- Chiều 6/8/2013, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Bắc Son trao Quyết định số 964/QĐ-BTTTT giao ông Trần Mạnh Hùng, Thành viên Hội đồng thành viên Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam phụ trách chức vụ Tổng giám đốc Tập đoàn VNPT. Quyết định có hiệu lực từ ngày 6/8/2013.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son trao quyết định bổ nhiệm chức vụ Tổng giám đốc Tập đoàn VNPT cho ông Trần Mạnh Hùng. Ảnh: Lê Anh Dũng. |
Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Bộ TT&TT cũng công bố Quyết định số 963/QĐ-BTTTT điều động ông Vũ Tuấn Hùng, Thành viên hội đồng thành viên, Tổng giám đốc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam về Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Thông tin và Truyền thông chờ phân công công tác mới.
Do ông Vũ Tuấn Hùng xin vắng mặt vì lý do sức khỏe, Quyết định 963/QĐ-BTTTT được Vụ tổ chức cán bộ Bộ TT&TT trao cho ông Phạm Long Trận, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn VNPT để chuyển tới ông Vũ Tuấn Hùng.
"VNPT chưa chuyển biến kịp thời"
Phát biểu tại lễ công bố quyết định, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son cho biết các quyết định nêu trên được đưa ra trên cơ sở kết luận của Ban cán sự đảng Bộ TT&TT về việc điều động cán bộ của Tập đoàn VNPT, với kết quả bỏ phiếu thông qua 100% nhất trí.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, "đây là một sự kiện rất quan trọng, mở đầu cho việc Bộ TT&TT thực hiện tái cơ cấu Tập đoàn VNPT. Quyết định này của lãnh đạo Bộ TT&TT là để góp phần cho VNPT phát triển mạnh hơn trong tương lai và lấy lại vị thế của mình trong thị trường Viễn thông Việt Nam."
"Nhiệm vụ thay đổi tổ chức biên chế cán bộ là nhiệm vụ thường xuyên của cấp ủy đảng và người chỉ huy các cấp để mong muốn tổ chức các đơn vị ngày càng hoàn thiện. Trong năm 2012 và những tháng đầu năm 2013, thị trường viễn thông VN đã gặp những thách thức và khó khăn chưa từng có, đã có những đơn vị viễn thông đã không còn tồn tại như EVN Telecom. Đây là quy luật tất yếu của cơ chế thị trường."
"Trước sức ép cạnh tranh và thách thức lớn của thị trường viễn thông, VNPT đã bộc lộ một số hạn chế như doanh thu giảm dần hàng năm, hiệu suất lợi nhuận giảm.. Trong những năm gần đây, VNPT đã chưa chuyển biến kịp thời, dẫn đến việc để xảy ra những hạn chế này," Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nhận xét.
Ông Trần Mạnh Hùng phát biểu tại lễ công bố quyết định bổ nhiệm Tổng giám đốc VNPT. Ảnh Lê Anh Dũng. |
Hoạt động kinh doanh sụt giảm liên tục qua từng năm
Trước đó, Ban cán sự đảng Bộ TT&TT đã họp và thống nhất kết luận đánh giá tình hình và kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn VNPT. Theo kết luận này, dù trong nhiều năm qua, VNPT đã có những bước tăng trưởng nhanh, bảo đảm tốt thông tin đối nội, đối ngoại, quốc phòng, an ninh của đất nước, mở rộng các dịch vụ công ích đến vùng sâu vùng xa…, nhưng những năm gần đây hiệu quả sản xuất kinh doanh của VNPT có sự giảm sút qua từng năm, bộc lộ những tồn tại, yếu kém và những vi phạm như đã được chỉ ra trong văn bản số 856/KL-TTCP ngày 17/4/2013 của Thanh tra Chính phủ.
Sau khi xem xét toàn diện các mặt, Ban cán sự đảng Bộ TT&TT thống nhất nhận định:
Từ 2006-2010, kết quả kinh doanh của VNPT giảm sút, không đạt chỉ tiêu tỷ suất lợi nhuận trên vốn sở hữu đặt ra, lợi nhuận năm sau thấp hơn năm trước và giảm bình quân 7,8% năm, hiệu quả sử dụng vốn Nhà nước liên tục giảm.
Trong giai đoạn 2006-2011, không kể đầu tư của VMS, VNPT đã đầu tư 41.879 dự án với mức đầu tư 128.584 tỷ đồng (bình quân đầu tư 21.431 tỷ đồng/năm). Trong đó chiếm tới 40% tổng giá trị là các dự án chậm tiến độ, bình quân các dự án chậm khoảng 7,8 tháng, có dự án chậm 5 năm (như cáp quang đường HCM) cá biệt lên đến 10 năm (dự án cáp quang biển Bắc – Nam 3.000 tỷ đồng, sử dụng vốn ODA của Nhật, hiện đã phải dừng triển khai không thực hiện được).Quản trị doanh nghiệp của VNPT bộc lộ sự trì trệ. Một số bộ phận có nguồn nhân lực quá lớn nhưng doanh thu giảm mạnh, không kịp thời điều chỉnh theo hướng tích cực; việc duy trì nhiều đơn vị hạch toán phụ thuộc và cơ chế hạch toán kinh doanh không phù hợp cơ chế thị trường, chưa tạo động lực và phát huy năng động, tự chủ, sáng tạo của cán bộ công nhân viên, dẫn đến không đạt được mục tiêu ban đầu là thí điểm hình thành Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam – Tổ hợp các doanh nghiệp độc lập, hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con.
Mặt khác, việc điều tiết doanh thu giữa các đơn vị hạch toán phụ thuộc từ 2006-2010 (bình quân mỗi năm 1-2 ngàn tỷ), hạch toán tăng doanh thu cuối năm 2011 bằng việc xuất thẻ di động trả trước trên 4.496 tỷ đồng dẫn đến kết quả hoạt động kinh doanh của đơn vị có lãi trở thành lỗ và ngược lại, không phản ánh trung thực thực trạng sản xuất kinh doanh của VNPT.
Lãnh đạo VNPT đã thể hiện sự lúng túng, nhận thức không đầy đủ và thể hiện quyết tâm chưa cao trong thực hiện chủ trương tái cơ cấu của Chính phủ (theo quyết định 929/QĐ-TTg ngày 17/7/2012), chưa thấy việc thực hiện tái cơ cấu là thời cơ để tổ chức, củng cố lại toàn diện, khắc phục hạn chế để vươn lên khẳng định vị thế của VNPT trước yêu cầu đổi mới hiện nay. Do vậy, đề án tái cơ cấu VNPT trình Bộ TT&TT ngày 11/7/2013 chưa thể hiện rõ trách nhiệm trong việc thực hiện nội dung chỉ đạo của Chính phủ và của Bộ TT&TT về xây dựng Đề án tái cơ cấu Tập đoàn VNPT.
Theo nhận định của Ban cán sự đảng Bộ TT&TT, các yếu kém và khuyết điểm nêu trên của Tập đoàn VNPT đã kéo dài nhiều năm, tuy có nguyên nhân khách quan song nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Hội đồng thành viên và trực tiếp là Ban Tổng giám đốc điều hành, đứng đầu là Tổng giám đốc Tập đoàn VNPT phải chịu trách nhiệm về những hạn chế yếu kém nêu trên.
Để vừa khắc phục những yếu kém và tồn tại, vừa đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh của VNPT ổn định và tiếp tục thực hiện kế hoạch 2013, cũng như yêu cầu trong việc xây dựng Đề án tái cơ cấu, tổ chức thực hiện đề án khi được phê duyệt, Ban cán sự đảng Bộ TT&TT nhận thấy việc lựa chọn Tổng giám đốc mới để điều hành hoạt động của VNPT lúc này là rất cần thiết. Tổng giám đốc mới cần có độ tuổi, năng lực phù hợp, có quyết tâm cao, có khả năng tổ chức điều hành sản xuất kinh doanh của Tập đoàn và tiếp nhận đầy đủ sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ TT&TT trong việc xây dựng Đề án Tái cơ cấu Tập đoàn VNPT theo đúng định hướng, đúng tiến độ.
Trên cơ sở đó, xét nhu cầu công tác, năng lực và phẩm chất cán bộ, Ban cán sự đảng Bộ TT&TT đã bỏ phiếu thông qua 100% nhất trí việc điều động ông Vũ Tuấn Hùng về Vụ Tổ chức cán bộ Bộ TT&TT chờ phân công công tác mới, đồng thời giao ông Trần Mạnh Hùng làm Tổng giám đốc Tập đoàn VNPT.
- Huy Phong
Quá trình công tác của tân Tổng giám đốc VNPT:
Họ tên: Trần Mạnh Hùng Năm sinh: 1959 Quê quán: Thị xã Sơn Tây – Hà Tây Ngày vào ngành Bưu điện: 01/12/1981 Quá trình công tác: Từ 01/10/1981 – 30/6/1984: Kỹ thuật viên Đài thông tin vệ tinh Hoa Sen1, Phủ Lý, Hà Nam. - Từ 01/7/1984 – 30/6/1986: Kỹ thuật viên Đài Viba VTS, Giảng Võ Hà Nội. - Từ 01/7/1986 – 30/8/1988: Kỹ thuật viên Viba-Đài Hoa Sen1. - Từ 01/9/1988 – 28/2/1990: Trạm trưởng Trạm vệ tinh Vista – hà Nội. - Từ 01/3/1990 – 30/6/1990: Phó đài thông tin vệ tinh Intelsat – Hà Nội. - Từ 01/7/1990 – 31/8/1990 Phó giám đốc Công ty Điện thoại quốc tế, Bưu Điện Hà Nội. - Từ 01/9/1990 – 31/10/1990: PGĐ Trung tâm Viễn thông quốc tế KV1 – VTI. - Từ 01/11/1990 – 28/2/1991: Trợ lý giám đốc Công ty viễn thông quốc tế (VTI). - Từ 01/03/1991 – 30/6/1995: Trưởng phòng kỹ thuật VTI. - Từ 01/7/1995 – 30/6/1996: Phó giám đốc VTI. - Từ 01/7/1996 – 31/8/1999: Trưởng Ban viễn thông VNPT. - Từ 01/9/199 – 28/2/2006: Phó tổng giám đốc VNPT. - Từ 01/3/2006 – 31/5/2006: UV HĐQT VNPT. - Từ 01/6/2006 – 31/12/2007: Phó TGĐ kiêm Giám đốc Bưu điện Hà Nội. - Từ 01/01/2008: UV HĐTV, giám đốc Viễn thông Hà Nội.. - Ủy viên thường vụ, Bí thư Đảng ủy Viễn thông Hà Nội |