Tin tức nóng bỏng về việc Microsoft đồng ý mua lại mảng thiết bị và dịch vụ của Nokia đang lan nhanh trong giới công nghệ. Tuy nhiên, đi kèm với thông tin trên chính là tin đồn CEO Nokia Stephen Elop là một “điệp viên” được Microsoft cài vào nhằm thôn tính Nokia.

Không phải chỉ bây giờ, khi tin tức về thương vụ long trời lở đất này được đưa ra thì tin đồn kia mới vang lên. Mà ngay cách đây 2 năm, khi Nokia kiên quyết quay lưng lại với Android để đến với tiếng gọi của nền tảng Windows Phone của Microsoft, nó đã rộn ràng.

{keywords} 

Khi CEO Elop viết bức tâm thư gửi nhân viên Nokia với tựa đề “Nền tảng đang cháy” để khắc họa việc Nokia đang dùng hệ điều hành Symbian sẽ là việc đưa hãng tới con đường diệt vong. Ngay sau bức thư trên là quan hệ hợp tác cực kì thân thiết giữa Nokia và Microsoft được công bố. Nhưng ngay lúc ấy, Android là một kẻ thứ 3 đầy quyền uy đang thách thức iPhone của Apple và đang chèn ép Blackberry. Nhiều fan của Nokia lúc đó rất hi vọng hãng điện thoại Phần Lan sẽ quay sang Android với một hệ sinh thái khá phong phú lúc bấy giờ. Thay vì một Windows Phone 7 với một hệ sinh thái mới tinh tươm.

Lí do cho tin đồn ông Elop là “điệp viên” chính bởi ông là một lãnh đạo cao cấp trước đây của Microsoft. Trước khi nhận nhiệm vụ CEO của Nokia vào tháng 9/2010, ông Elop chính là Giám đốc mảng Kinh doanh của Microsoft, phụ trách Microsoft Office và Microsoft Dynamics. Ở vị trí này, ông là một trong những lãnh đạo cao tầng nhất của Microsoft, bởi mảng kinh doanh là một trong 4 bộ phận chính của Microsoft. Ngoài ra, mảng Kinh doanh chính là một “nồi cơm lớn” của Microsoft trong giai đoạn mà sức mua PC đi xuống, kèm với việc bản quyền Windows bán chậm hơn so với trước.

Ông Elop cũng phá vỡ một “truyền thống” ở Nokia, khi ông là CEO đầu tiên không phải là người Phần Lan.

Tuy nhiên, tin đồn chỉ trở nên thực sự nóng bỏng hơn khi mà Windows Phone 8 ra đời lại không hỗ trợ ngược cho các thiết bị chạy Windows Phone 7. Năm trước, khi Microsoft công bố Windows Phone 8 hãng đã tuyên bố sẽ không hỗ trợ các thiết bị WP 7, như Nokia Lumia 900, lên đời Windows Phone 8. Tin tức này xuất hiện gần như cùng lúc với tin đồn Microsoft mua lại Nokia, sau khi Google thâu tóm Motorola.

Ngay lập tức, hàng loạt blog công nghệ hay các trang công nghệ nước ngoài đã gán cho ông Elop danh hiệu điệp viên. Lí luận của họ đưa ra là ông Elop đã đưa công ty mình vào “bẫy” của Microsoft giăng sẵn. Theo thỏa thuận đối tác chiến lược, khi Nokia đồng ý sản xuất smartphone hệ điều hành Windows Phone, hãng cũng chấp nhận sẽ là nhà sản xuất độc quyền của Microsoft, và sẽ không có smartphone Nokia chạy Android. Ngay lập tức Nokia đã nỗ lực để ra mắt các sản phẩm chạy Windows Phone.

Khi Lumia 900 ra mắt, nó được coi như là lá bài hộ mệnh cho sự phục sinh của Nokia, trong một thế giới mà smartphone ngày càng chiếm lĩnh dòng feature phone mà Nokia đang làm bá chủ, Android và iOS chèn ép Symbian tới mức nghẹt thở.

Thế nhưng, chỉ vài tháng sau khi Lumia 900 ra đời, Microsoft đã gần như khai tử chiếc điện thoại vang danh một thời này, khi cho biết nó sẽ không thể nâng cấp lên Windows Phone 8. Người dùng Windows Phone ngay lập tức rúng động. Vì họ cho rằng, nếu thế thì rất có thể khi Nokia ra mắt Windows Phone 9, thì những thiết bị Nokia chạy Windows Phone 8 cũng sẽ không được nâng cấp.

Chính những lí luận đó đã khiến CEO Stephen Elop bị nghi ngờ. Nhiều người cho rằng, chiêu bài cấm nâng cấp của Microsoft là nhằm cho Nokia rơi sâu thêm vào suy thoái và trở nên rẻ mạt. Sau đó, hãng sẽ bỏ ra một số tiền ít hơn nhiều để mua lại Nokia.

Dù Microsoft đã cố gắng giải thích rằng thiết bị Windows Phone 7 không thể nâng cấp lênWindows Phone 8 là do thiết kế kĩ thuật của hệ điều hành, nhưng vẫn không thể dập tắt những tin đồn. Theo Microsoft, Windows Phone 7 được thiết kế cho thiết bị đơn nhân, trong khi Windows Phone 8 lại thiết kế cho thiết bị đa nhân.

Liên quan tới vấn đề này, CEO Nokia đã có một phát ngôn cực kì nổi tiếng “đa nhân chỉ tổ tốn pin và nóng máy". Trong hoàn cảnh lúc ấy tất cả các nhà sản xuất thiết bị Android đều đang hướng tới cuộc đua lõi kép, lõi tứ.

Và hiện tại, khi Microsoft mua lại mảng sản xuất điện thoại của Nokia cùng với các bằng sáng chế với giá trị chỉ hơn 7 tỉ USD, tin đồn CEO Elop là người Microsoft cài cắm vào Nokia càng trở nên bùng phát. Dù không có chứng cứ mạnh mẽ nào chứng minh cho vấn đề này, và ông Stephen Elop từng lên tiếng tại MWC 2011 rằng ông không phải điệp viên của Nokia (nguyên văn: Trojan horse) bởi những quyết định trên được đưa ra bởi hội đồng quản trị của Nokia. Nhưng những người ủng hộ giả thuyết trên vẫn kiên quyết với nhận định của mình.

Nếu tin đồn là sự thực hay là một phần sự thực, phải chăng Microsoft là một “con cáo già” trong làng công nghệ, khi đã được chiếm phần tiện nghi khi thâu tóm Nokia và những nhân sự cao cấp từ hãng này? Độc giả hẳn vẫn còn nhớ, gã khổng lồ dịch vụ Internet Google phải mua lại mảng thiết bị và bản quyền của Motorola với giá 12 tỉ USD, cao gần gấp đôi so với mức của Microsoft. Trong khi mà năng lực sản xuất của Nokia cao hơn nhiều so với Motorola, còn bằng sáng chế của Nokia cũng chất lượng không kém Motorola.

(Theo Tri Thức Trẻ)