"Bom tấn" đầu tiên của năm 2014 - tựa game Flappy Bird đã chính thức bị tác giả gỡ xuống khỏi quầy ứng dụng dành cho iOS lẫn Android. Rất nhiều giả thuyết đã được đặt ra về quyết định bất ngờ này của Nguyễn Hà Đông, nhưng còn một câu hỏi lớn hơn mà báo chí phương Tây đặt ra là ai được hưởng lợi nhiều nhất từ Flappy Bird? Liệu đó có phải là tác giả với tiết lộ kiếm được 1 tỷ đồng/ngày hay không?


{keywords}

Vài ngày trở lại đây, các tờ báo uy tín, các trang blog công nghệ của nước ngoài đã đua nhau bàn luận về hiện tượng Flappy Bird. Trong lúc giới phát triển game toàn cầu cố gắng tái lập thành công này thì giới phân tích chật vật giải mã bí quyết thành công của Flappy Bird. Vì lẽ gì mà một tựa game đã xuất hiện trên quầy ứng dụng gần một năm bỗng dưng trở nên "hot" đến vậy? Các fan của chú chim bay thì thắc mắc điều gì đã buộc Flappy Bird phải rời cuộc chơi đúng lúc cao trào.

Điều rõ ràng duy nhất lúc này là Flappy Bird đã kiếm được rất nhiều tiền. Thành công của tựa game này khiến cả thế giới phấn khích, biến tác giả của nó thành một người hùng độc hành trong giới phát triển độc lập (indie) và tạo cảm hứng cho hàng triệu nhà phát triển ứng dụng khác, mơ ước mình sẽ sở hữu "con chim kế tiếp". Tuy nhiên, khả năng cao là họ sẽ không thể lặp lại thành công bất ngờ và đầy may mắn này.

Google không tiết lộ thị phần doanh thu của hệ thống quảng cáo AdSense trên di động nhưng dễ thấy là số tiền mà hãng này bỏ túi từ Flappy Bird cũng gần tương đương với Nguyễn Hà Đông. Còn về lâu dài, số tiền mà Google kiếm được thậm chí còn bỏ xa tác giả tựa game.

Flappy Bird hiện đã có rất nhiều game nhái xuất hiện ở tất cả các nền tảng. Những game này đều tuân theo công thức mà Đông đã ứng dụng cho Flappy Bird, thậm chí nhiều game còn bê nguyên cả phần lời dẫn giới thiệu. Tất cả chúng đều chạy quảng cáo màn hình và Google hiển nhiên đều được chia chác từ đó.

Dù cho những ứng dụng nhái này còn lâu mới cán mốc doanh thu 1 triệu USD nhưng nếu gộp tất cả chúng lại, số tiền mà Google được hưởng có lẽ cũng không ít hơn từ game gốc là bao.

Chưa hết, Flappy Bird còn xây dựng nên một câu chuyện đẹp như mơ rằng một kẻ phát triển cô độc, chỉ cần không gian để hiển thị banner quảng cáo, sẽ có thể trở nên giàu có. Nhưng thực tế có thể cay đắng hơn rất nhiều, bằng chứng là Hà Đông đã phải gỡ bỏ game "hit" của mình ngay sau khi nổi tiếng vì không chịu nổi sức ép từ nhiều phía.

Câu chuyện về chú chim biết bay thế là đã kết thúc, nhưng hàng ngàn các nhà phát triển ứng dụng giống Đông đã bắt đầu một cuộc chạy đua khốc liệt: Trình làng những ứng dụng dễ chơi, đơn giản, coi quảng cáo là nguồn thu chính. Google chẳng cần phải quan tâm liệu có game nào trong đó thành công lớn được như Flappy Bird hay không, bởi càng nhiều người nuôi mộng, hãng này càng có thêm diện tích để kinh doanh quảng cáo di động. Trong trường hợp một bom tấn xuất hiện, một làn sóng thổi phồng khác sẽ lại xuất hiện, kích hoạt một làn sóng game và ứng dụng mới, tất cả đều dùng Mobile AdSense.

Nói cách khác, Flappy Bird đã ra đi, nhưng chiến dịch gặt tiền chỉ mới bắt đầu.

Trọng Cầm