Công tác thanh tra diện rộng quản lý thuê bao di động trả trước của Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện trong năm 2013 cho thấy, công tác quản lý cũng như độ chính xác của thông tin thuê bao di động trả trước của các nhà mạng tới thời điểm này vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế…
Theo báo cáo được Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông đưa ra sáng nay, 24/12, đợt thanh tra quản lý thuê bao di động trả trước trên diện rộng đã kịp thời chấn chỉnh các vi phạm trong hoạt động cung cấp dịch vụ thuê bao di động trả trước, qua đó các doanh nghiệp cũng đã ý thức được trách nhiệm của mình đối với người dân, xã hội trong quá trình hoạt động, đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của các sở Thông tin và Truyền thông tại các địa phương trong lĩnh vực này.
Hình minh họa |
Đợt thanh tra diện rộng đã được phổ biến, tuyên truyền trên báo chí, đài phát thanh, truyền hình trung ương và địa phương, nâng cao được nhận thức của người sử dụng, chủ điểm đăng ký thông tin thuê bao.
Lỗi vi phạm còn nhiều…
Tuy nhiên, cũng qua thanh tra, cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều vi phạm trong quản lý trả trước. Tổng số tiền xử phạt của đợt thanh tra diện rộng quản lý thuê bao di động trả trước trong năm 2013 lên tới gần 2 tỷ đồng. Đã có 34.667 sim thuê bao di động trả trước bị tịch thu.
Hầu như doanh nghiệp di động nào cũng còn tình trạng thông tin đăng ký thuê bao chưa chính xác. Các vi phạm chung của các nhà mạng có thể liệt kê ra như: Thông tin thuê bao không có ảnh chứng minh nhân dân, hộ chiếu; còn chấp nhận những chứng minh nhân dân đã hết hạn hoặc chỉ photo một mặt; ảnh lưu giữ trên hệ thống không phải ảnh chứng minh; chỉnh sửa ảnh chứng minh nhân dân bằng photoshop, thậm chí chỉnh sửa cả số chứng minh nhân dân...
Chẳng hạn, mạng di động Viettel còn chấp nhận giấy tờ không phải chứng minh nhân dân, chứng minh nhân dân đã hết hạn để đăng ký thông tin thuê bao di động trả trước. Nhiều số thuê bao họ tên không có thực nhưng vẫn được cung cấp dịch vụ như “Khong Chinh Chu”, “A B C”…
Kiểm tra thuê bao trả trước của Viettel, cơ quan chức năng còn phát hiện ảnh chứng minh nhân dân lưu trên hệ thống của rất nhiều thuê bao di động trả trước có tình trạng ảnh chứng minh nhân dân là ảnh diễn viên nghe điện thoại, người uống bia, ảnh em bé, ảnh cửa hàng điện thoại, phong cảnh, tờ giấy trắng…
Gói cước quốc phòng chỉ nhân viên Viettel có quyền khởi tạo, ở thời điểm thanh tra, số lượng thuê bao của gói cước này trong hệ thống chỉ còn hơn 900. Tuy nhiên, qua kiểm tra dữ liệu cơ quan chức năng đã phát hiện, nhiều thuê bao có thông tin chủ thuê bao không chính xác, sử dụng chứng minh nhân dân của người khác để đăng ký thông tin.
Còn hai doanh nghiệp di động Hanoi Telecom và Gtel thì chung một số lỗi như nạp sẵn tiền vào tài khoản SIM chưa đăng ký thông tin, các thuê bao đã đăng ký thông tin nhưng sau 72 giờ nếu không kích hoạt sử dụng vẫn không bị hủy…
Khó khăn, hạn chế cần khắc phục
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, đợt thanh tra diện rộng này cũng đã cho thấy những khó khăn, tồn tại cần được khắc phục. Theo ông Đỗ Hữu Trí, Phó Chánh thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông, một trong những khó khăn trong quá trình kiểm tra đó là không có phần mềm có khả năng kiểm tra một cách tự động nhằm đối chiếu thông tin thuê bao trong cơ sở dữ liệu với file ảnh chứng minh nhân dân, việc kiểm tra đều được thực hiện hoàn toàn bằng thủ công, do vậy ngay cả đối với thuê bao có thông tin hợp lý cũng chưa thể khẳng định về tính chính xác nếu không trực tiếp xem file ảnh. Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị Bộ Công an khẩn trương xây dựng cơ sở dữ liệu điện tử về chứng minh thư nhân dân thống nhất trong cả nước.
Qua kiểm tra cũng thấy xuất hiện những kẽ hở như chưa có quy định các chủ điểm đăng ký thông tin thuê bao phải bảo quản, lưu trữ, đảm bảo bí mật các bản sao hoặc quét chứng minh nhân dân, hộ chiếu, dễ dẫn đến tình trạng copy, sao chép, mua bán và sử dụng thông tin cá nhân của người sử dụng để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật…
Đưa ra khá nhiều kiến nghị Bộ Thông tin và Truyền thông xem xét, trong báo cáo tổng kết thanh tra diện rộng quản ký thuê bao di động trả trước, Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông đã đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông xem xét chỉ đạo xây dựng và ban hành Thông tư mới thay thế Thông tư 14/2012/TT-BTTTT cho phù hợp hơn.
Tịch thu gần 35.000 sim thuê bao di động trả trước vi phạm Theo ông Đỗ Hữu Trí, Phó Chánh Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, hiện nước ta có 6 doanh ngiệp được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép cung cấp dịch vụ điện thoại di động. Việc xóa bỏ độc quyền, mở cửa thị trường đã đặt ra thách thức lớn với các doanh nghiệp di động trong việc nâng cao khả năng cạnh tranh nhằm thu hút người sử dụng. Tuy nhiên, nhiều cá nhân, tổ chức đã sử dụng SIM trả trước để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật như đe dọa, quấy rối, lừa đảo, trộm cắp, chiếm đoạt tài sản, phát tán tin nhắn rác…gây thiệt hại về kinh tế cho người sử dụng, đồng thời làm mất trật tự, an toàn xã hội. Trước thực trạng trên, Bộ đã chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố đồng loạt triển khai thanh tra diện rộng về quản lý, đăng ký thông tin thuê bao di động trả trước trên phạm vi toàn quốc, từ ngày 15/5 đến 30/8/2013. Trong đó, Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông tiến hành thanh tra tại 3 doanh nghiệp VinaPhone, MobiFone và Viettel. 61 sở Thông tin và Truyền thông đã triển khai thanh tra các Trung tâm, Chi nhánh của doanh nghiệp và 29.377 điểm đăng ký thông tin, đại lý trên tổng số 48.420 điểm giao dịch trên toàn quốc; Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội thanh tra tại 2 doanh nghiệp G-Mobile và Vietnamobile. Tổng số tiền xử phạt của đợt thanh tra diện rộng này là gần 2 tỷ đồng, tịch thu tổng số 34.667 sim thuê bao di động trả trước. |
(Theo VnMedia/CAND Online)