- "Tái cơ cấu Tập đoàn VNPT không phải là chuyện riêng của Tập đoàn cũng như của Bộ TT&TT mà phải đảm bảo phục vụ lợi ích cả thị trường, giúp thị trường phát triển mạnh hơn."
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Lê Văn |
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Triển khai Kế hoạch năm 2014 của Bộ TT&TT chiều 26/12, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh tái cơ cấu VNPT là một nhiệm vụ hết sức quan trọng của ngành CNTT tại thời điểm này, bởi VNPT là một Tập đoàn lớn, thuộc loại trụ cột của nền kinh tế. Việc tái cơ cấu, do đó, phải giúp bản thân VNPT có động lực để mạnh hơn, hoạt động hiệu quả hơn.
Trước đó, ông Trần Mạnh Hùng, Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT cho biết năm 2013, tổng doanh thu của VNPT đạt 119.000 tỷ đồng, lợi nhuận đạt gần 9300 tỷ đồng, tăng 4000 tỷ đồng so với năm 2012. Doanh thu từ di động vẫn tăng trưởng bất chấp kinh tế khó khăn, cụ thể VinaPhone tăng trưởng 8% còn MobiFone tăng nhẹ, không đáng kể. Lý giải cho việc lợi nhuận tăng đột biến, ông Hùng cho biết 1500 tỷ có được nhờ điều chỉnh của Kiểm toán Nhà nước đối với cơ chế hạch toán doanh thu giữa các đơn vị trong Tập đoàn, 1000 tỷ đến từ tiết kiệm, cắt giảm chi phí và 1500 tỷ đồng nhờ phát triển các dịch vụ di động, băng rộng.
Dự báo cho năm 2014, ông Hùng khẳng định VNPT sẽ bám sát các xu hướng thị trường và công nghệ mới, thực hiện tái cơ cấu theo đề án được Chính phủ phê duyệt, cố gắng quay vòng vốn nhanh, tiết kiệm chi phí để đảm bảo doanh thu tăng khoảng 10%, lợi nhuận tăng từ 7-14% so với năm 2013.
Cũng tại hội nghị, đại diện Tập đoàn Viettel cũng đã công bố các kết quả kinh doanh trong năm qua, với doanh thu đạt 163.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 26.400 tỷ đồng, tăng 25,2% so với năm 2012. Riêng doanh thu từ hoạt động đầu tư ra nước ngoài của Viettel đã đạt 1 tỷ USD, lợi nhuận cũng đạt 150 triệu USD. Hiện Viettel đang đầu tư tại 9 nước với dân số khoảng 170 triệu người, gần gấp đôi dân số Việt Nam.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Tổng Giám đốc Viettel thừa nhận rằng, năm 2013 là năm thứ ba liên tiếp mà tốc độ tăng trưởng của Viettel chậm lại, chỉ còn khoảng 15%, chậm hơn từ 2-3 lần so với những năm đỉnh cao. Nhiều lý do đã được chỉ ra như ảnh hưởng của suy thoái toàn cầu, sự bão hòa của thị trường di động, đà đi xuống của cố định và các dịch vụ OTT đã làm xói mòn doanh thu viễn thông. Điều kiện khó khăn này yêu cầu doanh nghiệp viễn thông như Viettel phải từ bỏ các lợi thế, dịch vụ truyền thống như thoại, tin nhắn để chuyển sang các lĩnh vực mới, tìm kiếm các dịch vụ và lợi thế mới.
Cụ thể, ông Hùng cho biết Viettel sẽ dịch chuyển dần từ 2G sang các dịch vụ 3G, từ cố định sang mạng băng rộng, từ thoại đơn thuần sang các dịch vụ dữ liệu, các dịch vụ công nghệ thông tin, tiến tới thoại chỉ còn chiếm dưới 40% tổng doanh thu. Đồng thời, Viettel cũng sẽ phát triển từ một công ty trong nước thành Tập đoàn đa quốc gia, phấn đấu đến năm 2030 doanh thu từ nước ngoài cao hơn thị trường trong nước. Dự báo số lượng thuê bao 3G của Viettel trong năm 2014 có thể tăng gấp đôi hiện nay, đạt khoảng 6 triệu người.
Trọng Cầm