Cao ủy thương mại EU Karel De Gucht đang tìm kiếm sự đồng thuận của các thành viên khác nhằm tiến hành một cuộc điều tra vi phạm bán phá giá của hai hãng điện tử Trung Quốc là Huawei và ZTE.

Từ cuối năm ngoái, Ủy ban thương mại EU đã đưa ra những cáo buộc cho rằng, Huawei và ZTE đang bán phá giá sản phẩm vào EU nhờ sự hỗ trợ của chính phủ Trung Quốc.

{keywords}
Cao ủy thương mại EU Karel De Gucht.

Các quan chức châu Âu tin rằng hai công ty trên đã hưởng lợi rất nhiều từ chính sách trợ giá của chính phủ Trung Quốc, trong đó có những khoản vay giá rẻ của các ngân hàng quốc doanh. Nhờ các khoản hỗ trợ này, Huawei và ZTE đã bán các sản phẩm của mình vào thị trường EU với giá rẻ để thu lợi nhuận. Và việc này là trái với các quy tắc quốc tế về bình đẳng thương mại.

Tại thời điểm đó, Ủy ban thương mại EU cũng đã nhắc tới khả năng sẽ tiến hành một cuộc điều tra về các hoạt động thương mại của hai công ty này. Tuy nhiên, mãi tới gần đây, việc tiến hành điều tra đối với Huawei và ZTE mới quay trở lại bàn nghị sự của ủy ban này.

Một quan chức EU cho hay, trong cuộc họp dự kiến diễn ra vào thứ 4 (15/4) tới đây, De Gucht sẽ kêu gọi các thành viên khác ủng hộ quyết định tiến hành cuộc điều tra đối với Huawei và ZTE. Hiện tại, các quan chức EU đang theo dõi sít sao tới những công ty nhận được các hợp đồng với các công ty thiết bị điện tử Trung Quốc.

Việc EU quyết định mở cuộc điều tra các công ty điện tử của Trung Quốc được coi là cực kỳ hy hữu. Bởi lẽ, thông thường, EU chỉ thực hiện việc điều tra khi nhận được đơn chính thức từ một công ty thuộc EU.

Báo chí Trung Quốc ngay sau đó đã bình luận rằng, mặc dù việc này là hợp pháp theo luật pháp của EU, tuy nhiên, có thể nó sẽ động chạm tới những khu vực nhạy cảm chính trị.  Bắc Kinh có thể sẽ cho rằng EU đang trực tiếp chống lại họ, chứ không chỉ đơn giản là mâu thuẫn giữa hai công ty.

Trước đó, hôm 13/5 vừa qua, Ấn Độ cũng cho biết, chính phủ nước này đang xây dựng một phòng thí nghiệm đặc biệt để kiểm tra các thiết bị do hai hãng Huawei, ZTE sản xuất. Động thái này được đưa ra sau khi nhiều cơ quan tình báo của nước này bày tỏ sự lo ngại về tính an ninh và bảo mật của sản phẩm Trung Quốc.

Trước những thông tin nêu trên, đại diện của Huawei khẳng định, họ không nhận bất cứ khoản hỗ trợ nào từ phía chính phủ Trung Quốc. Huawei cũng phủ nhận cáo buộc cho rằng, Huawei đang bị chính phủ Trung Quốc khống chế. Huawei khẳng định, khoản vay 30 tỷ đô la với Ngân hàng phát triển Trung Quốc 6 năm trước không đủ để Huawei bị “khống chế”.

Lê Văn (Theo WSJ, Ifeng Tech)