Samsung là một công ty khổng lồ với 427.000 nhân viên, doanh thu hàng năm đạt 270 tỷ USD và giá trị tài sản chạm mốc 600 tỷ USD. Vậy mà Google đã dùng Motorola để giáng cho Samsung đòn hiểm.

Nguyên nhân do đâu?

Khi Android bao phủ 81% thị trường, có vẻ Google và Samsung là bạn tốt. Samsung là bệ phóng cho sự tăng trưởng của Android, điều đã đẩy vị trí của Google lên thế thượng phong.

Vấn đề là Samsung “tranh công” quá nhiều. Sau khi trở thành nhà sản xuất điện thoại và máy tính bảng Android phổ biến nhất, Samsung đã tìm cách để “giấu đi” Android - gián tiếp phủ nhận vai trò của Google.

{keywords}

Google Nexus 5 và Samsung Galaxy S4. (Ảnh: Phone Arenas)

Samsung sử dụng “TouchWiz” – một giao diện thuộc sở hữu của công ty, trong đó làm thay đổi hình thức của toàn bộ tính năng Android, khiến cho người dùng hầu như không thể nhận ra.

Được đà lấn tới, Samsung bắt đầu dần loại bỏ Android bằng việc xây dựng ứng dụng riêng phục vụ các chức năng cơ bản như gọi điện, lịch, thư điện tử, danh bạ, thông báo, nghe nhạc, chạy video, điều khiển bằng giọng nói…

Sau đó, TouchWiz nhận được hàng loạt phản hồi tiêu cực bởi chất lượng thấp kém, làm chậm nền tảng, ngốn dung lượng lưu trữ…

Nhưng Samsung không dừng lại. Hãng tích hợp TouchWiz vào TV thông minh, một thị trường trong đó Samsung cũng đang chiếm lĩnh, và bắt đầu xây dựng nền tảng cạnh tranh với Android – Tizen. Và vì Tizen dùng TouchWiz, nên thực ra giao diện của nó cũng giống hệt Android.

Âm mưu của Samsung với việc chuyển toàn bộ thiết bị sang chạy Tizen đã bị lộ, khiến Google phải hành động ngay.

Làm cách nào?

Và Google dùng tới Motorola. Vào ngày 15/8/2011, Google công bố hãng vừa mua Motorola Mobility với giá 12,5 tỷ USD kèm theo hơn 20.000 bằng sáng chế.

Ông lớn tìm kiếm đã trấn an công chúng rằng sẽ không đánh đổi quan hệ với các hãng sản xuất điện thoại qua thương vụ này.

Nhưng đương nhiên, Google không hi vọng các hãng điện thoại tin vào lời hứa ấy, và những phản hồi từ các đối tác đã minh chứng cho điều đó. Việc Google có dùng Motorola để tấn công thị trường điện thoại không là quyền của riêng họ.

Những chiếc điện thoại được tung ra sẽ cài sẵn nền tảng Android mặc định và không một hãng nào, kể cả Samsung, có thể chịu nổi chi phí một khi Google có khả năng tận dụng nguồn doanh thu quảng cáo khổng lồ.

Tối hậu thư đã được đưa ra: Chuẩn bị chờ đón loạt điện thoại Google cài sẵn Android, hoặc các nhà sản xuất (nhất là Samsung) dừng các “tiểu xảo” với Android.

Google âm thầm phô trương họ cũng có thể tranh đua trong khi đẩy mạnh lượng sản xuất Nexus cũng như trình làng hai mẫu Motorola X và Motorola G được đón nhận tích cực.

Samsung phải cắn răng cam chịu. Vào 27/1/2014, Google và Samsung cùng ký vào thỏa thuận bằng sáng chế trên quy mô toàn cầu có hiệu lực trong 10 năm. Trong đó có kèm thỏa ước Samsung sẽ loại bỏ TouchWiz, đính kèm lại vào các ứng dụng cơ bản của Android vào tùy biến và hủy những giao diện mới của hãng như “Magazine UX”.

Chỉ hai ngày sau, Google thông báo thương vụ “gả bán” Motorola Mobility cho Lenovo, chứng minh hai bên đang cùng tuân theo thỏa thuận.

Kết cục

Samsung đã phải hứng chịu hậu quả gấp đôi.

Đầu tiên, mặc dù có chỗ đứng và sự ảnh hưởng trên thị trường Android, Samsung đã phải tuân theo quy củ. Hãng không còn được tùy ý chỉnh sửa thiết kế của Android, hay gỡ bỏ ứng dụng Android rồi thay thế bằng app của hãng.

Sản phẩm Galaxy S5 “mẫu mực” sắp được ra mắt sẽ minh chứng cho việc giữ lời hứa của Samsung.

Thêm vào đó, có lẽ bước chuyển mình của Samsung từ Android sang Tizen sẽ không còn xuôi chèo mát mái với sức chi phối ngày càng mạnh mẽ của Android trong các sản phẩm tương lai của Samsung.

Tựu chung lại, phía được lợi nhất vẫn là người dùng Android. Việc chuyển đổi giữa các điện thoại sẽ dễ dàng hơn khi họ nâng cấp, và với nền tảng Android cài sẵn (điển hình là Android 4.4 KitKat), tốc độ máy sẽ nhanh hơn và nhạy hơn.  

Có người cho rằng Google chịu lỗ 10 tỷ USD trong thương vụ bán lại Motorola với 2,91 tỷ USD so với khoản mua vào 12,5 tỷ USD.

Nhưng đấy là họ chưa tính đến việc Google vẫn giữ lượng tiền mặt 3,2 tỷ USD Motorola đang sở hữu, 2,4 tỷ USD tài sản thuế hoãn lại và hai bộ phận bán hàng của Motorola có trị giá 2,5 tỷ USD trong năm 2013.

Thêm vào đó, điều cốt lõi Google vẫn cầm trong tay là 17.000 bằng sáng chế của Motorola, chưa kể khoảng 7.500 bằng sáng chế đang chờ phê duyệt.

Vậy tính ra trong vụ mua bán này, Google chỉ lỗ khoảng hơn 2 tỷ USD, ít hơn nhiều so với mức 10 tỷ USD đưa ra trước đó.

Google quả là đã có một ván cờ thông minh.

(Theo Bizlive)