- Để tránh tình trạng một số nhà mạng lợi dụng quyền cấp đầu số cho CSP theo kiểu "quyền sinh quyền sát", hoặc thiếu kiểm soát đối với các đầu số đã cấp dẫn đến tình trạng loạn tin nhắn rác, tin nhắn quảng cáo trong thời gian qua, Bộ TT&TT đã có kế hoạch thu hồi các đầu số từ nhà mạng để trực tiếp cấp phát cho các doanh nghiệp nội dung.

{keywords}

Chia sẻ tại Hội thảo về "Kết nối Internet, Kết nối giữa DN hạ tầng với DN nội dung" sáng 10/7", bà Lê Thị Ngọc Mơ, Cục phó Cục Viễn thông cho biết, theo quy định mới, Bộ TT&TT sẽ là đơn vị đứng ra cấp đầu số trực tiếp cho các doanh nghiệp nội dung. Với đầu số này, một CSP sẽ có thể kết nối với tất cả các nhà mạng khác nhau chứ không phải đi đàm phán với từng mạng riêng như trước. Đồng thời, Bộ cũng sẽ công khai quy hoạch đầu số trên mạng, đầu số nào đã cấp, đầu số nào chưa cấp đều được niêm yết rõ ràng.

Quy định này nhận được sự tán đồng từ hầu hết các ý kiến tham gia Hội thảo. Ông Nguyễn Mạnh Hà, Tổng Giám đốc VMG chia sẻ rằng đầu số là thương hiệu, là tài sản của một CSP nhưng tình trạng hiện nay là "được dùng ngày nào hay ngày đó, không biết sẽ bị nhà mạng thu lại lúc nào do hợp đồng chỉ được ký năm một". Đấy là chưa kể CSP phải chịu đủ mọi loại phí như phí khai thác, phí bảo dưỡng, thậm chí là phí đầu số đẹp đối với một số nhà mạng... Chính vì sự thiếu thống nhất này mà các doanh nghiệp rất khó kinh doanh. Nếu các đầu số được quy về một mối là Bộ TT&TT, tình trạng "loạn phí" nói trên sẽ được dẹp bỏ và CSP sẽ được bình đẳng hơn khi sử dụng đầu số.

Ông Vũ Hoàng Liên, đại diện Hiệp Hội Internet Việt Nam cũng khẳng định Bộ cần quản lý đầu số vì giống như tần số, đầu số cũng là một tài nguyên quốc gia, rất cần có quy hoạch, có dự báo về sự phát triển, quy mô thị trường. Tuy nhiên, ông Liên khuyến nghị rằng phí cấp đầu số cần hợp lý để tạo động lực cho các CSP và có thể thay đổi khác nhau tùy theo từng loại hình dịch vụ và mức độ ăn khách của chúng.

Bản thân Viettel với tư cách một Telco cũng cho biết họ sẵn sàng ủng hộ Bộ TT&TT cấp phát đầu số, song kiến nghị Bộ nên quản lý cả đầu số 1900xxxx do bản chất đầu số này không khác gì các đầu số 8xxx. "Nếu đầu số 1900xxxx vẫn giao cho doanh nghiệp tự cấp phát thì quản lý sẽ rất phức tạp", Viettel lưu ý. Quan điểm về quản lý đầu số 1900xxx cũng nhận được sự đồng thuận từ đại diện VMS, dù đơn vị này là ý kiến duy nhất tại Hội thảo cho rằng Bộ chỉ nên ban hành Quy hoạch đầu số, khâu cấp đầu số vẫn nên để cho Telco tự làm.

Để thị trường tự quyết hay cần Bộ quản lý?

Ông Tống Viết Trung, Phó Tổng Giám đốc Viettel cho rằng hiện các doanh nghiệp cung cấp hạ tầng và các CSP đang dần hình thành hai trung tâm quyền lực trên thị trường. Tuy nhiên, giá trị do bên nào đem lại nhiều hơn thì bên đó có quyền lực lớn hơn trong cuộc chơi.

Một vấn đề mà các nhà mạng đang gặp phải là Internet ngày càng trở nên di động, khiến cho bài toán dung lượng nổi lên. Một khi dung lượng là có hạn thì phải ưu tiên cho dịch vụ của bên nào? Những dịch vụ như thoại, SMS hay các nội dung giúp DN hạ tầng được hưởng lợi nhiều thì tất yếu phải được ưu tiên hơn. Đó chính là cơ chế, là quy luật của thị trường.

Không cùng chung quan điểm với Viettel, ông Hà Thế Minh, Chủ tịch HĐQT CMC lại cho rằng, nếu cơ chế hoàn toàn tuân theo thị trường thì các doanh nghiệp nhỏ, thấp cổ bé họng sẽ thực sự không có cách nào để đàm phán một cách ưu thế với các nhà mạng/ISP lớn cả. Theo ông Minh thì sự can thiệp và cơ chế hỗ trợ từ phía Nhà nước dành cho các doanh nghiệp nhỏ là không thể thiếu, nhằm hạn chế những tranh cãi xung quanh quyền lợi, giá thành, chất lượng dịch vụ cung cấp cũng như để xử lý, kiểm tra, phân xử tranh chấp giữa các bên với nhau.

Cũng nhấn mạnh vào vai trò quản lý Nhà nước là ông Nguyễn Mạnh Hà khi ông này cho rằng, cần làm rõ vai trò của các nhà mạng và CSP trong những quy định mới. "Nhiệm vụ của các ISP là phải đảm bảo hạ tầng cho CSP cung cấp dịch vụ nội dung trên đó chứ không phải cố tình gây khó khăn, hạn chế. Khi một doanh nghiệp hạ tầng muốn bảo vệ quyền lợi cho các dịch vụ riêng của mình thì sẽ không có sự bình đẳng cho các CSP khác", ông Hà nhấn mạnh. Những lúc này, cần có một quy định khung, một nguyên tắc chung để các CSP đàm phán hợp đồng với DN hạ tầng, thay vì hoàn toàn thụ động như hiện nay.

Tuy vậy, cũng có một số ý kiến từ NetNam hay Hiệp Hội Internet Việt Nam cho rằng, Bộ chỉ nên quản lý trong ngắn hạn còn về lâu dài sẽ để cho thị trường tự điều tiết. Lúc này, Bộ chỉ đóng vai trò giải quyết, phân xử tranh chấp, kiểm tra, kiểm soát các hành vi vi phạm quy định mà thôi.

Trọng Cầm