Đức đang gây sức ép lên chính quyền Mỹ, đòi hỏi một sự giải thích thỏa đáng về việc Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) đã nghe lén điện thoại của Thủ tướng Đức Angela Merkel. Câu hỏi hiện được nhiều người quan tâm là làm thế nào NSA nghe lén được điện thoại của bà Merkel?

Theo bài điều tra mới đây của tạp chí nổi tiếng của Đức Der Spiegel, tài liệu mật của NSA mà họ có cho thấy số điện thoại của bà Merkel nằm trong một danh sách có từ năm 2002, tức trước khi bà trở thành thủ tướng Đức.

Còn theo tờ báo Bild của Đức đưa tin hôm qua (ngày 27/10), có dẫn lời nguồn tình báo Mỹ nói người đứng đầu NSA, Keith Alexander, đã trực tiếp nói chuyện với Tổng thống Barack Obama về việc nghe lén bà Merkel năm 2010 nhưng ông Obama vẫn làm ngơ để hoạt động này tiếp diễn. Số phone của bà vẫn trong danh sách nghe lén trong năm 2013.

Cho đến nay, theo nguyên tắc chung, người phát ngôn của Thủ tướng Đức từ chối tiết lộ thiết bị di động mà bà Merkel sử dụng. Mặc dù bức ảnh bà chụp với chiếc BlackBerry Z10 mới trở nên phổ biến trên báo chí kể từ khi scandal nghe lén điện thoại của bà bị phát hiện nhưng đây chỉ là bức ảnh bà chụp tại một sự kiện đặc biệt ở Hội chợ máy tính ở Hanover (Đức) hồi tháng 3/2013.

Tài liệu mật của NSA bị lộ không cho thấy việc theo dõi điện thoại của bà Merkel như thế nào và nhằm mục đích gì. Có khả năng là các cuộc điện đàm của bà Merkel đã bị thu âm lại hay chỉ đơn thuần là danh mục số điện thoại bị xâm phạm.

Nhưng tạp chí Der Spiegel cho rằng có một đơn vị có tên là Phòng Thu thập Đặc biệt đóng ở Sứ quán Mỹ ở Berlin có trách nhiệm giám sát các cuộc hội thoại ở trụ sở Chính phủ Đức.

Đại sứ quán Mỹ - Ổ tình báo bí mật ở Berlin

{keywords}

Tòa nhà sứ quán Mỹ tại Berlin bị cáo buộc là ổ gián điệp, nghe lén điện thoại di động của Thủ tướng Đức. Ảnh: Spiegel

Có nơi nào tốt hơn một đại sứ quán đặt tại  đường Pariser Platz ở Berlin? Nó chỉ cách tòa nhà Quốc hội Đức Reichstag có vài bước chân. Khi vị đại sứ Mỹ bước chân ra khỏi sứ quán, ông ấy nhìn trực tiếp ra cổng Brandenburg.

Khi Mỹ chuyển vào tòa nhà đại sứ quán khổng lồ này hồi năm 2008, họ đã tổ chức một bữa tiệc lớn. Hơn 4.500 khách được mời. Cựu tổng thống Mỹ George H. W. Bush cắt băng khánh thành. Thủ tướng Đức Angela Merkel có bài phát biểu chào mừng nồng ấm.

Kể từ đó, khi đại sứ Mỹ đón các vị khách cấp cao, họ thường đi dạo ở trên nóc sân thượng – vị trí tuyệt vời để ngắm cảnh Reichstag và công viên Tiergarten. Và thậm chí có thể nhìn lướt thấy dinh Thủ tướng.

Đây là trung tâm chính trị của CHLB Đức, nơi ngân sách hàng tỷ euro được thương thảo, luật pháp được hình thành và quyết định gửi lính tới các cuộc chiến. Đây cũng là nơi lý tưởng cho các nhà ngoại giao – và cả gián điệp.

Điều tra của các phóng viên Spiedel ở Berlin và Washington - qua các cuộc nói chuyện với các quan chức tình báo, đánh giá tài liệu nội bộ của NSA và các nguồn thông tin khác, chủ yếu từ tài liệu có được từ cựu nhân viên tình báo Mỹ đang cư trú tại Nga Edward Snowden - đã đưa tới một kết luận rằng: Phái đoàn ngoại giao của Mỹ ở Đức không chỉ đơn thuần thúc đẩy mối quan hệ Đức - Mỹ. Ngược lại, nó là một ổ gián điệp.

Từ mái nhà trong suốt bằng kính của đại sứ quán, một đơn vị đặc biệt của Cục tình báo liên bang Mỹ (CIA) và NSA rõ ràng có thể giám sát phần lớn các cuộc liên lạc di động trong khu vực chính phủ Đức đóng đô. Và có bằng chứng rằng các mật vụ Mỹ đóng tại đường Pariser Platz đã ngắm mục tiêu nhiều nhất vào chiếc di động mà bà Merkel sử dụng.

Theo Spiegel, khó có chủ đề nào nhạy cảm hơn đối với bà Merkel như việc theo dõi điện thoại di động của bà. Điện thoại di động là công cụ quyền lực của bà. Bà sử dụng nó không chỉ để lãnh đạo Đảng của bà - đảng cánh tả Liên minh dân chủ Thiên chúa giáo CDU – mà còn để thực hiện phần lớn các công việc quốc gia. Bà Merkel sử dụng điện thoại di động thường xuyên đến nỗi đã có cuộc tranh luận hồi đầu năm nay rằng liệu hoạt động nhắn tin của bà có nên được lưu trữ như một phần của hoạt động điều hành.

Do đó, scandal nghe lén của NSA đã đạt "đỉnh" mới, trở thành mối đe dọa nghiêm trọng cho mối quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương.

Đội dưới lốt nhà ngoại giao

Tài liệu phân loại tối mật của NSA từ năm 2010 cho thấy có một đơn vị tên là Phòng Thu thập Đặc biệt (SCS) hoạt động tại Berlin cùng với nhiều địa điểm khác. Đó là một đơn vị tập hợp những tinh tú trong ngành tình báo Mỹ hoạt động dưới sự chỉ đạo của NSA và CIA.

Danh sách bí mật tiết lộ các mật vụ của SCS hoạt động trên phạm vi toàn cầu, đặt ở 80 địa điểm, trong đó có 19 địa điểm ở châu Âu như Paris, Madrid, Rome, Prague và Geneva. SCS có hai cơ sở ở Đức, một ở Berlin và một ở trung tâm tài chính Frankfurt. Chỉ như vậy thôi đã là bất thường. Nhưng chưa hết, cả hai cơ sở này ở Đức được trang bị ở mức cao nhất cùng với đội ngũ nhân sự hoạt động.

Spiegel cho biết các nhóm SCS hoạt động chủ yếu dưới vỏ của Đại sứ quán và Lãnh sự quán Mỹ - nơi họ chính thức được công nhận là nhà ngoại giao và hưởng các quyền ưu tiên đặc biệt. Dưới lớp vỏ ngoại giao, các mật vụ có thể theo dõi và nghe lén mà không bị cản trở và không thể bị bắt quả tang.

Nghe lén từ đại sứ quán là bất hợp pháp ở hầu như mọi nước. Nhưng đó chính xác là nhiệm vụ của SCS, theo tài liệu bí mật mà Edward Snowden tiết lộ. Tài liệu này cho biết SCS vận hành các thiết bị nghe lén tinh vi của mình. Bằng các thiết bị này, họ có thể đột nhập vào hầu như mọi phương pháp liên lạc phổ biến: tín hiệu di động, các mạng không dây và liên lạc vệ tinh.

Thiết bị thiết yếu này thường được cài đặt ở các tầng trên hoặc ở trên nóc của các tòa nhà đại sứ quán Mỹ – nơi công nghệ được che giấu bởi nhiều màn hình hoặc cấu trúc kiểu Potemkin để bảo vệ nó khỏi những cặp mắt tò mò.

NSA dùng công nghệ nghe lén nào? Che giấu nó ra sao?

Đây rõ ràng cũng là trường hợp xảy ra ở Berlin. Phóng viên Spiegel đã đề nghị phóng viên điều tra người Anh là Duncan Campbell thẩm định việc sắp đặt ở tòa đại sứ Mỹ ở Berlin. Năm 1976, ông Campbell đã phát hiện ra sự tồn tại của cơ quan mật vụ Anh GCHQ. Trong báo cáo có tên "Echelon Report" của ông hồi năm 1999, ông đã mô tả cho Nghị viện châu Âu về sự tồn tại của mạng giám sát toàn cầu cùng tên.

Ông Campbell đề cập đến cửa sổ kiểu răng cưa trên mái nhà tòa đại sứ quán Mỹ. Chúng không được đánh verni bóng láng mà được dán gỗ ép với vật liệu "cách điện" và được sơn để hòa trộn vào với lớp nề vữa xung quanh. Vật liệu này có thể hấp thụ thậm chí cả sóng vô tuyến yếu. Công nghệ nghe lén được đặt phía sau các màn hình sóng vô tuyến có thể xuyên suốt. Ông Campbell cho rằng văn phòng của các mật vụ SCS rất có thể được đặt ở các gác cửa sổ tương tự.

Điều này cũng tương ứng với tài liệu nội bộ của NSA và phóng viên Spiegel nhìn thấy. Chẳng hạn, chúng cho thấy một văn phòng ở một đại sứ quán Mỹ - một phòng nhỏ không cửa sổ đầy những dây cáp và một máy trạm với "các rack xử lý tín hiệu" có chứa hàng tá pug-in để "phân tích tín hiệu".

Chuyên gia NSA James Bamford đã tới thăm văn phòng Spiegel ở Berlin, cũng đặt tại đường Pariser Platz và đối diện với sứ quán Mỹ. "Với tôi, có vẻ thiết bị nghe lén của NSA được giấu ở phía sau kia. Lớp vỏ bọc có vẻ được làm bằng chất liệu tương tự như NSA sử dụng để che giấu các hệ thống lớn hơn", ông Bamford nói.

Còn chuyên gia bảo mật Andy Müller Maguhn ở Berlin cho rằng vị trí của sứ quán Mỹ lý tưởng cho việc nghe lén di động ở quận chính phủ (nơi đóng trụ sở của các cơ quan chính phủ) ở Berlin. Đó có thể là giám sát kỹ thuật của các cuộc liên lạc giữa điện thoại di động và các trạm BTS không dây hoặc các đường liên kết vô tuyến kết nối trạm phát vô tuyến tới mạng lưới.

Theo Spiegel, rõ ràng các mật vụ SCS sử dụng công nghệ tương tự trên toàn thế giới. Họ có thể can thiệp vào sóng di động trong khi liên tục định vị được người họ quan tâm. Có một hệ thống ăng-ten mà SCS sử dụng được đặt mã là "Einstein".

SCS rất cẩn thận che giấu công nghệ của họ, đặc biệt là các ăng-ten lớn trên mái của các đại sứ quán và lãnh sự quán. Nếu thiết bị bị phát hiện, theo tài liệu tối mật của NSA bị lộ, nó sẽ gây tổn hại nghiêm trọng cho mối quan hệ giữa Mỹ và các quốc gia.

Theo tài liệu này, các đơn vị SCS cũng có thể can thiệp vào các tín hiệu vi sóng (microwave) và sóng mm (millimeter-wave). Một số chương trình, như chương trình "Birdwatcher", chủ yếu đối phó với giải mã các cuộc liên lạc ở nước ngoài và tìm kiếm các điểm truy cập tiềm năng. Birdwatcher được SCS kiểm soát trực tiếp từ trụ sở SCS  Maryland (Mỹ).

Với tầm quan trọng ngày càng lớn của Internet, công việc của SCS đã thay đổi. Một số trong số 80 chi nhánh của SCS đã cung cấp "hàng ngàn cơ hội trên mạng" cho các hoạt động trên nền web. Tổ chức này nay có thể không chỉ can thiệp vào các cuộc gọi di động và liên lạc vệ tinh mà còn tiến hành chống tội phạm hoặc tin tặc. Từ một số sứ quán, người Mỹ đã nhập lậu các bộ cảm biến trong các thiết bị thông tin liên lạc của nước sở tại rồi kích hoạt theo các điều khoản được họ lựa chọn.

Có những dấu hiệu mạnh mẽ cho thấy SCS đã nhắm vào điện thoại di động của Thủ tướng Angela Merkel. Tài liệu mật bị lộ của NSA có chứa số điện thoại của bà Merkel. Đây là số điện thoại bà sử dụng chủ yếu để liên lạc (phần lớn là nhắn tin) với các thành viên đảng CDU, các Bộ trưởng và bạn tri kỷ. Số điện thoại này, theo ngôn ngữ của NSA, là một số "Selector Value" (Người được lựa chọn có giá trị).

Tài liệu của NSA cho thấy NSA có lẽ đã nhắm mục tiêu là điện thoại di động của bà Merkel trong hơn một thập kỷ qua, từ khi bà chưa đảm nhiệm vị trí Thủ tướng Đức. Tuy nhiên, tài liệu không nói rõ dạng theo dõi nào đã được thực hiện. Liệu tất cả cuộc hội thoại của bà đã bị ghi âm hay NSA chỉ thu thập việc kết nối dữ liệu? Có phải mọi động thái của bà cũng đã bị ghi lại?

Hơn ai hết, bà Merkel muốn biết rõ những câu trả lời này từ Tổng thống Obama. Cho dù kết quả khó có thể được công bố công khai nhưng qua vụ việc này có thể thấy, các quốc gia đều nên lo lắng trước hành vi nghe lén của Mỹ.

Theo Vnreview