- Quan điểm của Bộ Thông tin & Truyền thông là mạng 3G vẫn chưa được khai thác hết công suất, do đó việc đẩy sớm thời gian cấp phép 4G là không cần thiết.

{keywords}

Phát biểu tại Hội nghị Giao ban Quản lý Nhà nước Tháng 11/2013 (sáng 5/12), Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son khẳng định tiến độ triển khai 4G tại Việt Nam cần tuân theo đúng Nghị định 32, tức là sớm nhất cũng phải đợi đến năm 2015 và cấp phép theo hình thức đầu giá băng tần giống như với trường hợp 3G trước đây. Điều này cũng có nghĩa là Bộ TT&TT sẽ không cấp phép thẳng mà chỉ cấp giấy thử nghiệm công nghệ cho những nhà mạng quan tâm, nói chính xác là "tiền 4G".

Quan điểm này được đưa ra sau khi đại diện của Cục Viễn thông đề xuất lãnh đạo Bộ xem xét việc ngồi lại cùng các doanh nghiệp viễn thông, đánh giá xem có cần đẩy sớm việc triển khai 4G hay không. Theo Cục thì hiện tại, năng lực, công nghệ và tài chính của các doanh nghiệp đã tương đối sẵn sàng, hoàn toàn có thể triển khai 4G ngay mà không cần phải đợi thêm 2 năm nữa.

Mặc dù vậy, Bộ trưởng Son cho rằng công suất của mạng 3G vẫn chưa được các nhà mạng trong nước khai thác hết, nên đẩy sớm 4G là không cần thiết, thậm chí có thể gây lãng phí. Chẳng hạn như tại Nga mới chỉ có khoảng 2 triệu thuê bao 4G trên tổng dân số 142 triệu người, tức là tương đương với mật độ 0,14% dân số.

"Mật độ thấp như vậy thì chưa đủ để triển khai. Công nghệ còn chưa hoàn chỉnh do quá mới, giá thành lại cao", Bộ trưởng phân tích. Trên thế giới, chỉ khi nào mật độ phủ sóng của công nghệ đạt trên 9% thì lúc đó thị trường mới đi vào ổn định và giá thành cũng đi vào quỹ đạo hợp lý, dễ tiếp cận với số đông người dùng.

Tháng 5 vừa qua, Viettel là nhà mạng trong nước đầu tiên triển khai thử nghiệm công nghệ 4G, đồng thời thông báo sẽ sớm cung cấp các dịch vụ thử nghiệm cho khách hàng tại Hà Nội và TP.HCM trong tương lai gần. Ngoài Viettel thì Bộ TT&TT cũng đã cấp giấy phép thử nghiệm từ cuối năm 2010 cho 4 DN khác là VNPT, CMC, FPT và VTC.

Ngay tại thời điểm tháng 5, Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng cũng đã khẳng định nhà mạng cần có thời gian khai thác thêm 3G để bù đắp hiệu quả đầu tư hạ tầng, bởi để hòa vốn và bắt đầu có lãi từ 3G, các DN cần tối thiểu 7 năm triển khai. Trong khi đó, 3G mới chỉ được triển khai đại trà tại Việt Nam 3 năm. Chính vì vậy mà Quy hoạch phát triển viễn thông quốc gia cũng nêu rõ đến sau 2015, Chính phủ mới xem xét triển khai cấp phép 4G.

"Nếu triển khai 4G lúc này thì các nhà mạng phải bỏ ra không dưới 1 tỷ USD để xây dựng hệ thống. Người dân cũng phải bỏ ra từng ấy để sắm thiết bị đầu cuối hỗ trợ 4G. Rõ ràng như vậy thì không hiệu quả về mặt kinh tế", Thứ trưởng chia sẻ.

Trọng Cầm