Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Trọng Cầm |
Lĩnh vực viễn thông có thể nói là một lĩnh vực có nhiều thay đổi mạnh mẽ trong năm qua, khi Bộ đã có nhiều động thái siết chặt quản lý đối với những lĩnh vực gây nhiều bức xúc trong xã hội như thuê bao di động trả trước, SIM rác, tin nhắn quảng cáo.
Bộ cũng kiểm tra chất lượng dịch vụ viễn thông, chỉ đạo việc điều chuyển EVN về Viettel. Đặc biệt, sự kiện vệ tinh VINASAT-2 được phóng thành công lên quỹ đạo được đánh giá là một cột mốc quan trọng, tiếp tục khẳng định chủ quyền quốc gia và vị thế của viễn thông Việt Nam.
Một “mốc son” là dù điều kiện kinh tế thế giới rất ảm đạm nhưng tổng kim ngạch xuất khẩu CNTT của VN năm qua vẫn đạt 6,98 tỷ USD, tăng tới 69% so với năm 2011.
Phát biểu tại Hội nghị, đại diện VNPT và Viettel cho biết doanh thu của hai Tập đoàn viễn thông số một VN vẫn đạt lần lượt 130.000 tỷ và 140.000 tỷ đồng trong năm 2012, tăng trưởng 10% và 18% so với năm 2011.
Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nhận định đây là một thành quả đáng khen ngợi, khi mà hàng loạt doanh nghiệp đang lâm vào tình cảnh phá sản, nhiều tổng công ty, tập đoàn hoạt động yếu kém, phải xuống hạng. Việc VNPT và Viettel vẫn vững vàng, trụ hạng và tăng trưởng, thậm chí mở rộng ra kinh doanh quốc tế là những nỗ lực “đáng được ghi nhận” hơn nữa.
Đối với lĩnh vực Bưu chính, thực hiện chủ trương tái cơ cấu doanh nghiệp NN, Thủ tướng Chính phủ đã an hành Quyết định chuyển quyền đại diện chủ sở hữu NN tại Tổng Công ty Bưu chính Việt Nam từ VNPT về Bộ TT&TT. Đây là một yếu tố quan trọng để Tổng Công ty Bưu chính VN từng bước đổi mới mô hình hoạt động, khai thác hiệu quả cơ sở hạ tầng và mạng bưu chính công cộng.
Về lĩnh vực quản lý báo chí, phát thanh, truyền hình, Internet, trong năm 2012, Bộ TT&TT đã tiến hành lấy ý kiến rộng rãi để xây dựng, hoàn thiện Dự thảo về Nghị định thay thế Nghị định 97 nhằm đưa hoạt động Internet vào khuôn khổ mới, phù hợp với sự phát triển.
Tuy nhiên, Báo cáo cũng chỉ ra một số tồn tại, khó khăn mà Bộ TT&TT đang vướng phải như Công tác xây dựng một số đề án còn chậm, chất lượng dự thảo một vài đề án còn chưa cao; vẫn còn hiện tượng một số cơ quan báo chí vi phạm tôn chỉ, mục đích, nặng về khai thác, thông tin những vụ việc tiêu cực hoặc chạy theo đưa tin giật gân, câu khách, thậm chí là sai sự thật; Việc quản lý thuê bao di động trả trước vẫn còn nhiều khó khăn do chưa có cơ sở dữ liệu về dân cư điện tử toàn quốc, tình trạng SIM rác, tin nhắn rác tuy có giảm nhưng vẫn chưa thực sự chuyển biến mạnh mẽ; Việc dùng chung hạ tầng giữa các ngành, các doanh nghiệp còn nhiều bất cập….
Chia sẻ tại Hội nghị, ông Phạm Long Trận, Chủ tịch Hội đồng thành viên VNPT cho biết việc mạng điện thoại cố định không còn phát sinh lợi nhuận, doanh thu liên tục giảm là một vấn đề rất lớn của Tập đoàn này. Từ trước tới nay, điện thoại cố định vẫn luôn là mạng chủ lực của VNPT. khi lĩnh vực này lao đao thì VNPT cũng đứng trước thách thức lớn về việc phải tái cơ cấu, thay đổi mô hình kinh doanh.
Trong khi đó, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel tiết lộ lợi nhuận của Viettel năm qua vẫn đạt tới 27.000 tỷ đồng, vượt kế hoạch năm tới 14%. Trong số 7 thị trường nước ngoài mà Viettel đang đầu tư thì bốn nước đã có lãi, với tổng lợi nhuận thu về đạt 76 triệu USD trên doanh thu 600 triệu USD.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã đánh giá cao các thành tựu của Ngành TT&TT trong năm 2012, trong đó, Phó Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh đến một số cột mốc như việc phóng thành công vệ tinh VINASAT-2, cũng như những cố gắng và “tiến bộ vượt bậc” của Bộ TT&TT trong việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho tổ chức, doanh nghiệp hoạt động, phát triển.
Bộ TT&TT cũng được ghi nhận về việc chỉ đạo quyết liệt hoạt động báo chí, nhờ đó xu hướng phản ánh đúng ngày càng tăng hơn, giúp người dân hiểu rõ hơn về những vấn đề như an ninh xã hội, thực phẩm, y tế… Doanh thu và lợi nhuận của VNPT, Viettel cũng được Phó Thủ tướng đánh giá là “ấn tượng, đạt mức tăng trưởng cao” so với bình quân cả nước, dù các lĩnh vực khác như phần cứng, phần mềm đều không tăng trưởng bằng các năm trước.
Nhận định về các hạn chế năm qua, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ TT&TT phải đẩy mạnh hơn nữa việc ứng dụng CNTT trong các Bộ ngành.
Phó Thủ tướng cũng đồng tình với những tồn tại đã được Bộ TT&TT chỉ ra trong Báo cáo tổng kết, như việc một số cơ quan báo chí còn thiên về đưa tin tiêu cực mà không phản ánh đúng, chính xác mặt bằng xã hội, quản lý thuê bao trả trước, SIM rác, tin nhắn rác chưa có đột phá hay cơ chế, chính sách cho cơ sở hạ tầng dùng chung chưa thật hoàn thiện.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son cam kết 2013 sẽ là năm Bộ tiếp tục
nỗ lực, chỉ đạo quyết liệt, có trọng điểm hơn nữa đối với các vấn đề
“nóng”. Ảnh: Trọng Cầm. |
Bộ cũng sẽ phát huy thế mạnh và tạo điều kiện hỗ trợ hơn nữa các doanh nghiệp viễn thông như VNPT, Viettel, nhất là với những chiến lược như đầu tư ra nước ngoài hay “mầm mống phát triển nền công nghiệp CNTT” bằng cách sản xuất thiết bị phần cứng made-in-Việt Nam mà Viettel đang theo đuổi.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng nêu lên một số kiến nghị trực tiếp với Phó Thủ tướng, như việc Chính phủ chỉ đạo sát sao hơn nữa công tác quản lý báo chí, ngăn chặn các hành vi lợi dụng sự phát triển của Internet để truyền bá sản phẩm, văn hóa độc hại, tin nhắn rác.
Đặc biệt, Bộ kiến nghị Chính phủ tích cực xem xét để chậm nhất là năm 2014, Bộ được trình Luật An toàn thông tin số. Theo Bộ trưởng Son, đây sẽ là một cơ sở hết sức quan trọng để ngăn chặn các hành vi trái pháp luật về an ninh mạng tại Việt Nam.
Đối với chủ trương phát triển hạ tầng thông tin, Bộ mong Chính phủ sẽ dành nhiều nguồn lực hơn nữa để biến Chủ trương lớn này thành hiện thực.
Cuối cùng, trả lời một số ý kiến đóng góp, kiến nghị từ phía Doanh nghiệp, Bộ trưởng cho biết hiện Thanh tra Chính phủ đang tiến hành thanh tra VNPT và sắp công bố kết luận thanh tra chính thức. Đây sẽ là cơ sở để Bộ xây dựng đề án tái cơ cấu VNPT trình Chính phủ.
Với vấn đề hạ tầng dùng chung, Bộ sẽ sớm đưa ra một Quy hoạch hạ tầng dùng chung cho cả nước để tránh tình trạng “trăm hoa đua nở, mạnh ai nấy làm” gây lãng phí nguồn lực như hiện tại. Trong đó cơ chế thanh toán giữa các doanh nghiệp đi thuê hạ tầng với DN cung cấp hạ tầng sẽ được xây dựng sao cho hợp lý, bình đẳng và nhanh nhất.
Trọng Cầm