Tháng 8 bỗng dưng trở thành một tháng buồn thảm với các công ty game Việt, đặc biệt là các nhân sự đang công tác trong ngành này.
Dẫu là một ngành phát triển bậc nhất trong nền công nghiệp internet ở nước ta và đang có dấu hiệu được “cởi trói” sau khi nghị định 72 của chính phủ về quản lý Internet được công bố, nhưng làng game không chỉ có màu hồng.
Theo một số nguồn tin riêng của chúng tôi, các công ty lớn trong ngành game là VTC Online, FPT Online và Net2E (trước là VDC-Net2E) đang có kế hoạch sắp xếp lại nhân sự theo hướng tinh giản bộ máy. Nhiều nhân viên tại các công ty này đang xôn xao về kế hoạch trên.
Thị trường game online Việt tuy đạt doanh số 210 triệu USD (theo Bộ Thông tin và Truyền thông) nhưng cạnh tranh trong nội bộ ngành này cũng rất khốc liệt. Không thể chịu được sự cạnh tranh này một số nhà phát hành đã phải ra đi, trong khi một số hãng khác thì lựa chọn thì phải cắt giảm nhân sự để đảm bảo an toàn cho hệ thống. Sự thu gọn hoạt động mấy năm gần đây của Asiasoft hay sự ra đi của FTC Online cũng đã điểm những nét tối cho làng game Việt.
Vì thế, cục diện làng game Việt những năm đầu với “tứ trụ” VNG, FPT, VTC, Asiasoft nay đã gần như thay đổi hoàn toàn khi chỉ còn VNG là giữ được phong độ của mình, còn các công ty khác đều gặp phải một số vấn đề khiến họ không còn giữ được sức mạnh như xưa. Bên cạnh đó, nhiều nhà phát hành nhỏ mọc lên và chiếm được một phần thị trường như Sgame, Sohagame đã khiến bức tranh thị trường thay đổi hẳn.
Với sự lên ngôi của thể loại webgame, các nhà phát hành nhỏ lẻ mọc lên như nấm sau mưa. Đầu tư vào một webgame không tốn nhiều chi phí bản quyền, vận hành và triển khai tiếp thị nhưng lợi nhuận thu về lại không hề nhỏ.
Cũng chính vì thế, rất nhiều các nhân sự “cứng” của các công ty game lớn đã tự đứng ra lập nên các nhà phát hành để thu lợi. Các công ty riêng này đã khiến các nhà phát hành lớn bị chảy máu chất xám. Nhiều công ty giải quyết vấn đề này bằng cách hút một lượng lớn nhân sự từ đối thủ. Vì thế, cứ vài tháng, làng game lại xôn xao khi có tin nhóm này hay nhóm kia "nhảy" từ công ty A sang công ty B. Những xáo trộn về nhân sự trên đã khiến nhiều nhà phát hành mất đi sức chiến đấu và cạnh tranh.
Đứng trước sự phân mảnh và cạnh tranh khốc liệt của thị trường, nhiều nhà phát hành lớn đã phải đối mặt với bài toán giữ được mức lợi nhuận. Vì thế, một số nhà phát hành đã lựa chọn việc cắt giảm nhân sự để giúp công ty có thể thoát khỏi tình trạng khó khăn.
Đợt cắt giảm nhân sự trong tháng 8 này của một số công ty game không phải là dấu hiệu cho thấy ngành game đi xuống, mà chỉ là điều chỉnh luồng nhân sự giữa các công ty. Trước sức phát triển nóng của ngành game online ở Việt Nam, nhu cầu tuyển dụng thêm nhân sự của các công ty game là rất cao và đó sẽ là lối ra cho những nhân sự không may mất việc trong giai đoạn này.
(Theo Trí thức trẻ)