- Tập đoàn VNPT cần sớm hoàn thiện đề án tái cơ cấu và trình lên Bộ trưởng Bộ TT&TT muộn nhất là sau một tuần nữa, để có thể kịp tiến độ báo cáo Thủ tướng vào cuối tháng 7 như chỉ đạo mới nhất từ phía Chính phủ.

Sáng nay, 2/7, Thứ trưởng Lê Nam Thắng, lãnh đạo các Cục, Vụ liên quan thuộc Bộ TT&TT đã có cuộc làm việc với lãnh đạo VNPT để nghe và góp ý lần cuối cho bản đề án Tái cơ cấu Tập đoàn. Căn cứ trên những chỉ đạo, đóng góp ý kiến từ phía cơ quan quản lý hôm nay, Thứ trưởng yêu cầu VNPT xem xét lại cũng như bổ sung một số nội dung trước khi trình lên Bộ.

{keywords}

Có thể nói, tái cơ cấu VNPT là một nhiệm vụ hết sức quan trọng của Bộ TT&TT trong năm nay, do VNPT là một tập đoàn lớn, "trụ cột" của ngành CNTT-TT và lại đang kinh doanh tương đối tốt, vẫn có tăng trưởng và doanh thu hàng năm vượt trên mặt bằng chung của nền kinh tế. Với quy mô hiện nay của Tập đoàn, việc sắp xếp lại mô hình tổ chức, kinh doanh, cơ cấu lại các công ty thành viên, bộ máy, nhân sự... hoàn toàn không đơn giản, nhất là chỉ trong một thời gian ngắn (giai đoạn 1 đến trước năm 2015 như Chính phủ yêu cầu).

Do đó, VNPT cần tập trung vào những điểm mấu chốt trước. Nói cách khác, "Tái cơ cấu cần phải trọng tâm, trọng điểm", ưu tiên trước hết cho viễn thông và công nghệ thông tin, Thứ trưởng nêu quan điểm.

Trước đó, hôm qua, trong khuôn khổ Hội nghị Sơ kết 6 tháng đầu năm của Bộ TT&TT, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cũng đã yêu cầu việc tái cơ cấu VNPT cần tiến hành "thận trọng", các bên liên quan cần đẩy nhanh tiến độ nhưng vẫn phải đảm bảo chất lượng đề án, tránh đốt cháy thời gian, quy trình.

Bộ TT&TT đã có văn bản nêu rõ mục tiêu, yêu cầu và 13 nguyên tắc cơ bản của việc tái cơ cấu VNPT. Tất cả các nội dung về tái cơ cấu Tập đoàn cũng sẽ được công bố lên mạng để các địa phương và công luận có thể đóng góp ý kiến. Mục tiêu cuối cùng là sau khi tái cơ cấu, VNPT vẫn duy trì được sự vững mạnh của một tập đoàn kinh tế mũi nhọn, kinh doanh ổn định.

Y Lam