Hiện tại, các nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) tại Việt Nam đều đang tích cực triển khai khả năng hỗ trợ chuẩn giao thức mạng IPv6 trong quý I năm 2013.
Thứ trưởng Lê Nam Thắng cho rằng các CP phải đi "đồng bộ" cùng các ISP trong việc triển khai IPv6. Ảnh: Trọng Cầm |
Viettel cho biết đang triển khai thiết bị USB 3G hỗ trợ IPv6. Ngoài Viettel thì hai doanh nghiệp ISP khác cũng đang tích cực triển khai IPv6 giai đoạn đầu là VNPT và NetNam, Ban Công tác Thúc đẩy phát triển IPv6 Quốc gia cho biết trong Lễ Tổng kết 2012 diễn ra sáng nay (25/1) tại Hà Nội.
Cả Viettel, VNPT và NetNam đều đã hoàn tất kế hoạch chuyển đổi sang IPv6 và thành lập Ban công tác chuyên trách về IPv6 tại đơn vị. Họ cũng đã thiết lập được đường truyền kết nối thuần IPv6 ra quốc tế, trong đó NetNam đã sẵn sàng cung cấp một số dịch vụ thương mại trên nền IPv6 cho các khách hàng như dịch vụ hosting, dịch vụ kết nối.
“Kết quả rà soát trên thực tế thì các doanh nghiệp đều khẳng định đã sẵn sàng cho IPv6”, Ban Công tác chia sẻ.
Tuy nhiên, vấn đề khó khăn chung của các ISP khi triển khai IPv6 là các dịch vụ IPv6 chưa phổ biến rộng rãi. Các hoạt động triển khai vẫn chỉ mang tính chất thử nghiệm nên chưa ISP nào dám chắc khi triển khai diện rộng thì sẽ bị ảnh hưởng ra sao. Bên cạnh đó, chưa có nhiều doanh nghiệp nội dung quan tâm đến IPv6 nên dẫn tới tình trạng có đường truyền, có kết nối nhưng thiếu nội dung.
Phát biểu tại Hội nghị, đại diện Viettel khẳng định sự thiếu phối hợp đồng bộ giữa ISP với nhà cung cấp nội dung (CP) là một vướng mắc lớn. “Chúng tôi cần nắm được các CP đang triển khai IPv6 đến đâu, kế hoạch thế nào để sản xuất thiết bị đầu cuối cho hợp lý”. Hiện tại, theo khảo sát của Viettel thì có tới 85% - 90% số thiết bị trên thị trường chưa hỗ trợ IPv6. Phía người dùng thì không quan tâm chuẩn IPv4 hay IPv6, miễn là sản phẩm đó có dùng được hay không, giá thành thế nào, độ an toàn đến đâu. Phía nhà sản xuất thì chỉ muốn tiết kiệm chi phí. Do đó, Viettel kiến nghị Bộ Thông tin & Truyền thông cần xây dựng chính sách hỗ trợ, giảm thuế, miễn trừ cho khâu sản xuất thiết bị đầu cuối IPv6 để khuyến khích nhà sản xuất.
Đồng tình với quan điểm này, Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng thừa nhận các CP phải “đi đồng bộ” với nhà sản xuất, nếu không sẽ rất khó triển khai IPv6. Một lộ trình chung là rất cần thiết và Ban công tác cần phải tham vấn ý kiến từ cả các nhà sản xuất, các CP chứ không chỉ làm việc với riêng các ISP như hiện nay.
Ngoài ra, Ban công tác cũng đề xuất tổ chức ngày IPv6 Việt Nam vào ngày 6/5/2013, đẩy mạnh việc đưa nội dung chuyên đề về IPv6 vào chương trình đào tạo chính quy tại các Trường đại học ngành Điện tử, Viễn thông.
Trọng Cầm