Không phải là những tên tuổi lớn, đa quốc gia hay quen thuộc như Google và Microsoft. Đối thủ khó chịu nhất của Apple tại Trung Quốc, thị trường trọng điểm bậc nhất với Táo khuyết lúc này chính là Xiaomi.
Trên thực tế, nhiều chuyên gia đã gọi Xiaomi là Apple của Trung Quốc, mái nhà của hàng loạt smartphone thách thức được iPhone 5. Chỉ ba năm sau khi thành lập, hãng điện thoại này đã được định giá tới 4 tỷ USD.
Xiaomi Mi-two (ngoài cùng bên phải) đặt cạnh Samsung Galaxy S3 và HTC One X+ |
Tất nhiên, thế giới bên ngoài hầu như chưa biết gì về Xiaomi Technology, nhưng ở Trung Quốc, đó là cái tên của mọi nhà. Cũng giống như Apple ở Mỹ và các nước khác, Xiaomi ngay lập tức thu hút được sự chú ý rộng rãi mỗi khi hãng này công bố một sản phẩm mới. Và khi hãng này phát hành các thiết bị, việc người dân Trung Quốc xin nghỉ làm để xếp hàng chờ mua là chuyện hết sức thường tình.
Cũng theo Reuters, nhà sáng lập Lei Jun của Xiaomi dường như học chung một “học viện thời trang” với Steve Jobs khi thường xuyên diện quần jeans và áo đen mỗi khi xuất hiện trước công chúng.
“Truyền thông Trung Quốc nói tôi là Steve Jobs của Trung Quốc”, ông Lei chia sẻ trên Reuters. “Tôi sẽ coi đó là một lời khen nhưng những sự so sánh như vậy khiến chúng tôi phải chịu áp lực khổng lồ”.
Lei chỉ ra rằng Xiaomi hoàn toàn khác biệt với những công ty như Apple. Được thành lập cách đây chưa đầy 3 năm, Xiaomi chỉ sản xuất duy nhất một mặt hàng là smartphone. Đại đa số smartphone của hãng được bán qua mạng với số lượng ít, Reuters cho hay.
Chìa khóa dẫn tới thành công của Xiami có thể là sự kết hợp giữa nguồn cung hạn hẹp với những giá trị mà khách hàng tìm thấy ở các sản phẩm. Chẳng hạn, MI-Two giống một cách đáng ngạc nhiên với iPhone 5 và Samsung Galaxy S3, trong khi giá bán chỉ bằng một nửa so với iPhone 5 tại Trung Quốc.
Còn trong một cuộc kiểm tra về tốc độ và hiệu suất gần đây do CNET Asia Labs tiến hành, việc MI-Two sử dụng vi xử lý lõi tứ Qualcomm Snapdragon S4 và GPU Adreno 320 GPU đã giúp con dế này hỗ trợ đồ họa còn mạnh và nuột hơn cả Galaxy S3 lẫn iPhone 5.
Giá trị và tốc độ của MI-Two nhanh chóng thu hút được sự chú ý của người dùng trong một thị trường smartphone bùng nổ như Trung Quốc. Tuy vậy, không dễ để sở hữu một chiếc MI-Two. Theo Reuters, Xiaomi chỉ xuất xưởng 50.000 máy trong đợt đầu tiên vào ngày 30/10. Loạt smartphone này bị vét sạch chỉ sau chưa đầy 2 phút và tính đến thời điểm này, doanh số MI-Two đã đạt 300.000 máy.
Nguồn cung hạn chế từ lâu đã là chiến lược được các hãng sử dụng để kích cầu. Nếu như một sản phẩm được săn lùng và khó mua thì người dùng sẽ có xu hướng thèm khát nó hơn. Đó cũng chính là triết lý kinh doanh của Xiaomi.
Lei tin rằng công ty của ông sẽ tiếp tục thịnh vượng và đến cuối năm nay, Xiaomi có thể sẽ bán được tới 7 triệu smartphone các loại. Vì thế Apple, hãy coi chừng khi quyết định bành trướng tại Trung Quốc!
Trọng Cầm