- Các đại gia phát hành game nội như VNG, FPT, VTC được dịp "mở lòng" kể khổ tại Hội thảo sáng nay về trò chơi trực tuyến, không quên cảnh báo nếu tình trạng quản lý bất cập kéo dài như hiện nay, họ chỉ có thể trụ được "nửa năm, một năm" là cùng.
Chia sẻ tại Hội thảo "Nâng cao Hiệu quả Quản lý trò chơi trực tuyến", Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn cho biết thời gian qua, Bộ đã nhận được nhiều kiến nghị về trò chơi trực tuyến theo hướng làm sao tăng cường quản lý, tránh kích động dâm ô, bạo lực nhưng lại không để rơi vào tình trạng quản lý đóng cửa, khép chặt, không cho lĩnh vực phát triển tự nhiên, "cứ khó là cấm". Việc Bộ ngừng cấp phép kéo dài đối với các game trực tuyến mới bị nhiều ý kiến than phiền là "làm khó doanh nghiệp trong nước, tạo điều kiện cho game nước ngoài tràn lậu vào Việt Nam", gây ra tình cảnh thiếu công bằng giữa game nội và game ngoại. Nói cách khác, DN game Việt đang thua ngay trên sân nhà.
Thực tế này đã đặt ra nhiều suy nghĩ cho cơ quan quản lý. Vì sao Trung Quốc, Hàn Quốc - những nước có lễ giáo thậm chí còn khắt khe hơn VN lại phát triển thị trường game mạnh được như vậy? Họ hình thành game thành một ngành công nghiệp chỉn chu với doanh thu "khủng". Về bản chất, trò chơi trực tuyến cũng chỉ là một loại trò chơi, một hình thái giải trí. Những thứ tiêu cực có phải phát sinh từ đó mà ra hay không? Hàng loạt câu hỏi đã được Thứ trưởng chia sẻ với các chuyên gia và đại diện các hãng game nội tham dự Hội thảo.
Ông Hoàng Vĩnh Bảo, Cục trưởng Cục PTTH-Thông tin điện tử (Bộ TT&TT) cho biết, cho tới thời điểm này thì Thông tư 60/2006 vẫn là văn bản chính thức có hiệu lực cao nhất để quản lý lĩnh vực trò chơi trực tuyến. Thế nhưng Thông tư này khi đi vào thực tế đã bộc lộ nhiều bất cập như quy định hạn chế giờ chơi phức tạp, ít hiệu quả; yêu cầu về khai báo thông tin người chơi không khả thi, nhiều loại game không thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư lại gây tác động xấu trong xã hội....
Vì lẽ đó, sau 4 năm triển khai thì đến tháng 8/2010, Bộ TT&TT đã quyết định tạm dừng thẩm định, cấp phép các trò chơi trực tuyến đăng ký mới. Điều này để nhiều doanh nghiệp game nội vào thế khó khăn, bế tắc do không khai thông được giấy phép cho các game mới.
Tình trạng này đẩy các doanh nghiệp vào thế chân tường, tiến thoái lưỡng nan: Hoặc chấp nhận phải giải thể, hoặc buộc phải vi phạm quy định, kinh doanh game chưa phép để có thể tiếp tục tồn tại. Trong tham luận tại Hội thảo, ông Nguyễn Văn Hùng, Chánh thanh tra Bộ TT&TT đã chỉ rõ tình cảnh được ông mô tả là "đứng bên miệng vực" này của doanh nghiệp game nội, khi "tất cả doanh nghiệp đều có nguy cơ bị xử lý hình sự vì kinh doanh trái phép", và "không kiểm tra thì thôi, nếu kiểm tra thì 100% doanh nghiệp đều có những sản phẩm chưa được thẩm định nội dung".
Chúng tôi mong muốn được quản lý!
Ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng Giám đốc FPT Telecom đã phải kiến nghị một cách "lâm li" như vậy ngay giữa Hội thảo, sau khi thừa nhận FPT Online, đơn vị phát hành game online của ông đang lâm vào "khủng hoảng".
Ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng Giám đốc FPT Telecom. Ảnh: Mạnh Vỹ |
"Từ cuối 2010 đến nay, chúng tôi liên tục tăng trưởng âm. FPT Online đang rất bối rối, không biết phải xoay sở thế nào. Chất xám chảy máu hoàn toàn, chi phí vận hành thì không ngừng tăng. Nhìn ra chung quanh thì ai cũng có thể làm game lậu. Cứ đà này thì FPT Online cũng chỉ cố duy trì được nửa năm, một năm nữa mà thôi", ông Khoa trần tình.
Bức tranh mà doanh nghiệp này vẽ ra là các doanh nghiệp nội dung số hiện nay đều không "tiến được" mà còn giật lùi. Doanh thu tính trên từng khách hàng của FPT Online đã giảm từ 1.071.000 VND vào năm 2010 xuống còn 795.000 VND trong năm 2012. Trong 3 năm qua, 5 game được cấp phép thì chỉ làm được duy nhất 1 game, 4 game còn lại hoặc bị đóng cửa, hoặc không thể phát hành vì nhiều lý do. Trong khi ấy, hàng loạt nhà phát hành game không phép lại xuất hiện, tăng từ con số 12 lên 40 chỉ sau 3 năm. Số game lậu, game không phép tràn lan, trung bình cứ mỗi tháng lại có 10-20 game mới được phát hành.
"Thành thật mà nói thì kinh doanh game không phép cũng là việc cực chẳng đã của DN nội mà thôi. Chúng tôi rất mong muốn được quản lý", ông Khoa tha thiết.
Phạm pháp thì không bền!
Đồng quan điểm với ông Khoa, Tổng Giám đốc VNG Lê Hồng Minh khẳng định, không doanh nghiệp nào muốn vi phạm pháp luật, bởi đó không phải là cách kinh doanh lâu bền. "Nhưng làm được hay không thì lại là chuyện khác", ông Minh cảm thán.
Tổng Giám đốc VNG Lê Hồng Minh chia sẻ tại hội thảo. Ảnh: Mạnh Vỹ. |
Có một nghịch lý là trong khi doanh thu trực tiếp từ cả thị trường game VN trong năm 2012 đạt tới 6000 tỷ đồng thì đóng góp của các game sản xuất trong nước chỉ chiếm một tỷ lệ rất khiêm tốn là 10-15%. Trong khi đó, đội ngũ nhân lực phát triển game nội được đánh giá là có chất lượng và khả năng sáng tạo thuộc tốp đầu ở khu vực.
Nghịch lý hơn, theo ông Minh, là trước tháng 8/2010, khi Thông tư 60 còn được triển khai, dù bị quản lý chặt thì ít nhất, doanh nghiệp vẫn còn được hoạt động trong khuôn khổ. Nhưng sau quyết định ngừng cấp phép game mới, có thể nói thị trường rơi vào một "dấu hỏi lớn".
"Chúng ta cấm nhưng có đạt được mục tiêu đưa ra hay không?", đại diện VNG nêu vấn đề một cách thẳng thắn.
Theo ông Minh thì quản lý chặt nhất thế giới hiện nay về trò chơi trực tuyến có lẽ không nước nào qua mặt được Trung Quốc. Nhưng nước này lại đang áp dụng chính sách bảo hộ thị trường nội địa, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp game nội địa và đạt được thành công rực rỡ, khi doanh thu tăng từ 1 tỷ USD năm 2001 lên 10 tỷ USD vào năm ngoái. Đa số các nước ngoài thì không cấp phép game mà chỉ áp dụng tiêu chuẩn ESRB phân loại độ tuổi của Mỹ, chủ yếu mang tính chất cảnh báo là chính.
Thế nhưng chính sách quản lý hiện nay của Việt Nam lại đang tạo điều kiện cho doanh nghiệp nước ngoài ùa vào dễ dàng, còn DN nội thì "bị bảo hộ ngược". Hệ quả là DN nội ngày càng đuối sức, không thể cạnh tranh được và cũng không có lợi thế hay hỗ trợ, ưu đãi nào từ phía Nhà nước.
"Thị trường game online được dự đoán sẽ đạt doanh thu 15.000 - 20.000 tỷ sau một vài năm nữa. Nhưng có bao nhiêu phần trăm trong đó là DN nước ngoài? Bao nhiêu % là game nội", ông Minh một lần nữa ám chỉ nguy cơ "thua ngay trên sân nhà" mà Thứ trưởng Doãn đề cập.
Thực trạng Trò chơi trực tuyến tại Việt Nam - Theo Cục PTTH - Thông tin điện tử (Bộ TT&TT): Tổng số game online được cấp phép tính đến tháng 7/2013: 117 trò chơi, đã ngừng 44 trò chơi, chỉ còn lại hơn 70 game đang hoạt động chính thức. Nhập vai nhiều người: 46 trò chơi được cấp phép nhưng 16 game bị ngừng. Trực tuyến thông thường: 12 tựa game. Bắn súng từ góc nhìn thứ nhất: 3 game thì 2 game đã bị ngừng lưu hành. Phần lớn trò chơi nhập khẩu từ Trung Quốc và Hàn Quốc. Một số DN giáo dục, giải trí của VN như Chinh phục vũ môn, Thuận thiên kiếm... nhìn chung còn đơn giản. Trong năm 2012, thị trường trò chơi trực tuyến VN đạt doanh thu 250 triệu USD, thu hút khoảng 7500 lao động. (P.V) |
Trọng Cầm