- Các cuộc tấn công từ chối dịch vụ đang có xu hướng tăng nhanh tại Việt Nam cũng như trên thế giới trong vài năm trở lại đây, và năm 2014 cũng không phải ngoại lệ.

{keywords}
Không thể loại trừ nguy cơ tấn công DDoS trong năm 2014.

Chia sẻ với phóng viên VietNamNet bên lề Hội nghị Tổng kết 2013 của Bộ Thông tin & Truyền thông sáng 26/12, ông Vũ Quốc Khánh, Giám đốc VNCERT cho biết DDoS là một loại hình tấn công đặc biệt phổ biến hiện nay. Hồi đầu năm 2013, khá nhiều tờ báo điện tử lớn của Việt Nam như VietNamNet, Tuổi trẻ, Dân trí đã bị tấn công từ chối dịch vụ quy mô lớn và nguy cơ DDoS tái diễn trong năm 2014 là "không thể loại trừ".

Hiện tại, mạng lưới điều phối sự cố máy tính khẩn cấp của Việt Nam đã liên kết được hơn 100 đơn vị thành viên, bao gồm các doanh nghiệp, ISP cũng như các đơn vị quản lý, thường xuyên chia sẻ thông tin, diễn tập phòng chống các mạng máy tính ma (botnet) cũng như tấn công DDoS. Đây là một cơ sở quan trọng để Việt Nam có thể phát hiện sớm dấu hiệu của các vụ tấn công. Ngoài ra, VNCERT cũng sẽ phối hợp cùng các Trung tâm ứng cứu sự cố khẩn cấp quốc gia của các nước khác để chống lại những vụ tấn công xuyên biên giới, đa quốc gia.

Tin nhắn rác giảm

Mặc dù vậy thì tin nhắn rác và thư rác sẽ vẫn còn là một tồn tại bởi SIM rác trả trước vẫn đang lưu hành trên thị trường. Trọng tâm của Bộ TT&TT trong năm 2014 sẽ là tăng cường hơn nữa việc quản lý thuê bao trả trước và SIM rác, xử phạt nặng tay những doanh nghiệp vi phạm quảng cáo rác, đăng ký thông tin sai dưới mọi hình thức.

Trước đó, Thanh tra Bộ TT&TT cho biết năm 2013 đã tiến hành xử phạt trên 336 triệu đồng đối với các cá nhân, doanh nghiệp vi phạm về khuyến mãi, giảm giá cước, cung cấp SIM điện thoại di động vào mục đích trộm cước viễn thông. Lực lượng chức năng cũng đã thanh tra, kiểm tra 41 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung phát tán tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo người dùng tải các phần mềm, trò chơi khiêu dâm. Bộ TT&TT đã ra quyết định thu hồi với tổng số tiền lên tới 3,7 tỷ đồng và 22 đầu số vi phạm. Đợt kiểm tra diện rộng thuê bao trả trước hồi giữa năm qua, Thanh tra Bộ đã xử phạt gần 30.000 trên tổng số 48.400 điểm đăng ký thông tin, với tổng số tiền xử phạt trên 1,6 tỷ đồng, tịch thu gần 19.000 SIM trả trước.

Tin nhắn rác qua OTT vẫn bỏ ngỏ?

Thời gian gần đây, cùng với sự nở rộ của các dịch vụ nội dung trên nền mạng 3G như Viber, Whatsapp, Line, KakaoTalk, một biến tướng của tin nhắn rác là các tin nhắn OTT quảng cáo cũng xuất hiện ngày một nhiều. Do đặc trưng của dịch vụ OTT luôn yêu cầu người dùng phải cung cấp hoặc cho dịch vụ tiếp cận với thông tin cá nhân trong máy, việc số điện thoại của họ trở thành mục tiêu "dội bom" tin nhắn rác cũng là chuyện tất yếu.

Mặc dù vậy, đại diện của VNCERT chia sẻ rằng phản ánh của người dùng về tin nhắn OTT rác chưa nhiều nên cơ quan này chưa xây dựng các biện pháp kỹ thuật để đối phó. Tuy nhiên, mỗi một công nghệ, dịch vụ mới ra đời đều kéo theo những nguy cơ mới, những hệ lụy mới mà tin tặc có thể lợi dụng vào những mục đích xấu. Do đó, VNERT đề nghị người dùng nhận diện những nguy cơ này và phản ánh về cho cơ quan quản lý, mà trực tiếp là VNCERT để Bộ TT&TT có thể nhanh chóng đưa ra các đối sách phù hợp.

Cụ thể, người dùng khi nhận được tin nhắn quảng cáo qua các ứng dụng OTT có thể chuyển tiếp tới đầu số 456 hoặc email trực tiếp cho VNCERT.

Đánh giá về khả năng ngăn chặn hoàn toàn vấn nạn tin rác qua OTT, đại diện VNCERT cho rằng mọi dịch vụ đều có thể quản lý được, song cơ quan quản lý cần cân nhắc những ích lợi mà dịch vụ đó mang lại cho người dùng bên cạnh những nguy cơ tiềm ẩn, từ đó đưa ra được giải pháp dung hòa. Đồng thời, việc tham khảo thêm kinh nghiệm quốc tế cũng là cần thiết.

  • Trọng Cầm