Một siêu máy tính của Trung Quốc đã vượt qua các đối thủ đáng gờm khác để trở thành hệ thống vi tính mạnh nhất thế giới.
Siêu máy tính Thiên Hà 2 sử dụng một hệ điều hành trên nền tảng Linux do chính các nhà nghiên cứu Trung Quốc phát triển. Ảnh: BBC |
Siêu máy tính Thiên Hà 2 do Đại học Công nghệ Quốc phòng quốc gia Trung Quốc phát triển đã được một nhóm nhà nghiên cứu quốc tế xếp ở vị trí số 1 trong danh sách 500 siêu máy tính nhanh nhất toàn cầu.
Theo tiêu chuẩn Linpack, siêu máy tính Thiên Hà 2 hoạt động với tốc độ 33,86 petaflop/giây, tương đương với khả năng xử lý 33.860 nghìn tỉ phép tính mỗi giây. Đây là khả năng hoạt động trong thực tế, nhưng về lý thuyết, cỗ máy này có thể đạt "đỉnh" với tốc độ lên tới 54,9 petaflop/giây.
Vị trí á quân trong bảng xếp hạng năm nay thuộc về siêu máy tính Titan tại Phòng thí nghiệm quốc gia Oak Ridge của Bộ Năng lượng Mỹ ở Tennessee, với tốc độ thực tế là 17,59 petaflop/giây, kém xa và chỉ hơn 1/2 tốc độ của Thiên Hà 2.
Ba vị trí còn lại trong tốp 5 siêu máy tính nhanh nhất thế giới lần lượt thuộc về Sequoia của Mỹ đạt 17,17 petaflop/giây, K của Nhật Bản với 10,51 petaflop/giây và Mira của Mỹ với 8,59 petaflop/giây.
Giới quan sát đánh giá việc Thiên Hà 2 chiếm "ngôi vương" về siêu máy tính nhanh nhất thế giới rất đáng kinh ngạc, vì hệ thống máy tính này dự kiến vẫn chưa sẵn sàng đi vào hoạt động chính thức cho mãi tới năm 2015. Trước đây, các siêu máy tính của Trung Quốc cũng từng chiếm vị trí số 1 thế giới hồi tháng 11/2010 và tháng 6/2011.
Dự án phát triển Thiên Hà 2 do Chương trình Công nghệ cao 863 của chính phủ Trung Quốc tài trợ như một nỗ lực giúp các ngành công nghiệp công nghệ cao của nước này có tính cạnh tranh hơn và ít phụ thuộc vào những đối thủ ngoại quốc hơn.
Ban quản lý dự án từng tuyên bố, mục tiêu của họ là lắp đặt thiết bị tại Trung tâm Siêu máy tính quốc gia ở Quảng Châu, thủ phủ tỉnh Quảng Đông, đông nam đất nước. Tại đây, siêu máy tính Thiên Hà 2 dự kiến sẽ trở thành một nguồn lực "nghiên cứu và đào tạo" cho khu vực phía nam Trung Quốc.
Thiên Hà 2 hiện sử dụng tổng cộng 3,12 triệu lõi xử lý chứa các chip Ivy Bridge và Xeon Phi của hãng Intel để thực hiện những tính toán của mình. Tuy nhiên, chuyên gia Jack Dongarra đến từ Đại học Tennessee (Mỹ) và là thành viên trong nhóm soạn thảo danh sách "500 siêu máy tính nhanh nhất thế giới", nhấn mạnh, nhiều đặc điểm của Thiên Hà 2 do chính người Trung Quốc phát triển và là độc nhất vô nhị.
Trong số đó phải kể đến một mạng lưới siêu kết nối tùy chỉnh, truyền tải dữ liệu khắp hệ thống; 4.096 CPU loại Galaxy FT-1500 do chính Đại học Công nghệ Quốc phòng quốc gia Trung Quốc chế tạo và hệ điều hành Kylin trên nền tảng Linux do các nhà nghiên cứu trong nước thiết kế với khả năng bảo mật cao, phù hợp với yêu cầu của những người dùng trong chính phủ, lĩnh vực quốc phòng, năng lượng, hàng không và các ngành công nghiệp then chốt khác.
Theo bảng xếp hạng, Trung Quốc hiện nắm giữ 66 vị trí trong tốp 500 siêu máy tính hàng đầu thế giới, giảm so với cách đây 6 tháng, khi nước này có trong tay tới 72 siêu máy tính "khủng". Nước thống trị bảng xếp hạng này vẫn là Mỹ với 252 siêu máy tính. Xếp sau Mỹ và Trung Quốc lần lượt là Nhật với 30 siêu máy tính, Anh - 29 siêu máy tính, Pháp - 23 siêu máy tính và Đức - 19 siêu máy tính.
Tuấn Anh (Theo BBC)