Không chỉ đến khi Nguyễn Hà Đông - người đang gây sốt với game kiếm cả tỉ đồng mỗi ngày tuyên bố gỡ trò chơi này vì "không chịu đựng được", người ta mới nhắc tới tật xấu muôn thuở của người Việt đó là thói ghen ghét, đố kỵ, dìm người khác.
Game Việt gây sốt thế giới, tác giả bị ganh tị
Những ngày đầu năm, game Flappy Bird dường như là từ khóa hot nhất trên các trang tìm kiếm, mạng xã hội Việt Nam cũng như thế giới. Đáng nói hơn, game đang khiến cả thế giới “điên đảo” này do một chàng trai Việt viết ra, nghĩa là, ta có thể hiểu, lần đầu tiên Việt Nam gần như đứng đầu thế giới ở một lĩnh vực chưa bao giờ nổi trội nhất.
Khi Flappy Bird và “cha đẻ” của mình: Nguyễn Hà Đông trở thành sự kiện hot trong cộng đồng mạng di động, được giới truyền thông cả thế giới quan tâm, săn đón, hàng loạt những ý kiến kiểu như: “ăn may thôi chứ có gì hay”, “game ngớ ngẩn thế mà sao lắm kẻ thích”, “trò nhảm vậy mà thu được lắm tiền thế”… bắt đầu xuất hiện trên những trang mạng xã hội.
Một cư dân mạng bình luận: “Đông giống như một người trúng xổ số thôi. Đơn giản là anh ta gặp may, thế thôi chứ làm gì mà phải hét lên là tự hào? Chẳng nhẽ một người Việt trúng xổ số thì phải tự hào vì anh ấy đánh xổ số giỏi à?”. Những bình luận mang tính “ném đá” tương tự cũng xuất hiện đầy rẫy dưới những bài viết về Nguyễn Hà Đông trong các báo điện tử.
Ảnh chụp màn hình cho thấy trước khi bị gỡ, Flappy Bird là game dẫn đầu trong kho ứng dụng iOS và Android. |
Cộng đồng mạng cũng “sục sôi” đặt ra đủ loại nghi vấn về sự “thần kỳ” đó cũng như “phát sốt” khi một tờ báo công nghệ nước ngoài tiết lộ Nguyễn Hà Đông bỏ túi 50.000 USD (tương đương hơn 1 tỷ VND) mỗi ngày từ Flappy Bird; và họ nhanh chóng hả hê trước việc một số trang tin nước ngoài đặt “nghi vấn” về việc Flappy Bird có dấu hiệu vi phạm bản quyền, thông tin Tổng cục Thuế đã “để mắt” tới Flappy Bird và cho biết sẽ sớm vào cuộc để kiểm soát nguồn thu nhập của tác giả…
Những diễn biến này chẳng chứng tỏ họ thông minh và đủ tỉnh táo để nhìn thấy “kẽ hở” mà gần như chỉ là sự đố kỵ nhỏ nhen, nhất là với thu nhập kếch sù mà Nguyễn Hà Đông đang có được.
Sau những ồn ào, sáng 10/2, game Flappy Bird chính thức bị tác giả “khai tử” khỏi kho ứng dụng iOS và Android, đúng như một thông điệp được anh đăng trên trang Twitter trước đó. Sự ghen tị không vì thế mà dừng lại. Nhiều ý kiến hoài nghi Nguyễn Hà Đông sẽ từ chối món tiền khổng lồ mình có thể nhận được trong tương lai.
Phần lớn những “anh hùng bàn phím” cho rằng, Hà Đông đang sợ hãi và không chịu nổi những áp lực quá lớn với thành công bất ngờ của mình, nhất là khi có những nghi vấn xung quanh tốc độ tăng hạng vượt bậc của tựa game này, nghi vấn về bản quyền. Cộng động mạng “phán”: đó là bởi Đông đã gom đủ tiền và “ngửi” thấy mùi game của mình sắp “nhạt” nên ra đi trong vinh quang.
Một cư dân mạng viết: “Cái gì rồi cũng sẽ có lúc đạt đỉnh điểm và bước qua giai đoạn thoái trào, mà trò chơi này thì khó có thể phát triển cho hay hơn nữa. Việc gỡ bỏ ở thời điểm này vừa có thể tăng lượt tải lên thật cao trong vài tiếng còn lại, và sau đó dần rút khỏi những rắc rối liên quan. Vẹn cả đôi đường”.
Những bình luận đa chiều quanh chuyện "khai tử" Flappy Bird. |
Không chỉ dân “ngoại đạo”, một số “chuyên gia” trong ngành game cũng trả lời thẳng thừng trên báo chí rằng đó chỉ là “một trong những scandal mà Nguyễn Hà Đông sử dụng nhằm đẩy độ “hot” của game lên hơn nữa, từ đó giới truyền thông sẽ có chuyện để nói và Flappy Bird sẽ càng có thêm nhiều người chơi”.
Người ta đã “giết” chú chim ngố Flappy Bird của Nguyễn Hà Đông bằng sự đố kỵ, ghen tức và nhỏ nhen của mình. Game Việt đầu tiên đình đám trên thế giới “chết yểu” là một trong những minh chứng rằng, không ít người Việt đang có cái nhìn tiêu cực, thiếu thiện chí, quá khắt khe trong việc công nhận tài năng hay thành công của người khác.
Công bằng mà nói, không riêng người Việt, nhiều người nước ngoài cũng tỏ ra nghi ngờ, đố kỵ với thành công của Nguyễn Hà Đông. Dường như họ không tin (và không thể chấp nhận) một thành công mang quốc tịch Việt – đất nước vốn không quá nổi trội về lĩnh vực công nghệ thông tin – phần mềm so với các quốc gia phát triển khác.
Bên cạnh những tờ báo nước ngoài tìm đủ cách săn đón để phỏng vấn, những nhà đầu tư mời gọi chàng trai “ẩn dật” này làm ăn lâu dài, một số tờ báo đã "đặt nghi vấn" về bản quyền và sự minh bạch trong câu chuyện nổi tiếng nhanh của Flappy Bird. Tờ Huzlers còn lan truyền thông tin thất thiệt về vụ việc thanh niên Mỹ đã đâm anh trai ruột 17 nhát dao chỉ vì có điểm chơi Flappy Bird cao hơn mình. Thông tin này sau đó đã bị lật tẩy là bịa đặt, nhưng cũng ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của trò chơi.
Biểu đồ tăng trưởng lượt tải Flappy Bird được một trang tin nước ngoài đăng tải. |
Không “dìm hàng” kiểu đó nhưng xoáy vào thu nhập của Hà Đông, tờ USA Today trích lời nhận xét đầy cay cú của Robert Scoble - một blogger có tiếng trong giới công nghệ Mỹ rằng: “Dong Nguyen đã kiếm đủ số tiền trong 1 tuần để sống vài năm mà không cần lương”. Ông này cũng bình luận thêm, bằng cách gỡ game, cậu ta đã thu hút được sự chú ý lớn cho game tiếp theo của mình: “Mọi người sẽ mua game mới của cậu ta và khiến cậu ta giàu có hơn, bởi nỗi sợ rằng cậu ta cũng sẽ xóa game đó”.
Tương tự, một người nổi tiếng khác trong giới công nghệ Mỹ, Dale Lavine mỉa mai “sự vững vàng tâm lý” của tác giả Flappy Bird: “Hãy tưởng tượng xem điều gì xảy ra nếu Mark Zuckerberg bỏ đi khỏi Facebook chỉ vì khó khăn”.
Đố kỵ - tật xấu của những “anh hùng bàn phím”
Trường hợp Nguyễn Hà Đông và game Flappy Bird không phải là chuyện cá biệt. Thói đố kỵ kiểu “ai cho phép mày giỏi hơn tao”, phải a dua nhau “dìm hàng” nhiệt tình thành công của người khác dường như đã trở thành căn bệnh kinh niên, đặc biệt “mãn tính” trong nhiều người, mà đặc biệt trong thế giới ảo – khi người ta tự cho phép mình làm những “anh hùng bàn phím” mà chẳng phải chịu hậu quả gì, nhưng hệ lụy từ những comment phách lối của họ thì rõ rệt.
Không ai thích thừa nhận mình thua kém người khác về tài năng, địa vị, vinh dự, danh tiếng, sự giàu có, vận may, nhan sắc… từ đó mà nảy sinh tâm lý bực bội vô cớ, tìm cách chỉ trích, phủ nhận, hoài nghi những cống hiến và nỗ lực của người khác làm ra, thậm chí bới móc những cái chưa tốt, chưa hoàn thiện hay sơ hở để “dìm hàng” họ.
Trước Nguyễn Hà Đông, “Running man” Vũ Xuân Tiến - chàng trai 20 tuổi người Hải Dương đã chạy theo xe buýt của đội bóng Arsenal trên đường phố Hà Nội để rồi được đội bóng này mời sang Anh thăm sân vận động Emirates nổi tiếng, trên vai khoác lá quốc kỳ Việt Nam – cũng là một nạn nhân của sự đố kỵ.
Khi những thông tin liên quan đến “Running man” như được mời lên xe buýt ngồi cùng các cầu thủ Arsenal, được các công ty mời làm đại diện thương hiệu với mức lương khủng, được đội bóng Arsenal mời sang London… đăng tải trên báo chí, cộng đồng mạng đã sôi sùng sục, cho rằng Vũ Xuân Tiến là kẻ “điên khùng”, “ăn may”, “làm trò để nổi tiếng”…
"Running man" Vũ Xuân Tiến cũng từng bị các "anh hùng bàn phím" đố kỵ. |
Khi anh chàng này chia sẻ những bức ảnh trong chuyến sang Anh trên Facebook cá nhân, nhất là bức ảnh Tiến tự tay ghi tên các cầu thủ lên những hộp bánh đậu xanh làm quà tặng - một hành động thể hiện sự thân thiết, mộc mạc và chân thành, lập tức lại có những “anh hùng bàn phím” lên tiếng chê Tiến quá cẩu thả, thậm chí… bức xúc khi “soi” thấy những món quà không được bọc gói mĩ miều.
Nhìn nhận một sự việc bằng cái nhìn tiêu cực, thiếu thiện chí; quá khắt khe trong việc công nhận khả năng hay thành công của người khác; không bao giờ khen nổi ai một câu mà phải chê trước cho “không ngóc đầu lên nổi” là một thói quen rất điển hình của các “anh hùng bàn phím” mỗi khi có thông tin về sự may mắn, giàu có, giỏi giang của người khác. Họ gần như không bao giờ nhìn thấy sự tích cực mà chỉ chăm chăm soi mói, chê bai và lên án (đa phần) một cách thiếu hiểu biết, mặc dù người đó, sự việc đó chẳng liên quan đến họ.
Hành động thân thiện của Tiến bị một số Facebooker chỉ trích là "thiếu chuyên nghiệp". |
Những kẻ có tính đố kỵ không muốn thua kém ai, nhưng lại không có cách gì để hơn người, thế là xuất hiện tâm lý thù ghét một cách vu vơ bất kỳ ai “dám” hơn mình. Những người thành công, những người xinh đẹp, hay những người giàu thường là tâm điểm soi của những “anh hùng bàn phím” này.
Nhìn thấy người giàu, câu hỏi đầu tiên của đám đông là “làm gì mà giàu thế?” và tự an ủi mình bằng ý nghĩ, một đại gia nào đó (nhất là khi đại gia đó là nữ, trẻ trung và xinh đẹp) giàu không phải vì họ giỏi mà vì họ làm những việc không chân chính hoặc có lực lượng hỗ trợ sau lưng.
Biếm họa của một cư dân mạng về sự đố kỵ của dư luận. |
Thấy đại gia có nhà sang, xe đẹp, tiêu tiền tỉ, họ liền thắc mắc: “Sao không làm từ thiện nhỉ?”, nhưng nếu hôm sau báo chí đưa tin đại gia đó làm từ thiện, họ sẽ bĩu môi: “Lại trò quảng cáo, đánh bóng thương hiệu đây”. Họ cũng sẽ hỉ hả truyền tay nhau tin tức đại gia đó có nỗi bất hạnh như dính “phốt” kinh tế, bị bệnh tật, bị “cắm sừng”… như thể đó là sự công bằng của thế gian.
Những câu chuyện như vậy, một lần nữa cho thấy rằng, việc công nhận thành công, sự vượt trội hoặc may mắn của người khác so với mình là một “sự khó chịu không dễ gọi tên” đối với không ít người, bởi lẽ thương hại cho sự thất bại, nghèo khổ, yếm thế của kẻ khác bao giờ cũng dễ dàng hơn công nhận thành công và tài năng của một-người-bình-thường-như-mình.
Thái độ ghi nhận, tôn vinh thành công của người khác, thay vì lúc nào cũng nói kháy kiểu như “ăn may thôi”, “chiêu PR thôi”, “ảo thôi” và tìm mọi cách bới móc hành trình thành công đầy gian nan của họ cần phải có thời gian và dũng khí nhất định, chí ít để gạt bỏ những “con ếch” nông cạn trong mỗi chúng ta.
(Theo aFamily)