thông qua đó giúp đường phố giảm bớt lượng khí thải, hạn chế ách tắc giao thông.
Để có COE, người dân phải tham gia vào buổi đấu thầu được tổ chức trong khoảng từ ngày 1 đến ngày 7 hàng tháng. Hệ thống COE bao gồm 7 hạng mục cho các loại xe ô tô nhỏ, trung bình, hạng sang và xe máy. Hầu hết COE đều là loại không thể chuyển nhượng.
Mỗi COE có giá trị trong vòng 10 năm và trước khi hết hạn, chủ xe có thể đăng ký gia hạn. Nếu chủ xe không có COE và bị cảnh sát bắt được, xe sẽ bị tịch thu, đưa vào bãi tiêu huỷ.
Chi phí mua COE tại Singapore đang ngày một tăng cao. Theo kết quả hồi tháng 4 năm nay, giá COE dành cho xe có dung tích động cơ tối đa 1.6L, công suất tối đa 130 mã lực là 52.000 SGD (38.200 USD).
2. Chi phí vay ngân hàng
Vay tiền ngân hàng để mua xe là việc rất phổ biến ở các nước, nên chi phí vay là yếu tố quan trọng được tính đến khi mua xe.
Lấy ví dụ là một trong những mẫu xe bán chạy nhất Singapore trong 6 tháng đầu năm nay - Honda HR-V: giá xe tại đại lý là 112.999 SGD, mức tối thiểu phải có là 45.200 SGD, vay ngân hàng 67.799 SGD với thời hạn 5 năm, lãi suất 2,78%/năm sẽ thành 77.223 SGD.
Như vậy, số tiền thực tế người tiêu dùng phải trả để mua xe là 45.200 + 77.223 = 122.423 SGD (khoảng 90.000 USD)
3. Thuế đường
Mức thuế đường ở Singapore được tính căn cứ vào dung tích động cơ của xe ô tô, loại động cơ (xăng, diesel, khí nén - CNG, hybrid hay điện). Riêng với xe động cơ diesel, ngoài thuế đường còn phải chịu thêm Thuế đặc biệt.
Tính theo khung, chiếc Honda HR-V sẽ bị áp mức thuế đường là 6.820 SGD (5.000 USD) cho 10 năm.
Với xe đã sử dụng trên 10 năm, ngoài thuế đường, chủ xe còn phải trả thêm Phụ thu thuế (Road Tax Surcharge) từ 10% đến 50% thuế đường, tương ứng với tuổi xe từ 11-14 năm.
Xe chậm nộp bổ sung thuế đường (nộp sau hạn) sẽ bị phạt từ 10 SGD đến hơn 200 SGD, tuỳ theo dung tích động cơ và thời gian quá hạn nộp thuế. Xe chậm nộp bổ sung thuế đường quá 2,5 tháng sẽ lĩnh giấy yêu cầu tạm giữ phương tiện.
4. Phí đăng kí bổ sung (ARF):
Phí này được tính theo giá OMV sau khi đã trừ phí bồi hoàn bảo vệ môi trường* (CEVS theo quy định hiện tại và sẽ là VES từ sau 1/1/2018). Cụ thể như sau:
Giá MOV của xe Honda HR-V gần nhất - ngày 15/6/2017 - là 19.800 SGD, và mức bồi hoàn CEVS được hưởng là 5.000 SGD. Như vậy, mức phí ARF phải nộp là 14.800 SGD.
5. Phí bảo hiểm
Một số chủ xe có thể cố tiết kiệm bằng cách chọn gói bảo hiểm ô tô cơ bản, nhưng với chi phí sở hữu ô tô đắt đỏ như ở Singapore, người tiêu dùng được khuyến cáo mua gói bảo hiểm toàn diện, bao gồm cả trách nhiệm gây tử vong hay chấn thương cho bên thứ ba, làm hỏng xe người khác, cháy xe, trộm xe, chi phí sửa xe sau tai nạn...
Phí bảo hiểm ô tô toàn diện là khoảng 1.275 SGD/năm, với chính sách giảm 10% phí bảo hiểm mỗi năm nếu không đòi bồi thường (NCD) và không giảm quá 50% toàn kỳ bảo hiểm. Như vậy, chi phí bảo hiểm ô tô trong 10 năm có thể lên đến khoảng 13.000 SGD.
Cộng các khoản trên lại, tổng số tiền phải chi để một chiếc Honda HR-V có thể lăn bánh hợp pháp ở Singapore trong 10 năm là gần 210.000 SGD (khoảng 155.000 USD), cụ thể gồm các khoản sau:
Với ô tô cũ, ngoài các khoản chi phí kể trên, chủ xe phải nộp thêm 10.000 SGD (7.350 USD). Tuy nhiên, Singapore chỉ cho phép nhập khẩu ô tô đã qua sử dụng dưới 3 năm.
Cần lưu ý rằng, trên đây mới là chi phí để xe ô tô có thể lăn bánh hợp pháp trên đường phố, chưa tính các chi phí như bảo dưỡng xe, nhiên liệu và phí đỗ xe.
Một điểm đáng lưu ý nữa là chủ xe có thể được hoàn lại tiền nếu huỷ đăng ký xe trước thời hạn 10 năm, gọi là chính sách bồi hoàn COE và PARF (Preferential Additional Registration Fee).
Mức bồi hoàn tiền mua giấy phép COE được tính theo công thức sau: (COE x số tháng còn lại theo giấy phép) / 120 tháng.
Trường hợp chiếc Honda HR-V trong ví dụ, nếu chủ xe huỷ đăng ký sau 9 năm rưỡi thì sẽ được hoàn lại 2.600 SGD trong tổng số 52.000 SGD đã trả để mua COE.
Trong khi đó, mức bồi hoàn PARF được tính theo số năm đăng ký còn lại tại thời điểm huỷ đăng ký xe, cụ thể như sau:
Như vậy, nếu bạn huỷ đăng ký chiếc Honda HR-V như trong ví dụ ngay trước khi thời hạn 10 năm kết thúc thì sẽ được bồi hoàn 50% phí ARF, tương ứng với 9.900 SGD.
(*) Phí bảo vệ môi trường cho xe ô tô được tính theo lượng khí thải CO2 của xe; theo đó, các xe có lượng khí thải CO2 dưới 135 g/km sẽ được bồi hoàn từ 5.000 - 30.000 SGD, trong khi các xe có lượng khí thải CO2 trên 185 g/km phải nộp thêm phí môi trường từ 5.000 - 30.000 SGD, tuỳ mức độ.
Trường hợp xe Honda HR-V có lượng khí thải CO2 hạng A4, được bồi hoàn 5.000 SGD trên giá OMV để giảm phí ARF.
(Theo Dân trí)