Samsung có thể sẽ còn gắn bó lâu dài với thiết kế plastic, bất chấp việc nhiều đối thủ đã chuyển sang sử dụng kim loại aluminium hoặc những vật liệu mang đến cảm giác sang trọng, cao cấp hơn.
Nếu như có một lời phàn nàn nào thường xuyên xuất hiện trong những bài bình luận về bom tấn Galaxy S3 thì đó chính là vỏ máy được làm từ plastic. Tại một thời điểm mà các đối thủ đang đua nhau dùng kính, aluminum và thậm chí là nhựa plastic chất lượng cao như polycarbonate thì Samsung vẫn cứ dính chặt lấy thân máy plastic mỏng, dễ dàng bẻ cong quen thuộc.
Một trong số ít điểm bị chê ở Galaxy S3 là dùng vỏ nhựa |
Vì Samsung thường xuyên phải xuất xưởng sản phẩm với số lượng lớn nên hãng phải quan tâm đến độ bền và tính khả thi trong sản xuất đầu tiên.
Ngoài ra, ông Lee cũng đề cập đến những ưu, nhược điểm của việc duy trì kiểu ốp lưng máy tháo rời được (cho phép người dùng thay pin dễ dàng). Trước đó, một quan chức của LG từng tiết lộ với CNET rằng khá nhiều người dùng đã phàn nàn về việc không thể tháo lưng của Optimus G, vì thế, đến phiên bản Optimus G Pro, LG đã phải thiết kế cho phần ốp lưng tháo ra được.
Theo lập luận của Samsung thì ốp lưng bằng nhựa - tuy nhẹ nhưng thực chất lại bền hơn so với các smartphone kim loại vì nó có thể chịu được lực bẻ cong và hấp thụ các tác động vật lý tốt hơn.
Mặc dù vậy, GS4 plastic vẫn ra mắt vào thời điểm mà các smartphone khác đang ráo riết cải tiến thiết kế. iPhone 5 nhờ có khung kim loại siêu mỏng mà sở hữu ngoại hình và mang đến cảm giác của một sản phẩm thượng hạng. Tương tự, thân máy toàn aluminum của HTC One giúp con dế này nổi bật giữa một rừng đối thủ Android plastic khác.
Nokia thì lựa chọn phiên bản nhựa cứng polycarbonate cho dòng máy đầu bảng Lumia để có thể tạo ra nhiều phiên bản màu sắc sống động cho họ sản phẩm này.
Ông Lee khẳng định Samsung muốn cân bằng hài hòa giữa nhu cầu sử dụng thực tế với khao khát về một sản phẩm "sang trọng hơn". "Tôi nghĩ sản phẩm tiếp theo sẽ đạt được sự hài hòa này. Chúng tôi luôn lắng nghe thị trường và cố gắng thỏa mãn người dùng", ông kết luận.
Y Lam (Theo CNET)