Báo chí Brazil vừa đưa tin Apple đang phải đối mặt với một án kiện tại nước này vì tội nâng cấp iPad quá "nhanh nhảu", phát hành các model chỉ cách nhau hơn 5 tháng.
Đó chính là trường hợp của iPad 4, khi sản phẩm này được ra mắt hồi tháng 10 năm ngoái, chưa đầy 6 tháng sau khi iPad 3 Retina lên kệ. Sự việc này đã khiến cho những người dùng iPad 3 nổi đóa, bởi sản phẩm của họ bị coi là "yểu mệnh" nhất trong lịch sử: trở nên lạc hậu và bị cô lập chỉ sau vài tháng, nhất là khi giá bán của iPad 4 tương đương với iPad 3.
Trang tin O Hoje của Brazil đưa tin đơn kiện muốn Apple đền bù cho những khách hàng đã mua iPad 3 bằng một trong hai cách: đổi iPad 4 miễn phí cho họ, hoặc trả lại 50% số tiền đã mua sản phẩm cho khách. Ngoài ra, đơn kiện còn đòi phạt Apple một khoản tiền nhất định cho mỗi chiếc iPad 3 bán được.
Tuy nhiên, nguồn đăng tải thông tin đầu tiên về vụ kiện, tờ Jornal de Comercio lại đang bị tech blog Techlinhas chỉ trích là đưa tin sai sự thật. Techlinhas khẳng định IBDI không hay biết gì về đơn kiện. Hiện cả IBDI lẫn Apple đều chưa đưa ra bình luận nào về vụ việc này.
Cho tới trước iPad 4, Apple vẫn luôn tuân thủ chu trình phát hành sản phẩm mới theo đơn vị năm: ra mắt model mới tại thời điểm mùa xuân đầu năm. Tuy nhiên, hãng đã thay đổi khi bán ngay iPad 4 Retina song song với iPad Mini. So với iPad 3 thì thiết kế của iPad 4 giống hệt, chỉ khác là đã được cải tiến về chip, camera và sử dụng phần cứng nối mạng không dây mới hơn. Ngoài ra, chính cổng kết nối mini Lightning đã khiến cho các phụ kiện iPad trước đó không tương thích với iPad mới và đẩy người dùng iPad 3 vào tâm lý "bị cô lập".
Cũng trong tuần trước, Apple đã mất quyền sở hữu tên gọi iPhone tại Brazil và hãng vẫn đang xin phúc thẩm quyết định này. Hãng công nghệ bản địa Gradiente đã nộp đơn xin cấp chứng nhận sở hữu tên gọi iPhone tại Brazil nhiều năm trước khi Apple ra mắt iPhone, tuy nhiên mãi đến tháng 12 năm ngoái, Gradiente mới tung ra sản phẩm đầu tiên mang nhãn hiệu iPhone. Và trớ trêu thay, đó lại là một dòng smartphone màn hình cảm ứng chạy hệ điều hành Google Android.
Trọng Cầm (Theo CNET)