Hẳn nhiều người đi ô tô có lúc bất chợt thắc mắc vì sao ở cửa sổ hàng ghế thứ hai, nhất là ở dòng xe sedan thường có 2 ô kính, trong đó một ô là cố định không thể hạ xuống.
Chiếc ô tô mà ta vẫn gọi quen miệng là “xế hộp”, đơn giản vì khi ở trong xe, chúng ta được bảo vệ kín mít như trong một chiếc hộp di động vậy. Quả thật, kể từ khi những chiếc ô tô ra đời đến nay đã hơn trăm năm, sự an toàn và tiện nghi xe hơi đem tới cho con người ngày một nhiều hơn.
Cửa sổ "chết" (vị trí khoanh đỏ) trên Honda City |
Để đảm bảo yếu tố che mưa nắng và tăng sự hưởng thụ cho con người, cửa kính ô tô đã dần trở thành một trang bị quan trọng, từ dòng xe sedan, SUV cho tới mui trần.
Có nhiều người từng thắc mắc vì sao ở hàng ghế thứ 2, cửa sổ lại chia làm đôi và chiếc cửa sổ nhỏ ở gần cột C thường cố định, không thể hạ xuống.
Lời giải thích khá đơn giản, đó là do thiết kế của xe và nguyên lý hoạt động lên xuống cửa kính ôtô. Cửa kính ôtô lên xuống được là nhờ chuyển động tịnh tiến trên hai đường ray song song nằm bên trong cửa xe.
Chuyển động tịnh tiến của kính bị giới hạn trong ô hình thang như trong ảnh |
Để kính cửa sổ đi lên, xuống thì hai đường ray bắt buộc phải song song nhau. Nhưng do trên các dòng sedan hay SUV thường có thêm cột C vừa là tăng độ an toàn cho mui xe cũng như là một thiết kế mang tính thẩm mỹ cao.
Chính vì thiết kế như vậy, khi áp dụng vào hàng ghế sau, sẽ có một phần diện tích không đủ để chứa hết kính xe. Đó cũng là lý do xuất hiện thêm một cửa sổ nhỏ gần cột C, chia cửa sổ hàng ghế sau thành hai phần tách biệt.
Những chiếc xe của thập niên 50 thế kỷ 20 như chiếc Volkswagen Beetle này đã sở hữu thiết kế cửa sổ "chết" do cấu tạo kiểu coupe mui kín
Với một số dòng xe coupe mui kín, cửa sổ hàng ghế sau thường có diện tích nhỏ nên đa phần các nhà sản xuất để một cửa sổ “chết”.
Theo VTC