- Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Nguyễn Bắc Son khẳng định, xuất bản điện tử là xu hướng tất yếu hiện nay mà các nhà xuất bản VN cần hướng đến.

Trong buổi làm việc đầu xuân Giáp Ngọ với NXB Kim Đồng chiều 23/1, Bộ trưởng Son chia sẻ rằng trong giai đoạn chuyển giao công nghệ mạnh mẽ hiện nay, rất nhiều lĩnh vực văn hóa - xã hội đã ứng dụng CNTT một cách tích cực. Báo điện tử đã dần lần át và thay thế báo in và kịch bản này cũng sắp lặp lại với lĩnh vực xuất bản, in ấn. Đây là một sự phát triển tất yếu của các loại hình và có nhiều ưu điểm như giúp nhà xuất bản loại bỏ được khâu in ấn (từ nội dung có thể phát hành ngay), lưu trữ dễ dàng, tiết kiệm chi phí....

{keywords}

Do đó, nhiệm vụ của các nhà xuất bản là bên cạnh việc duy trì những mảng sách truyền thống, họ cũng cần xây dựng lộ trình chuyển dần sang mô hình sách điện tử. Một số nhà xuất bản như NXB Trẻ thậm chí đã bắt đầu có lãi từ sách điện tử.

"Đề nghị NXB Kim Đồng, cũng như các NXB khác đẩy nhanh tiến trình này, bởi nạn chơi game suốt ngày đang phổ biến ở một bộ phận thanh thiếu niên. Chúng ta rất cần sách truyện lành mạnh để thay thế trò chơi điện tử", Bộ trưởng chỉ đạo.

Đồng cảm với tình cảnh khó khăn hiện nay của ngành xuất bản do doanh thu giảm, sách điện tử phát triển, vấn nạn in lậu phổ biến, nhưng Bộ trưởng mong rằng các nhà xuất bản vẫn đảm bảo được chất lượng nội dung ấn phẩm, tăng cường những chùm sách giàu ý nghĩa như tủ sách biển đảo, tủ sách lịch sử Việt Nam.. để "nâng cao nhận thức cho thế hệ trẻ, giáo dục tinh thần tự giác, đặt nền móng cho nhận thức của thanh thiếu niên trong việc phân biệt đúng - sai, thiện - ác".

{keywords}

Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son trao quà lưu niệm cho bà Hà Thị Việt Châu, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty In và Văn hóa phẩm. Ảnh: Mạnh Thắng.

Cùng ngày, Bộ trưởng cũng đã đến thăm và làm việc với Công ty TNHH một thành viên In và Văn hóa phẩm. Phát biểu tại sự kiện, Bộ trưởng Son chia sẻ rằng cùng với xuất bản, in ấn cũng là một lĩnh vực đang gặp vô số khó khăn, thách thức như nạn in lậu, cạnh tranh quyết liệt...Tuy nhiên, Công ty In và văn hóa phẩm vẫn kinh doanh ổn định, tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận và có được những đơn hàng lớn với các khách hàng Nhật Bản là một kết quả "đáng ghi nhận".

Định hướng trong năm 2014, Bộ trưởng chỉ đạo doanh nghiệp đẩy mạnh quan hệ hợp tác, duy trì các bạn hàng thường xuyên, đặc biệt là những bạn hàng khó tính như Nhật Bản. Đồng thời, doanh nghiệp cần mở rộng phân khúc ấn phẩm chất lượng cao, cải tiến công nghệ, đầu tư trang thiết bị hiện đại, nâng cao tay nghề cho nguồn nhân lực, ứng dụng CNTT vào kinh doanh sản xuất để vừa tăng năng suất, vừa giảm giá thành, cải thiện lợi nhuận.

"Rất nhiều nhà xuất bản đang làm ăn không có lãi, chỉ cầm cự để tồn tại. Doanh thu từ khối xuất bản phẩm rất khó tăng lên trong tương lai, thậm chí còn có nguy cơ giảm sút. Vì thế, nếu không nâng cao năng suất, tiết kiệm chi phí, hạ thấp giá thành thì các doanh nghiệp in sẽ rất khó khăn", Bộ trưởng khẳng định.

Trọng Cầm