Trong một cuộc phỏng vấn với BBC hôm qua, Mark Gillett - giám đốc quản lý bộ phận Skype của Microsoft đã lên tiếng xác nhận rằng công ty đang phát triển dịch vụ gọi video 3D. Tuy nhiên, Gillett cũng nhấn mạnh rằng sẽ mất thêm nhiều năm nữa trước khi công nghệ này được phát hành.

"Chúng tôi đã hoàn tất việc tìm kiếm giải pháp màn hình 3D và thiết bị thu hình 3D. Chúng tôi đã thấy nhiều cải tiến về màn hình và nhiều người dùng hiện nay bắt đầu mua TV và máy tính hỗ trợ công nghệ 3D. Tuy nhiên, các thiết bị thu hình 3D vẫn chưa có. Khi làm việc với loại công nghệ này, chúng tôi cần đến nhiều camera đặt trên máy tính và chúng phải được cân chỉnh theo đúng hướng, đúng góc độ. Chúng tôi đã tìm ra giải pháp trong phòng thí nghiệm và chúng tôi biết cách làm cho nó hoạt động. Bước tiếp theo, chúng tôi sẽ tìm kiếm hệ sinh thái của thiết bị và khả năng hỗ trợ công nghệ nhằm quyết định thời điểm đưa công nghệ ra thị trường."

{keywords}
Việc Skype hỗ trợ gọi video 3D sẽ tạo ra động lực
cho các nhà phát triển thiết bị trước tình hình công nghệ 3D
đang có chiều hướng đi xuống.

ESPN vừa qua đã công bố ngưng phát sóng kênh 3D và bản thân BBC cũng cho biết sẽ ngưng hoạt động thử nghiệm kênh truyền hình 3D kéo dài 2 năm vào tháng 11. Thêm vào đó, nhà bán lẻ John Lewis cho rằng người dùng đang bắt đầu thờ ơ với công nghệ 3D mặc dù 3D đã trở thành 1 tính năng tiêu chuẩn trên nhiều sản phẩm màn hình cao cấp.

Tuy nhiên, vẫn có những người đấu tranh cho tiêu chuẩn này. Điển hình như đạo diễn James Cameron. Với sự thành công của bộ phim Avatar phiên bản 3D, ông cho rằng 3D là "yếu tố tất yếu". Các nội dung giải trí cần phải được thể hiện dưới dạng 3D một khi kính 3D không còn cần thiết bởi "đó là cách chúng ta nhìn thấy thế giới," ông nói.

Gillett cũng đồng ý với quan điểm của Cameron, tuy nhiên ông nhấn mạnh công nghệ tán gẫu bằng hình ảnh 3D sẽ mất nhiều thời gian hơn để hiện thực hóa. Ông nói: "Rõ ràng chúng ta đang đến gần với thời đại của camera 3D và điện thoại 3D. Bạn sẽ thấy sự đổ bộ của 3D trên TV, máy tính và sau cùng là smartphone trước khi thấy chúng có thể thực hiện cuộc gọi 3D."

Trong buổi phỏng vấn, Gillett cũng cho biết Skype hiện đang tìm cách cung cấp dịch vụ hội thoại video phân giải 1080p trên nhiều thiết bị khác bên cạnh Xbox One. Do tiêu chuẩn phân giải này được hỗ trợ bởi vi xử lý nên máy tính bảng và laptop sẽ có trước smartphone.

Khi được hỏi về khả năng hỗ trợ Skype trên PlayStation 4, Gillett nói: "Chúng tôi đã làm việc với Sony trong một thời gian dài. Skype giờ đã được phát hành trên các máy chơi game cầm tay PlayStation bên cạnh các thiết bị nền tảng chéo khác và trong vài năm trước, chúng tôi cũng đã cung cấp một phiên bản Skype cho Sony TV. Chúng tôi hiển nhiên không tham gia vào giai đoạn phát triển phần cứng của PlayStation nhưng chúng tôi rất tập trung vào vấn đề nền tảng chéo."

Đồng thời, khi nhắc về mối quan hệ giữa Skype và Microsoft sau khi được gã khổng lồ phần mềm mua lại, Gillett cho biết sự hợp tác này đã mang lại nhiều lợi thế, chẳng hạn như việc tích hợp Skype và dịch vụ email Microsoft Outlook và hệ điều hành Windows 8.1 sắp ra mắt.

Tuy nhiên, Taavet Hinrikus, nhân viên đầu tiên của Skype kiêm cựu giám đốc marketing cho rằng: "Thật không may là Skype đã mất sự tập trung về sản phẩm và làm thỏa mãn người dùng. Thay vào đó, bộ phận Skype hiện đang bận rộn trong quá trình tái cơ cấu, mua và bán của Microsoft. Skype cần phải tự tái thiết nhằm cung cấp các công cụ giao tiếp tốt nhất và cạnh tranh mạnh mẽ đối với nền tảng di động. Ngày nay, những công ty như WhatsApp, Viber … là những người dẫn đầu trong thị trường truyền thông di động và đây là những đối thủ mà Skype phải vượt qua."

(Theo tinhte/BBC)