- Trước lập luận của Hiệp hội Truyền hình trả tiền cho rằng việc một tập đoàn về viễn thông như Viettel đầu tư vào lĩnh vực truyền hình trả tiền sẽ là đầu tư ngoài ngành, gây ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường. Vấn đề này đã được các vị khách mời phân tích thấu đáo trong cuộc Bàn tròn "Cạnh tranh truyền hình trả tiền, bài học từ viễn thông".

Nhà báo Bùi Bình Minh: Xin được hỏi Tiến sĩ Mai Liêm Trực,quan điểm của ông như thế nào về lập luận của VN PayTV nói DN viễn thông cung cấp truyền hình trả tiền là đầu tư ngoài ngành.

Ông Mai Liêm Trực: Trong văn bản của Bộ TT&TT cũng đã khẳng định rất rõ là DN viễn thông tham gia thị trường truyền hình trả tiền không phải là đầu tư ngoài ngành, bởi họ chỉ sử dụng hạ tầng sẵn có của viễn thông để cung cấp dịch vụ gia tăng.

TH trả tiền cũng như viễn thông được quản lý theo những văn bản pháp luật khác nhau, do những cơ quan khác nhau quản lý.

Trước hết truyền hình phải lo nội dung phát sóng. Trước đây có những lúc tất cả các đài phát thanh, phát sóng, truyền dẫn đều thuộc Tổng cục Bưu điện quản lý. Đài truyền hình chỉ làm nội dung, chịu sự quản lý của Nhà nước về mặt báo chí. Đó là bản chất ngay từ đầu và bây giờ vẫn vậy.

{keywords}
Tiến sĩ Mai Liêm Trực và nhà báo Bùi Bình Minh.

Sở dĩ chúng tôi bàn giao các đài phát sóng, truyền dẫn về cho Đài truyền hình là do nhu cầu thực tiễn phát sinh, vì bên đài có phản ánh rằng: "Chúng tôi là người nói mà các anh cầm cái loa thì nhiều khi bị trục trặc", và họ đề xuất được tự cầm cho chủ động. Đến năm 1991-1992, Tổng Cục Bưu điện mới bàn giao lại mảng truyền dẫn phát sóng về lại truyền hình VN.

Nói cách khác, chức năng chủ yếu của đài truyền hình là sản xuất nội dung, còn phần truyền dẫn, phát sóng thì có thể do đài tự làm hoặc do một đơn vị khác làm. Trong thực tế đã xảy ra như vậy rồi.

Một điểm nữa là hiếm có nước nào mà các đài địa phương quá nhiều như ở VN. Đài nào cũng có đài phát sóng, cũng có nguồn điện, cũng có studio thì không có lợi cho Nhà nước, họ chỉ nên sử dụng sóng của các công ty truyền dẫn phát sóng khác để tiết kiệm ngân sách, nguồn lực, tiền của Nhà nước.

Vài năm gần đây, Bộ TT&TT có 1 chủ trương mà tôi rất ủng hộ là hình thành các công ty truyền dẫn phát sóng riêng. Đây là việc mà các nước cũng đã áp dụng từ lâu.

Trước đây các DN viễn thông chưa có hạ tầng đủ mạnh thì các đài phải tự làm, thiết nghĩ chúng ta cũng không nên lên án việc đấy.

Trở lại với vấn đề ngoài ngành, có thể phân tích thế này: Nhiệm vụ chủ yếu của đài Truyền hình quốc gia là sản xuất nội dung và phát sóng các nội dung miễn phí, ta gọi là truyền thông quảng bá. Nếu anh có làm phát sóng đi nữa thì chủ yếu vẫn là phát các kênh miễn phí. Việc hình thành truyền hình trả tiền không phải là nhiệm vụ chính của các đài truyền hình mà chẳng qua là các dịch vụ cộng thêm của đài mà thôi. Thế nên gọi thế nào là ngoài ngành? Nhiệm vụ chính của anh là làm nội dung, vậy làm thêm kỹ thuật thì có thể coi là ngoài ngành không?

Tất nhiên, với các đài lớn có đủ năng lực kỹ thuật thì họ tự làm truyền dẫn phát sóng cũng tốt thôi. Tôi cũng không cho là các DN viễn thông nên quản lý các các đài truyền hình lớn.

Truyền hình Trả tiền thực ra cũng là hình thành tự phát. Ban đầu đài truyền hình chỉ làm nội dung quảng bá, nhưng dần dần nhu cầu người dân tăng lên, nhiều chương trình nước ngoài phải mua bản quyền, một số dịch vụ bắt đầu tăng trưởng nhanh, có lãi thì truyền hình trả tiền mới xuất hiện. Nói cách khác, đây là một dịch vụ cao cấp hơn, cộng thêm giá trị của đài truyền hình và nó có lợi nhuận.

Quan điểm của tôi là Quy hoạch của Bộ TT&TT về việc phải có ít nhất 3-4 doanh nghiệp truyền dẫn phát sóng là hoàn toàn đúng đắn. Chỉ có như vậy thì thị trường mới có sự cạnh tranh, nhưng cần lưu ý rằng những doanh nghiệp này đều phải là doanh nghiệp lớn, tương đương với nhau về thế và lực, chứ một ông lớn và vài ông nhỏ thì vẫn chưa thể bình đẳng, lành mạnh được. Các doanh nghiệp viễn thông mạnh nhảy vào thì mới tạo thế cân bằng được với các ông lớn truyền hình trả tiền hiện nay. Theo tôi, mỗi địa phương nên có 2-3 doanh nghiệp mạnh, mỗi doanh nghiệp chiếm khoảng 25-30% thị phần thì người tiêu dùng mới được lợi nhất, giá mới giảm được.

Để chốt lại, tôi cho rằng chúng ta cần thông suốt được vấn đề trong ngành, ngoài ngành thì mọi chuyện sẽ rất dễ giải quyết.

Nhà báo Bùi Bình Minh: Thưa ông Nguyễn Phong Nhã, Luật Viễn thông quy định như thế nào về trường hợp doanh nghiệp viễn thông cung cấp dịch vụ truyền dẫn phát sóng?

Ông Nguyễn Phong Nhã: Cục Viễn thông với chức năng nhiệm vụ tham mưu cho Bộ TTTT và quản lý thị trường viễn thông, thẩm định các đề án cấp phép thiết lập mạng viễn thông. Hiện nay hệ thống văn bản qui phạm pháp luật đã khá đầy đủ bao gồm Luật Viễn thông, Nghị định hướng dẫn một số điều của Luật Viễn thông và Cục Viễn thông cũng đang tiếp tục dự thảo Thông tư hướng dẫn việc cấp phép thiết lập mạng.

Hiện có 2 mảng quản lý đối với truyền hình trả tiền: cơ sở hạ tầng viễn thông  (như mạng cáp quang, mạng cáp đồng trục đến hộ gia đình) do Cục Viễn thông quản lý. Dịch vụ truyền hình trả tiền là dịch vụ ứng dụng viễn thông do Cục phát thanh truyền hình và thông tin điện tử quản lý.

Với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, xu thế hướng hội tụ của viễn thông, Intenet và phát thanh truyền hình là một thực tế trên thế giới và tại Việt Nam. Hiện nay, các doanh nghiệp có hạ tầng mạng ở Việt Nam đã xây dựng mạng lưới cáp quang rộng lớn đủ để truyền dẫn tất cả các tín hiệu của các dịch vụ viễn thông và dịch vụ ứng dụng viễn thông như các kênh truyền hình. Một thực tế là chúng ta thấy ngày càng nhiều chương trình truyền hình trực tuyến được thực hiện ở rất nhiều tỉnh thành trên cả nước. 

Tại qui hoạch phát triển viễn thông quốc gia đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành đã nêu rõ mục tiêu: “tăng cường phát triển các dịch vụ ứng dụng viễn thông trên cơ sở hạ tầng viễn thông đã được xây dựng nhằm phát huy tối đa sự hội tụ của công nghệ và dịch vụ”. Do vậy, việc các doanh nghiệp có hạ tầng viễn thông tận dụng mạng truyền dẫn của mình để triển khai các dịch vụ ứng dụng viễn thông là đúng với định hướng của qui hoạch phát triển viễn thông.

Việc mở cửa thị trường viễn thông cũng đã mang lại nhiều lợi ích cho người sử dụng, ví dụ đối với quá trình cấp phép 3G, trước đây, doanh nghiệp nào đến trước sẽ được cấp phép trước, doanh nghiệp đến sau cấp sau, do đó không thể chọn lựa ứng viên tốt nhất. Quá trình cấp phép 3G vừa qua đã được quyền tổ chức thi tuyển cấp phép 3G cho các doanh nghiệp. Sau khi thi tuyển đã có 4 doanh nghiệp đủ điều kiện và được cấp phép. Với những cam kết của các doanh nghiệp trúng tuyển, sau 3 năm triển khai, đến nay đã có hàng chục nghìn node B được xây dựng phủ sóng 3G đến khắp mọi vùng miền, từ thành phố đến vùng sâu vùng xa và hải đảo. Nhờ đó người dân ở thành phố cũng như nông thôn đều được tiếp cận với dịch vụ tiên tiến, người dân xem được truyền hình, video clip, Internet di động.

Nhà báo Bùi Bình Minh: Theo quy hoạch phát triển truyền dẫn phát sóng, phát thanh truyền hình thì Chính phủ sẽ không khuyến khích phát triển truyền hình cáp analog nữa. Vậy vì sao Bộ thông Truyền thông lại xem xét cấp phép cho Viettel phát sóng truyền hình cáp analog. Liệu điều này có trái quy hoạch phát triển của ngành phát thanh truyền hình hay không?Mong ông Trần Minh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược TT&TT giải thích vấn đề này?

Ông Trần Minh Tuấn: Theo quy hoạch phát triển phát thanh truyền hình tới 2020, chúng tôi phân định có 3 phương thức truyền dẫn. Trong đó, truyền hình số mặt đất sẽ hướng tới chuyển từ truyền hình mặt đất sang số chia thành 4 nhóm.  Trong đó, nhóm thứ nhất là các thành phố trực thuộc Trung ương sẽ hoàn thành trước 2015, các nhòm còn lại sẽ tiến hành theo lộ trình 2 năm một. Hướng tới năm 2020 chúng ta sẽ chuyển đổi toàn bộ truyền dẫn phát sóng truyền hình mặt đất.

Đối với truyền hình cáp, trong quy hoạch có ghi rõ, hướng tới thứ nhất là phải sử dụng chung cơ sở hạ tầng, thứ 2 là ngầm hóa tuyến cáp để đảm bảo mỹ quan đô thị và thứ 3 là sử dụng công nghệ cao, hướng tới sử dụng công nghệ số.

Tuy nhiên, lộ trình này là tới năm 2020. Trong thời gian này các doanh nghiệp có thể tùy nhu cầu sản xuất kinh doanh của mình có thể triển khai các công nghệ phù hợp. Như chúng tôi được biết, Viettel đã trình Bộ TT&TT đề án cung cấp truyền hình cáp dựa trên đường trục có sẵn để đưa truyền hình cáp tới các vùng sâu vùng xa để người dân có thể sử dụng với giá thành rẻ.

Chúng tôi thấy rằng, về công nghệ không phù hợp nhưng căn cứ một số văn bản như Nghị định 25 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn chi tiết về luật viễn thông và thứ 2 là Quy chế 20 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ là Quy chế hoạt động truyền hình trả tiền, nếu như doanh nghiệp đảm bảo các tiêu chí phù hợp với quy định trong 2 văn bản nêu trên thì Bộ TT&TT mới cấp phép.

VietNamNet

((trích Bàn tròn trực tuyến "Cạnh tranh truyền hình trả tiền, bài học từ viễn thông") )