HTML clipboard

- Dù được thế giới dự đoán sẽ là "cơn sóng thần công nghệ kế tiếp", "công nghệ quan trọng nhất của thập niên 2010" song khái niệm Điện toán đám mây vẫn còn mới mẻ tại Việt Nam.

Mặc dù vậy, với những lợi ích nhỡn tiền như tiết kiệm chi phí trong khi quy mô triển khai vẫn ở mức rộng rãi, tối ưu hóa nguồn lực công nghệ sẵn có, tận dụng sức mạnh xử lý nhàn rỗi...., điện toán đám mây được giới chuyên gia kỳ vọng sẽ là giải pháp thích hợp để Việt Nam đạt được mục tiêu phát triển nền công nghệ thông tin trong nước.

Tại Hội thảo "Hành trình tới công nghệ điện toán đám mây" vừa diễn ra sáng 2/3 tại Hà Nội, chuyên gia phân tích Errol Rasit của hãng nghiên cứu Gartner cho biết, những ưu tiên chính mà giới CIO (lãnh đạo CNTT) phải đối mặt trong năm 2011 đang dần chuyển đổi từ ứng dụng doanh nghiệp sang công nghệ ảo hóa và điện toán đám mây.


"Điện toán đám mây cho phép các doanh nghiệp và tổ chức bớt lo lắng hơn trong việc quản lý cơ sở hạ tầng và có thể tập trung hơn cho việc lãnh đạo, điều hành, kinh doanh", ông Rosit chia sẻ. Theo dự đoán của Gartner, đến năm 2012, 80% trong 1000 doanh nghiệp được bình chọn của tạp chí Fortune sẽ sử dụng một vài loại hình dịch vụ của công nghệ đám mây, 20% doanh nghiệp không sở hữu các tài sản hoặc hạ tầng công nghệ thông tin. Thị trường "đám mây" vào năm 2013 sẽ đạt doanh thu 8 tỷ USD và tăng lên 10 tỷ USD trong năm 2014.

"Điện toán đám mây, hoặc chí ít là cấp độ thấp nhất của nó - phần mềm như một dịch vụ (SaaS) sẽ trở thành công nghệ đại chúng trong một thời gian ngắn nữa mà thôi", ông Rosit dự đoán. Trong thời gian đó, hai cấp độ cao hơn của đám mây là "Nền tảng như một dịch vụ" (PaaS) và "Hạ tầng như một dịch vụ" (IaaS) cũng sẽ dần tìm được chỗ đứng cho mình.

"Nếu trước đây, bạn phải đầu tư nhiều tiền để mua phần mềm cố định, phải mất thời gian để triển khai, cài đặt, phải tốn phí bảo trì định kỳ hệ thống.... thì giờ đây, với SaaS, mọi thứ đều trở nên tối giản. Bạn chỉ cần đóng một khoản phí thường niên để mua dịch vụ từ một nhà cung cấp uy tín. Sẽ không phải cài đặt hàng loạt, không phải bảo dưỡng hay nâng cấp hệ thống. Nguồn lực và nhân lực công nghệ của doanh nghiệp giờ đây có thể tập trung cho những nhiệm vụ trọng yếu hơn.

Nói cách khác, yêu cầu để gia nhập cuộc chơi đã được hạ thấp một cách đáng kể. Khoảng thời gian cần để triển khai một ứng dụng nào đó cũng được rút ngắn đáng kể, nhờ vậy mà hiệu quả hoạt động của tổ chức sẽ được cải thiện. Bạn có được "năng lực" (Capacity) mà không cần khoản vốn đầu tư (capital) quá lớn. Vấn đề duy nhất nhiều doanh nghiệp băn khoăn là bảo mật, thông số và kiểm soát giữ liệu khi triển khai giải pháp công nghệ đám mây", vị chuyên gia của Gartner phân tích.

Tuy nhiên, theo ông Andrew Pickup, Tổng Giám đốc Tiếp thị của Microsoft châu Á-Thái Bình Dương thì những lo ngại này thực ra không quá ngiêm trọng. Với điện toán đám mây, người dùng vẫn có quyền sở hữu, sử dụng và kiểm soát dữ liệu của mình. Họ cũng có quyền được biết nhà cung cấp dịch vụ sẽ sử dụng công nghệ bảo mật nào, và đây chính là cơ sở, là căn cứ để khách hàng lựa chọn nhà cung cấp phù hợp.

Ông Pickup tin rằng việc các doanh nghiệp và tổ chức tìm đến điện toán đám mây là một xu hướng tất yếu trong thời gian tới, khi mà trên thực tế hiện nay, có tới 84% số doanh nghiệp/tổ chức qua khảo sát có nhân lực làm việc từ xa. Những công nghệ mang tính hướng cá nhân cao độ liên tục ra đời như Facebook, Twitter, smartphone, tablet... đã khiến cho lĩnh vực công nghệ trở nên "người dùng hóa" hơn bao giờ hết. Và cuối cùng, chỉ có 15% sức mạnh xử lý của hệ thống IT tại các doanh nghiệp đang được sử dụng thường xuyên mà thôi. 85% còn lại luôn nằm ở trạng thái "chờ" - một sự lãng phí khủng khiếp trên quy mô toàn cầu. Việc chuyển sang điện toán đám mây sẽ giúp phân bổ lại sự bất hợp lý này.

“Chính phủ Việt Nam đã xác định CNTT-TT là một ngành mũi nhọn trong nền kinh tế quốc gia, và chúng tôi tin tưởng rằng công nghệ điện toán đám mây có thể thúc đẩy ngành mũi nhọn này. Chúng tôi mong đợi các doanh nghiệp, chính phủ, cũng như người dùng Việt Nam sẽ triển khai công nghệ điện toán đám mây phù hợp với nhu cầu kinh doanh của doanh nghiệp", ông Pickup chia sẻ với báo giới.

Hội thảo "Hành trình tới công nghệ điện toán đám mây" là một phần trong kế hoạch "roadshow" của Microsoft tại châu Á, được tổ chức nhằm giúp lãnh đạo trong các doanh nghiệp, nhà nước cũng như các chuyên gia công nghệ hiểu thêm về vai trò và ảnh hưởng của công nghệ điện toán đám mây, đồng thời chia sẻ tầm nhìn của Microsoft đối với công nghệ tiên tiến này. Tại Việt Nam, Microsoft đã ký thỏa thuận hợp tác với FPT để cùng xây dựng và phát triển dịch vụ điện toán đám mây.

Trọng Cầm