Năm nay, lần đầu tiên kể từ 1999 đến nay, Microsoft sẽ không có bài diễn văn khai màn CES. Trên thực tế, gã khổng lồ phần mềm thậm chí còn không tham dự đại sự kiện ở Las Vegas nữa. Thế vào chỗ Microsoft chính là Qualcomm.

Đúng vậy, Qualcomm, nhà sản xuất chip di động hàng đầu sẽ tiếp nhận sân khấu để trình diễn các smartphone do đối tác của mình phát triển. Vai trò của Qualcomm tại CES không chỉ là thế vào chỗ trống mà Microsoft để lại. Nó còn đánh dấu một sự chuyển mình quan trọng trong mục đích mà CES được tổ chức, từ một triển lãm hàng điện tử gia. Và sự dịch chuyển này khiến nhiều chuyên gia lo ngại.

Thực ra CES không có sự lựa chọn nào khác, việc tập trung vào công nghệ di động là một hướng đi bắt buộc. Đó là xu hướng chung của cả thế giới, khi người dùng quan tâm tới chiếc điện thoại trong túi họ hơn hẳn chiếc HDTV trong phòng khách hay chiếc máy tính để bàn ở phòng làm việc.
Tất nhiên, CES sẽ vẫn là sàn diễn của nhiều sản phẩm thú vị và kỳ dị không phải là di động, chẳng hạn như mẫu TV to gần bằng bức tường, những màn hình siêu mỏng trong suốt, loa siêu khủng, các thiết kế PC táo bạo và đột phá.

Thế nhưng những sáng tạo lớn nhất sẽ hoàn toàn thuộc về di động, khi các đại gia di động chiếm lĩnh vị trí trung tâm nhất, trang hoàng gian hàng hoành tráng nhất và trình diễn loạt sản phẩm đa dạng nhất.

Ngay cả những sản phẩm không hẳn là di động cũng sẽ được thiết kế lại cho phù hợp với lối sống di động. Loạt thiết bị y tế và cảm biến mới nhất đều đeo được trên người. Thời trang công nghệ cao thì phải kết nối được với các thiết bị di động. Các thiết bị gia đình tự động hóa phải khởi động được bằng điện thoại và kết nối với bạn từ trước khi bạn rời chỗ làm về nhà.

Nếu như CES biến thành một triển lãm di động, thì hiển nhiên, nó sẽ xung đột với Mobile World Congress về mục đích. Diễn ra vào tháng 2, Mobile World Congress được cho là triển lãm về di động lớn nhất trong năm, nơi tất cả các hãng sản xuất smartphone và tablet lớn đều công bố những sản phẩm bom tấn, đình đám nhất của mình. Nếu thế, giờ đây họ sẽ phải quyết định cái gì thì công bố tại CES, còn cái gì thì ém lại cho Mobile World Congress.

Lịch sử đã chứng minh nhiều lần rằng hai show diễn lớn với mục tiêu giống nhau khi diễn ra sát nhau luôn “phá nhiều hơn là xây”.

CES đã được tổ chức hơn 40 năm, nhưng nó không phải là triển lãm công nghệ duy nhất tại Las Vegas. Trong những thập niên 80, 90 và đầu những năm 2000, một triển lãm công nghệ khác cũng rất hoành tráng vẫn được tổ chức tại Las Vegas chính là Comdex.

Khác với CES, Comdex là công nghệ hẹp thuần túy, những tinh hoa của công nghệ ở trạng thái kỳ dị, khó hiểu và cao cấp nhất. Nó từng là thiên đường của PC với hàng trăm hãng lớn nhỏ, còn dân công nghệ thì đi săn tìm các card đồ họa và âm thanh mới nhất.

Nhưng theo thời gian, Comdex thay đổi. Công nghệ trở nên đơn giản hơn và các thiết bị lên ngôi. CES bùng nổ trong khi Comdex xịt ngóm.

Từ nhiều năm nay, CES không giới thiệu được sản phẩm nào nổi bật. Lần công bố được cho là đình đám gần nhất chính là Palm Pre hồi năm 2009.

Những hãng như Microsoft, Samsung và Motorola đều đã đi đến kết luận rằng tự tổ chức sự kiện để công bố sản phẩm sẽ tiết kiệm chi phí hơn, lại không phải tranh giành sự chú ý với các hãng khác ở một sàn diễn đông đúc như CES. Họ học bài học này từ đâu? Đó là Apple. Không ai dám khẳng định Microsoft sẽ lặp lại được thành công như của Apple, nhưng rõ ràng là hãng vẫn làm ăn tốt mà không cần phải xuất hiện tại CES.

Tất nhiên, sức hút của CES vẫn còn khá lớn với nhiều công nghệ thú vị, hấp dẫn. Nhưng liệu CES có thể sống sót qua cuộc cách mạng di động hay không? Câu trả lời vẫn còn là một điều bất định.
 
Trọng Cầm