Năm 2013, báo chí đã làm tốt vai trò là cầu nối của các tổ chức của Đảng, cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội với nhân dân. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại tình trạng báo chí thông tin thiếu chọn lọc, nội dung giật gân, câu khách, chất lượng nghiệp vụ của báo chí; công tác quản lý, giáo dục chính trị, tư tưởng cho đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên nhiều nơi còn buông lỏng. Bộ trưởng Bộ Thông tin- Truyền thông Nguyễn Bắc Son đã khẳng định như vậy trong cuộc trò chuyện đầu năm cùng báo Nhà báo và Công luận.


{keywords}

"Trong xu thế phát triển mạnh mẽ của truyền thông xã hội hiện nay, nâng cao chất lượng báo điện tử chính là nâng cao chất lượng thông tin, tuyên truyền nhằm phục vụ có hiệu quả phát triển kinh tế, xã hội của đất nước."

Báo chí đã làm tốt vai trò, trách nhiệm của mình

+ Trên cương vị là “tư lệnh tối cao" của ngành truyền thông, ông đánh giá thế nào về bức tranh toàn cảnh báo chí Việt Nam trong năm 2013?

Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Bắc Son: - Hiện nay, cả nước có 838 cơ quan báo chí in, 92 báo, tạp chí điện tử, 67 đài phát thanh, truyền hình, trong đó số lượng các kênh chương trình phát thanh, truyền hình quảng bá là 179 kênh, với 104 kênh chương trình truyền hình quảng bá. Mặc dù báo chí đang gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn nỗ lực đổi mới về nội dung và hình thức, đáp ứng kịp thời nhu cầu thông tin của người dân.

Trong năm 2013, bối cảnh tình hình quốc tế có những diễn biến phức tạp, nền kinh tế trong nước còn nhiều khó khăn nhưng có thể nói báo chí đã làm tốt vai trò, trách nhiệm là cơ quan ngôn luận của các tổ chức của Đảng, cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội và là diễn đàn của nhân dân, với những kết quả đáng ghi nhận. Trước hết, cần phải khẳng định rằng, các cơ quan báo chí đã thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của mình, thực hiện đúng sự lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng thông tin của Đảng, Nhà nước, thông tin nhanh nhạy, đầy đủ, toàn diện về mọi diễn biến của đời sống chính trị, kinh tế - xã hội ở trong nước và quốc tế; kịp thời phát hiện, đấu tranh kiên quyết với những hành vi tham nhũng, lãng phí và các hành vi tiêu cực xã hội khác, tham gia giám sát, phản biện chính sách, phát huy quyền làm chủ của người dân thông qua diễn đàn báo chí; phát huy tinh chủ động, sáng tạo, tich cực tuyên truyền các giải pháp điều hành kinh tế - xã hội của Chính phủ nhằm phát triển kinh tế, ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng hợp lý, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Chính phủ.

Có thể nói, những thuận lợi, khó khăn của tình hình trong nước, cùng với xu thế toàn cầu hóa thông tin và sự bùng nổ của truyền thông xã hội đã tác động trực tiếp đến hoạt động báo chí, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, sự chỉ đạo trực tiếp của các cơ quan chủ quản và sự nỗ lực của các cơ quan báo chí và hàng vạn nhà báo, báo chí nước ta đã khẳng định vai trò, sứ mệnh hết sức cao cả là thông tin, tuyên truyền, xây dựng lòng tin, tạo sự đồng thuận trong nhân dân, huy động mọi sức mạnh của toàn xã hội vượt qua khó khăn thử thách đưa đất nước tiếp tục đi lên.

Quy hoạch báo chí: khó nhưng không thể không làm

+ Tại kỳ họp thứ 6 QH Khóa XIII, Bộ trưởng có đề cập tới vấn đề quy hoạch báo chí Việt Nam. Bộ trưởng có thể vui lòng cho biết khái quát về việc quy hoạch này và tại sao lại đặt ra vấn đề quy hoạch báo chí trong thời điểm này, thưa ông?

- Quy hoạch báo chí được đặt ra trên cơ sở đòi hỏi khách quan từ thực tiễn phát triển của hệ thống báo chí. Đó là vẫn còn sự chênh lệch lớn về sự hưởng thụ thông tin báo chí giữa các khu vực, địa bàn, vùng, miền. Mặc dù, chúng ta có nhiều báo chí nhưng chất lượng chưa tương xứng, còn chồng chéo về tôn chỉ, mục đích, nội dung, đối tượng phục vụ, dẫn đến việc báo chí khai thác thông tin thiếu chọn lọc, nội dung giật gân, câu khách, làm giảm chất lượng chính trị, chất lượng văn hóa, chất lượng khoa học, chất lượng nghiệp vụ của báo chí; công tác quản lý, giáo dục chính trị, tư tưởng cho đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên nhiều nơi còn buông lỏng; vai trò quản lý Nhà nước, vai trò của cơ quan chủ quản báo chí được phát huy nhưng hiệu lực quản lý còn hạn chế, chưa theo kịp sự phát triển của các loại hình báo chí trong tình hình mới. Ngoài ra, chúng ta chưa nghiên cứu, phân loại, xác định tinh chất, nhiệm vụ của báo chí để có cơ chế, chính sách phù hợp.

Mục tiêu phát triển trong lĩnh vực báo chí hiện nay là xây dựng nền báo chí chuyên nghiệp, hiện đại, có đủ khả năng đáp ứng nhu cầu thông tin của nhân dân, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển đất nước, hội nhập quốc tế. Do vậy, chúng ta sắp xếp lại các cơ quan báo chí trên cơ sở xác định rõ điều kiện hoạt động, tôn chỉ, mục đích, đối tượng phục vụ nhằm nâng cao chất lượng hoạt động báo chí, từ đó xây dựng cơ chế tài chính, chính sách tài trợ đặt hàng đối với các ấn phẩm báo chí, các chuyên mục, chương trình, kênh chương trình phát thanh, truyền hình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin, tuyên truyền thiết yếu; đồng thời phát triển mô hình cơ quan truyền thông đa phương tiện trên cơ sở thí điểm xây dựng một cơ quan báo chí có nhiều ấn phẩm. Quy hoạch chính là để quản lý, để phát triển sự nghiệp báo chí nước nhà theo đúng định hướng của Đảng và Nhà nước, phục vụ ngày càng tốt hơn mọi nhu cầu của xã hội đối với báo chí.

+ Quy hoạch báo chí là cần thiết nhưng có nhiều ý kiến cho rằng đây là một “cuộc cách mạng lớn”, rất khó để thực hiện một cách triệt để, rốt ráo, Bộ trưởng có đồng ý với quan điểm này?

- Hiện nay, hiện trạng phát triển của hệ thống báo chí với những bất cập của nó đang đặt ra cho chúng ta những vấn đề lớn trong công tác quy hoạch cần được thống nhất từ nhiều phía. Mục tiêu của quy hoạch là làm cho nền báo chí của chúng ta ngày càng lớn mạnh, do đó, công tác quy hoạch có thể còn nhiều việc phải làm nhưng chúng ta phải kiên trì, thực hiện từng bước, vướng mắc ở khâu nào thì thống nhất để tháo gỡ, có như vậy mới đạt kết quả mà mục tiêu quy hoạch đề ra.

Có thể nói quy hoạch báo chí là một việc khó, nhất là trong tình hình hiện nay, song là một việc không thể không làm vì đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng của cơ quan quản lý nhà nước các cấp đối với báo chí đã được quy định trong Luật Báo chí hiện hành. Quy hoạch chính là cơ sở để quản lý báo chí, để góp phần xây dựng nền báo chí cách mạng nước nhà chuyên nghiệp, hiện đại, đủ, hợp lý về số lượng, cao về chất lượng, đóng góp ngày càng xứng đáng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.

{keywords}
Bộ trưởng Thông tin & Truyền thông Nguyễn Bắc Son. (Ảnh: Congluan.vn)

Quan tâm đầu tư nhiều hơn đến báo điện tử

+ Nói về quy hoạch báo chí, Bộ trưởng cũng cho biết sẽ tập trung vào nâng cao chất lượng báo điện tử để sẽ đưa báo điện tử trở thành loại hình truyền thông chủ lực, hiện đại với nhiều ưu điểm. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng không nên dành quá nhiều sự ưu ái cho các trang thông tin mạng, báo điện tử khi chính loại hình truyền thông này là thủ phạm chính gây ra cái gọi là “khuynh hướng” báo lá cải, thông tin sai lệch, thiếu định hướng trong làng truyền thông Việt Nam hiện nay?

- Đúng là trong thời gian vừa qua, nhiều thông tin được đăng trên báo điện tử và các trang thông tin điện tử có nội dung sai sự thật, vi phạm thuần phong mỹ tục Việt Nam. Về những vi phạm này, Bộ Thông tin và Truyền thông đang tập trung xử lý nghiêm khắc, đồng thời hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật để quản lý tốt lĩnh vực này. Tuy nhiên, thực tế thì báo điện tử đang và sẽ ngày càng chiếm ưu thế trong thông tin, tuyên truyền. Trong xu thế phát triển mạnh mẽ của truyền thông xã hội hiện nay, nâng cao chất lượng báo điện tử chính là nâng cao chất lượng thông tin, tuyên truyền nhằm phục vụ có hiệu quả phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Thông tin chính thống càng nhanh bao nhiêu, những thông tin xấu trên mạng và trong dư luận xã hội càng bị hạn chế bấy nhiêu. Đây là một trong những yếu tố quan trọng để báo chí của chúng ta làm chủ về thông tin. Báo điện tử nếu được quan tâm đầu tư về nguồn nhân lực, tài chính và cơ chế chính sách sẽ đáp ứng tốt nhiệm vụ mà mục tiêu quy hoạch đề ra.

Hoàn thiện hệ thống pháp luật về báo chí

+ Người xưa có câu “ lúa tốt thì không còn cỏ dại”. Rõ ràng bên cạnh những mặt tích cực, báo chí vẫn còn những hạn chế, yếu kém. Trong năm 2014, Bộ Thông tin và Truyền thông, trên tư cách là cơ quan quản lý Nhà nước về báo chí sẽ làm như thế nào để chúng ta có nền báo chí truyền thông vận hành thực sự hiệu quả, nề nếp và lành mạnh?

- Báo chí không chỉ đưa tin, cung cấp thông tin, mà còn chính là phải thực hiện tốt nhất chức năng tuyên truyền để xây dựng lòng tin. Muốn báo chí làm tốt nhiệm vụ xây dựng lòng tin, hạn chế việc phản ánh những cái xấu, cái tiêu cực trong xã hội thì cần phải xây dựng một xã hội tốt. Việc làm này đòi hỏi phải có sự tham gia của toàn xã hội, của cả hệ thống chính trị, các ngành, các cấp, các tổ chức xã hội. Chúng ta tin tưởng rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, mặt ưu điểm của báo chí sẽ là chủ đạo, những hạn chế, yếu kém sẽ được khắc phục. Để làm được điều đó đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực hơn nữa trong công tác quản lý nhà nước, từ việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về báo chí, cụ thể là trong năm 2014, việc sửa đổi Luật Báo chí sẽ tiếp tục triển khai để trình Quốc hội vào năm 2015. Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm tiếp tục được tăng cường; công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ báo chí tiếp tục được chú trọng, đặc biệt, đề cao trách nhiệm của cơ quan chủ quản trong quản lý cơ quan báo chí thuộc quyền. Cùng với sự nỗ lực phấn đấu của các cơ quan báo chí và hàng vạn phóng viên, biên tập viên; sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí và cơ quan chủ quản báo chí, chúng ta tin tưởng rằng năm 2014 sẽ là năm báo chí gặt hai được những thành công, xứng đáng với niềm tin mà Đảng, Nhà nước dành cho giới báo chí nước nhà.

(Theo HỒNG SÂM- NGỌC LÀNH/Nhà báo & Công luận)