Thông tin việc dùng chuột cống để nấu hủ tiếu gõ lan truyền chóng mặt trên nhiều trang mạng trong những ngày qua chỉ từ một bài viết bịa đặt đăng trên một website mạo danh.
Vài ngày qua, trên các trang mạng xuất hiện bài viết “Sự thật kinh hoàng về những xe hủ tiếu gõ”. Bài viết này đề cập việc người bán hủ tiếu gõ tại TP HCM lấy chuột cống để nấu nước lèo.
“Trộm” ảnh và thay đổi tung tích
Qua tìm hiểu của chúng tôi, thông tin “dùng chuột cống nấu hủ tiếu gõ” lan truyền những ngày qua xuất phát từ một bài viết đăng trên một trang web mạo danh lãnh đạo tại địa chỉ: www.nguyentandung.org. Tại trang này, lúc đầu, bài viết được ký tên tác giả là Đại Lâm như một phóng viên thực thụ đã chứng kiến vụ việc và đăng kèm hình ảnh để chứng minh. Tuy nhiên, sau đó, tác giả của bài viết lại ký là “bạn đọc” và hình ảnh đã sửa thành “minh họa”. Nguyên nhân là do trước đó, cộng đồng mạng đã chứng minh 2 hình ảnh trong bài viết này là “trộm” của 2 trang mạng khác (rfviet.com và sgtt.vn), không phải ảnh do tác giả đi thực tế chụp được. Sau đó, nội dung của báo viết nói trên cũng bị cho là bịa đặt.
Đến nay, bài viết “Sự thật kinh hoàng về những xe hủ tiếu gõ” vẫn tồn tại trên website mạo danh
Sau khi bài viết “Sự thật kinh hoàng về những xe hủ tiếu gõ” được lan truyền trên các trang mạng, nhiều người đã “tưởng thật” nên hết sức hoang mang. Từ đó, những người bán hủ tiếu gõ tại TP HCM bị thiệt hại nặng nề do khách hàng tẩy chay.
Một nhiếp ảnh gia lớn tuổi tại TP HCM, người có thâm niên thâm nhập giới buôn gánh bán bưng để chụp ảnh, cho biết thông tin việc dùng chuột cống nấu hủ tiếu gõ đã có từ cách đây 5-7 năm. Lúc đó, chỉ là thông tin “vỉa hè” của những người ngồi cà phê lề đường “tám chuyện” và cũng chưa có ai xác định đây là thông tin thật. Vì vậy, sau một thời gian ngắn, thông tin này tự mất đi.
Mối nguy từ những website giả mạo
Trước đây, vào tháng 6-2012, đã có nhiều bài viết khẳng định trang nguyentandung.org là một website mạo danh. Website này thường xuyên đăng tải những thông tin tổng hợp, hình ảnh lấy từ các trang mạng khác mà không xin phép, đồng thời có những bài viết thiếu kiểm chứng, thông tin không chính xác gây xôn xao dư luận. Hiện tại, website này được đăng ký tên miền, máy chủ tại Mỹ và hoàn toàn không phải là một báo điện tử hay trang thông tin tổng hợp được cấp phép tại Việt Nam. Giới quản trị mạng khẳng định đây là website giả mạo nên những thông tin đăng ở trang này là không thể kiếm chứng nội dung.
Ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm Đào tạo và An ninh mạng Athena, cho biết hiện nay trên một số website, blog giả mạo đều có nhúng virus. Vì vậy, khi vào các trang này, máy tính của người truy cập sẽ bị nhiễm virus và mất thông tin cá nhân… Những website, blog giả mạo có thể mang lại hiểm họa khôn lường cho người truy cập. Để thu hút người đọc, những trang này thường đăng những thông tin có tính chất xuyên tạc, bịa đặt. Từ đó, dư luận xã hội xôn xao, ảnh hưởng đến trật tự an ninh, nhất là trong tình hình mạng xã hội bùng nổ, lan truyền thông tin nhanh như hiện nay.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP HCM, cho biết việc cá nhân, tổ chức giả mạo các blog, website của cá nhân, tổ chức khác để đăng tải những thông tin sai sự thật là một hành vi vi phạm cả về mặt đạo đức lẫn pháp luật và hậu quả để lại là không hề đơn giản.
(Theo NLĐ)