Sau quyết định khai tử Flappy Bird đầy tính bất ngờ của Nguyễn Hà Đông, truyền thông quốc tế đã đăng tải nhiều bài viết thể hiện rõ sự tiếc nuối, cũng như truy tìm "thủ phạm" đã đẩy tác giả tới chỗ bế tắc như vậy.


{keywords}

Mới đây nhất, nhà báo Lance Ulanoff của trang Mashable cho rằng, không ai khác, chính mạng Internet đã hủy hoại mọi thứ "tốt đẹp". Và đây không phải lần đầu.

"Bạn không thể đơn giản mà chấp nhận sự tuyệt vời của Flappy Bird được sao? Tựa game siêu đơn giản nhưng hoàn toàn gây nghiện này có thể chạm thẳng đến những cảm xúc phức tạp nhất của bộ não, từ thích thú cho tới đau đớn. Ngay từ phút bắt đầu chơi, bạn đã không thể dừng lại. Chúng ta yêu quý nó/căm ghét nó, cho tới khi những người không thể kiểm soát nổi cảm xúc của mình, cùng với truyền thông xã hội đồng thanh hủy diệt game này", Lance mở đầu.

"Tôi tiếp xúc với Flappy Bird khá muộn màng nhưng dễ dàng hiểu được vì sao ứng dụng này lại là một hiện tượng", Lance viết tiếp. Ông biết đến Flappy Bird thông qua cô con gái 16 tuổi của mình, người những ngày gần đây chỉ biết cắm mặt vào điện thoại, nhìn chằm chằm hàng giờ liền. Mới đầu, ông tưởng cô đang lướt mạng xã hội Tumblr như mọi khi.

"Không. Con đang chơi Flappy Bird"

"Flappy Bird? Nó là cái gì?"

"Game mà bố. Tất cả mọi người đều chơi" - cô dài giọng như thể bố là người ngoài hành tinh vì không biết Flappy Bird là gì. "Nó gây nghiện cực ấy".

"Không ai biết rõ cái gì đang "hot" trên các mạng xã hội bằng con gái tôi, vì thế tảng lờ trước việc con bé nhanh chóng quên mất tôi mà cắm mặt trở lại vào điện thoại, tôi lập tức tìm Flappy Bird trên App Store rồi tải về iPhone 5S. Chỉ sau vài phút, tôi đã trải nghiệm cái mà những người chơi khác vẫn mô tả là "cảm xúc lẫn lộn", Lance dẫn giải về quá trình làm quen với Flappy Bird của bản thân.

Tua nhanh đến một tuần sau và mọi chuyện bỗng dưng kết thúc. "Tất cả chúng ta đều đáng trách", Lance tuyên bố.

Dưới đây là những lý do:

- Trước hết, bản năng tự nhiên của con người là hoài nghi mọi thành công bất ngờ. "Anh ta đã đánh lừa hệ thống. Anh ta tung tiền ra mua chuộc những người đánh giá". "Anh ta kiếm bộn tiền. Anh ta hẳn phải là ác quỷ?".

Đông vẫn trả lời một cách lịch sự gần như tất cả câu hỏi liên quan đến tựa game của mình trong thời gian gần 3 tháng. Ban đầu, anh cố gắng ủng hộ game mình thông qua các tương tác mạng xã hội giống như tất cả những nhà phát triển game khác. Nhưng Flappy Bird càng nổi tiếng, càng ăn khách thì các bài post (chủ yếu trên Twitter) càng giận dữ, càng hằn học.

Mạng Internet tràn ngập những lời mỉa mai, châm biếm, giễu cợt về bất cứ đề tài nào đình đám. Đây là một tweet điển hình mà Đông thường xuyên đụng phải.

"Flappy Bird đã hủy hoại đời tôi. Tôi đã chơi nó suốt 8 tiếng liên tục và thề là mắt tôi đang chảy máu".

Câu trả lời của Đông gần như là tan nát trái tim "Nó chỉ là game thôi mà. Hãy lo cho sức khỏe của mình trước. Tôi không viết game để hủy hoại cuộc đời mọi người".

Điều không ai hiểu là tất cả những lời nói đùa không đúng lúc này không thấm được vào Đông. Anh ấy không đang trong tâm trạng có thể nói đùa và chắc chắn không thấy rằng rất nhiều người dùng đang cảm thấy thích thú tận tưởng sự "bực mình mà Flappy Bird mang lại", tác giả phân tích.

Đập bàn, la hét... là chuyện phổ biến. Trên mạng Twitter, cách dễ nhất để la hét chính là viết hoa toàn bộ. Có quá nhiều con nghiện Flappy Bird tweet theo cách này khiến Đông không nhận ra rằng không ai thực sự cáu giận với anh.

{keywords}
Sự hối hận quá ít, quá muộn của người dùng.

Lance cho rằng lý do thực sự mà mọi người nêu lên sự thất vọng, bực bội, cáu bẳn của họ là để thỏa mãn, mua vui cho những người chơi khác. Nhưng đã quá muộn. Đông dường như đã sụp đổ trước sự phản ứng thái quá và tiêu cực của một bộ phận không nhỏ mạng xã hội, blogger, thậm chí là các trang báo.

"Như chuyên gia công nghệ cấp cao Christina Warren đã chứng minh: Đông hoàn toàn không đánh lừa hệ thống xếp hạng ứng dụng và chắc chắn anh ta cũng không kiếm tiền từ các tiểu xảo không lành mạnh. Anh ta chỉ là một chàng trai viết ra một tựa game bất ngờ trở thành hiện tượng lớn nhất đầu năm mà thôi".

"Các bạn đã khiến anh ấy phải tránh đi, chính vì các bạn không tự kiểm soát được mình. Chính vì lý do này mà chúng ta không thể có được những điều tốt đẹp", Lance kết luận.

Chính người dùng than vãn khóc lóc nói trên đã xin lỗi Đông trên Twitter: " Tôi hối hận vì đã viết như vậy, tôi xin lỗi". Nhưng chừng đó là quá ít và quá muộn.

T. C