Việc Cook trở thành vị Tổng Giám đốc toàn quyền tại Apple có thể nói là một tình cảnh vừa hung lại vừa cát đối với vị quan chức kỳ cựu này.

Tin tốt là ông đã cơ hội điều hành hãng công nghệ quan trọng nhất thế giới, với ngân sách tiền mặt khổng lồ. Nhưng tin xấu là ông sẽ phải thay thế vị doanh nhân mà nhiều người tin là vĩ đại nhất mọi thời đại - Steve Jobs. Cook không có nhiều cửa để tăng trưởng và phát triển Apple hơn nữa, nhưng lại có quá nhiều nguy cơ phá hỏng hay làm chệch hướng Táo khuyết.

Nhưng rất may cho Apple, cho các nhà đầu tư và cho người dùng, Cook đã và đang thể hiện rất tuyệt. Tất nhiên, cũng có nhiều sai lầm nhưng xét tổng thể thì ông vẫn đang làm rất tốt, với khá nhiều nước cờ chiến lược và ứng phó thông minh.

1. Giữ lại Ive, sa thải Forstall



So với người tiền nhiệm quá cố Steve Jobs, Tim Cook là mẫu người khác hẳn. Ông không phải là con người của sản phẩm, với những trau chuốt tỉ mẩn cho sản phẩm cuối, càng không phải là người đưa ra tầm nhìn cho ngành công nghiệp điện tử tiêu dùng. Nhưng ông là con người của quản trị, của vận hành.

Dưới quyền Cook, ông đã trọng dụng hai bậc thầy về sản phẩm là Jony Ive và Scott Forstall, nhưng khi hai người này không ưa nhau, Cook đã quyết định loại bỏ Forstall để giữ lại Ive. Nếu xem xét tài năng của Ive trong khâu thiết kế và cả sự thân thiết giữa ông với Steve Jobs về phong cách, về ý tưởng thì đây được đánh giá là một bước đi đúng đắn của Cook.

2. Tung ra iPad Mini


Steve Jobs quẳng ngay ý tưởng về máy tính bảng cỡ nhỏ vào sọt rác, với lý do đó là những sản phẩm rẻ tiền, không ai mong muốn. Nhưng Cook lại tỏ ra lắng nghe và chiều lòng người dùng hơn khi tung ra iPad Mini. Và giờ đây, iPad Mini chính là mẫu máy tính bảng bán chạy nhất thị trường, qua mặt cả đàn anh iPad 9.7 inch của mình. Thậm chí hầu hết giới phân tích đều dự đoán iPad Mini sẽ đè bẹp iPad 9,7 inch trong thời gian tới.

3. Xin lỗi người dùng vì lỗi Apple Maps


Ứng dụng bản đồ số của iOS 6 do Apple tự phát triển chắc chắn là một thảm họa. Đây là một sản phẩm hiếm hoi của Táo khuyết bị ném đá gần như tuyệt đối, do những thiếu sót như thông tin sơ sài, thiếu chính xác, chỉ dẫn đường sai... Quyết định của Cook về việc công khai xin lỗi người dùng về chất lượng kém của Maps dường như không mang một chút phong cách Apple nào. Ấy thế nhưng đó lại là một nước cờ cực kỳ tỉnh táo và khôn ngoan để giải quyết khủng hoảng PR. Ông thẳng thắn thừa nhận sai lầm của hãng và hứa hẹn sẽ cải tiến sản phẩm này. Có thể nói, Maps là một nỗi hổ thẹn lớn của Apple, một sự cố lớn trong sự nghiệp mới mẻ của Cook nhưng vị thuyền trưởng này đã xử lý nó rất khôn khéo.

4. Dọn dẹp đống lộn xộn mang tên Foxconn



Cũng vào thời điểm này năm ngoái, Apple đang phải hứng chịu búa rìu dư luật gay gắt về điều kiện làm việc tồi tệ trong các nhà máy sản xuất iPhone. Hàng loạt phóng sự do các báo danh tiếng như New York Times, CNN tiến hành đã cho thấy mặt tối của chuỗi nhà máy Foxconn, nơi nhiều công nhân không chịu nổi cảnh làm việc quá giờ, ăn uống thiếu thốn dài ngày đã phải tự tử. Tim Cook tỏ ra là người lắng nghe mọi sự chỉ trích một cách chân thành. Ông cũng tích cực gây sức ép buộc Foxconn phải cải thiện điều kiện làm việc, tăng lương cho người lao động.

Thậm chí, Cook đã sang tận Trung Quốc để thị sát các nhà máy Foxconn chính. Dù chưa hoàn hảo nhưng sau sự kiện này, tình hình ở Foxconn đã đỡ hơn khá nhiều.

5. Chia cổ tức


Không ai còn phải hoài nghi về núi tiền mà Apple đang ngồi trên nữa, chí ít thì con số này cũng trị giá khoảng 150 tỷ USD. Thế nhưng trong suốt nhiều năm dài, Apple chẳng hề làm gì với số tiền khổng lồ đó. Vậy mà năm ngoái, Tim Cook đã làm một việc Steve Jobs chẳng bao giờ nghĩ tới: phê chuẩn việc chia cổ tức cho các cổ đông. Đây là một phần thưởng tuyệt vời cho các nhà đầu tư trung thành của Apple, và năm nay, họ rất kỳ vọng Cook sẽ lặp lại chính sách đó, khi mà giá cổ phiếu Apple đã tụt tới 35% so với thời kỳ đỉnh cao.

6. iPhone 5 hiện là smartphone số 1 thị trường


OK, cấu hình của iPhone 5 có thể chỉ là hạng xoàng so với những đối thủ mới công bố như HTC One hay Samsung Galaxy S4. Nhưng không gì có thể thay đổi thực tế là con dế này hiện vẫn đang là smartphone bán chạy nhất thế giới, ít nhất là cho tới trước khi S4 chính thức lên kệ. Người dùng vẫn say sưa bỏ tiền ra mua iPhone 5, sản phẩm được cho là có tiến độ phát hành ra thị trường quốc tế nhanh nhất trong lịch sử Apple. Đây cũng là lần đầu tiên mà Apple xoay xở thành công trong việc đáp ứng sức cầu từ thị trường, hạn chế tình trạng khan hiếm hàng do thiếu linh kiện tới mức tối đa.

7. Dàn xếp với HTC



Apple luôn bị lôi vào những cuộc chiến tranh giành công nghệ độc quyền không dứt. Cook không hề giấu diếm rằng ông rất ghét những cuộc chiến pháp lý và điều đó hoàn toàn đúng. Chúng dai dẳng, mệt mỏi, khiến cho người ta kiệt quệ và đôi khi nhiều bí mật còn bị phơi bày trước tòa, lại chẳng giúp ích gì trong việc chinh phục thị trường.

Chính vì thế, Apple đã dàn xếp được với HTC sau nhiều năm cãi cọ, và thậm chí, Apple còn bỏ túi tới 180 triệu USD mỗi năm do bán license công nghệ cho đối thủ. Ông cũng đã cố thỏa thuận với Samsung nhưng thật tiếc vì giữa hai bên không tìm được tiếng nói chung.

8. Loại bỏ những đối thủ lớn nhất ra khỏi môi trường iPhone



Hai trong số những đối thủ lớn nhất của Apple đã từng là hai trong số những đối tác quan trọng nhất của iPhone. Google đã từng có ứng dụng bản đồ số và YouTube xuất hiện mặc định trên iOS. Samsung thì từng sản xuất chip cùng màn hình cho nhiều sản phẩm chủ lực của Apple.

Thế nhưng dưới thời Cook, Apple đã thẳng thừng loại cả YouTube lẫn Google Maps. Dù cho sản phẩm thay thế Google Maps là Apple Maps có chất lượng tệ, nhưng ý tưởng đằng sau nó thì rất khôn ngoan. Apple không muốn dành nhiều cơ hội cho Google cung cấp thông tin trên iOS, nhất là khi nền tảng Android đang lên như diều gặp gió.

Còn về Samsung, dĩ nhiên đại gia điện tử Hàn Quốc đang là đại địch số 1 của Apple trên thị trường smartphone. Không có lý gì mà Apple lại phải tiếp tục lệ thuộc vào Samsung để sản xuất iPhone, do đó, hãng tích cực thương thảo với các hãng chip khác để tìm phương án thay thế.

Trọng Cầm (Theo Business Insider)