- Ông Vũ Văn Tỵ, cố vấn Hiệp hội Tem Việt Nam cho biết ngành Thông tin truyền thông đã có kế hoạch phát hành bộ tem kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh từ đầu năm 2013, nhằm mục đích tôn vinh công lao to lớn của một nhân vật kiệt xuất trên nhiều lĩnh vực trong lịch sử dân tộc.
Theo dự định ban đầu, Bộ tem sẽ phát hành vào đúng dịp kỷ niệm ngày sinh Đại tướng (1/1/2014), tuy nhiên ngành Bưu chính cũng như địa phương và gia đình đều có nguyện vọng phát hành bộ tem từ ngày 31/12/2013. Đây được coi là một bộ tem mang nhiều ý nghĩa, không chỉ tôn vinh một danh nhân tầm cỡ, có công lớn với dân tộc mà còn nhằm giáo dục thế hệ trẻ về tinh thần yêu nước, tinh thần cách mạng, đồng thời giới thiệu với bạn bè thế giới về hình ảnh của một vị đại tướng tài ba của dân tộc Việt Nam.
Ông Vũ Văn Tỵ, cố vấn Hiệp hội Tem Việt Nam. |
Chia sẻ thêm với VietNamNet, ông Tỵ cho biết trong số những danh tướng có công lao lớn đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc thì đại tướng Nguyễn Chí Thanh là người đã có đóng góp lớn cả trong thời kỳ chống Pháp lẫn chống Mỹ. Người đã dành trọn tâm huyết, tài năng của mình cho mặt trận quân sự, mặt khác, người còn là một nhà chiến lược, một nhà lý luận và đặc biệt, rất gắn bó với người nông dân trên mặt trận sản xuất nông nghiệp trong những thời điểm vô cùng khó khăn.
Có thể nói, những nhiệm vụ mà Đại tướng được Bác Hồ và Bộ chính trị giao phó trong thời điểm khó khăn nhất đều hoàn thành, vì thế, mọi người còn gọi Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là Đại tướng của nhân dân, Đại tướng của ngành Nông nghiệp.
Tầm nhìn chiến lược của Đại tướng được thể hiện qua những câu nói mang tính chất đường lối chính trị rõ nét, định hướng cho từng thời điểm của cuộc kháng chiến, như trong sự nghiệp chống Mỹ, Đại tướng đã đặt ra vấn đề "nắm lấy thắt lưng địch mà đánh", tức là tìm Mỹ mà đánh, tìm Ngụy mà diệt. Đó không chỉ là một tuyên ngôn mà còn là hành động, là sự quyết tâm, chỉ đạo đối với quân và dân ta trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước.
Do đóng góp đa dạng như vậy của Đại tướng nên có nhiều phác thảo đã được xem xét tới trong quá trình thiết kế Bộ tem. Ông Tỵ cho biết có những họa sĩ vẽ chân dung đại tướng mặc sắc phục quân đội, thể hiện được bản lĩnh mạnh mẽ của người, nhưng cũng có họa sĩ thể hiện chân dung đại tướng không đội mũ và mặc trang phục quân đội mà lại mặc sắc phục gắn với nông nghiệp.
Tuy nhiên cuối cùng thì Hội đồng tư vấn Quốc gia về tem bưu chính, cũng như gia đình Đại tướng đều nhất trí lựa chọn mẫu phác thảo dựa trên bức ảnh đang được đặt tại nơi làm việc của Đại tướng của Họa sĩ Tô Minh Trang (Tổng công ty Bưu điện Việt Nam), theo đó Người mặc lễ phục quân đội trang trọng với nền phía sau là lá cờ quyết thắng của quân đội nhân dân Việt Nam.
Trước đó, ngày 31/12, Bộ tem đã được chính thức phát hành tại tỉnh Thừa Thiên - Huế theo nghi thức phát hành đặc biệt. Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son nhấn mạnh rằng Đại tướng là một nhà lãnh đạo kiệt xuất, trung kiên, mẫu mực của Đảng, vị tướng đức tài vẹn toàn của Quân đội nhân dân Việt Nam, là tấm gương sáng về lòng trung thành vô hạn với Đảng, Tổ quốc và nhân dân. Trên mọi cương vị, Đại tướng luôn đặt lợi ích của cách mạng, dân tộc lên trên hết, đem hết tài năng, trí tuệ để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, tận tâm, tận lực cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng.
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tên thật là Nguyễn Vịnh, sinh ngày 01/01/1914, quê làng Niêm Phò, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên. Tháng 7/1937, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Năm 1938, đồng chí được cử làm Bí thư tỉnh ủy Thừa Thiên. Từ năm 1938 đến năm 1943, đồng chí bị thực dân Pháp bắt ba lần, bị kết án và giam cầm tại các nhà lao Thừa Phủ (Huế), Lao Bảo, Buôn Ma Thuột . Sau khi ra tù và trở lại hoạt động, đồng chí được bầu làm Bí thư Khu ủy khu IV và được cử đi dự Quốc dân Đại hội ở Tân Trào (8/1945). Trong Đại hội Đảng ở Tân Trào, đồng chí được đặt bí danh là Nguyễn Chí Thanh, được bầu vào Ban chấp hành Trung ương Đảng và được chỉ định làm Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ có nhiệm vụ theo dõi và tổ chức giành chính quyền tại Trung Kỳ trong Cách mạng tháng 8. Từ năm 1948 đến 1950, đồng chí được giao nhiệm vụ Bí thư Liên khu ủy IV. Cuối năm 1950, đồng chí giữ chức vụ Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II (1951), đồng chí là ủy viên Bộ Chính trị. Năm 1959, đồng chí được phong quân hàm Đại tướng. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng (1960), đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương, được cử vào Bộ chính trị và Ban Bí thư. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, BCH TW Đảng điều đồng chí trở lại quân đội. Từ năm 1965 đến năm 1967, đồng chí được phân công vào Nam, giữ chức Bí thư Trung ương Cục miền Nam, kiêm Chính ủy Quân Giải phóng miền Nam. Thời gian này đồng chí có bí danh là Sáu Vi. Khi viết báo, đồng chí thường lấy bút danh là Trường Sơn. Ông mất ngày 06/7/1967 tại Hà Nội do một cơn nhồi máu cơ tim khi ra Hà Nội để báo cáo với Bác Hồ về tình hình miền Nam. Do công lao và những cống hiến xuất sắc, đồng chí được Nhà nước tặng thưởng: Huân chương Sao vàng (truy tặng), Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Quân công hạng Nhất, Huân chương Chiến thắng hạng Nhất và nhiều huân, huy chương khác. |
Trọng Cầm