Lựa chọn công nghệ, băng tần và thời điểm phù hợp để triển khai hệ thống thông tin băng rộng sau 4G đang là vấn đề thách thức đối với các quốc gia khu vực Châu Á Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam.
Các dịch vụ băng rộng ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế xã hội. Nghiên cứu cho thấy, cứ10% tăng trưởng của băng rộng sẽ tạo ra 1.38% GDP cho nền kinh tế.
Dự báo đến năm 2016 trên 80% lưu lượng băng rộng sẽ được sử dụng bởi các thiết bị di động và băng rộng di động sẽ đóng vai trò chủ đạo cho sự phát triển của băng rộng tại các nước đang phát triển.
Tại Việt Nam, hiện có khoảng hơn 90 triệu thuê bao di động, trong đó, có khoảng 19 triệu thuê bao sử dụng dịch vụ băng rộng, chiếm 17%. Theo kế hoạch đến năm 2015, thông tin di động băng rộng sẽ phủ sóng 70% và đến 2020 sẽ phủ sóng 90% cư dân cả nước.
Hiện các hệ thống thông tin như an toàn cứu nạn, giao thông, các ứng dụng giải trí và đời sống đang hình thành xu hướng chuyển sang nền tảng băng rộng di động rất rõ.
Trong khi đó, sự ra đời và phát triển của các ứng dụng và thiết bị di động mới như các thiết bị giao tiếp M2M, các ứng dụng OTT khiến kết nối băng rộng tăng cả về lưu lượng lẫn số lượng. Dự báo, đến 2020 lưu lượng băng rộng di động tại Việt Nam sẽ đạt trên 60 PB mỗi tháng.
Sự phát triển của các hệ thống băng rộng di động đang đặt ra những đòi hỏi cao về nguồn tài nguyên tần số. “Các nghiên cứu quốc tế cho thấy đến năm 2020, cần thiết bổ sung lượng phổ tần ít nhất là 500 MHz cho hệ thống vô tuyến băng rộng”, ông Đoàn Quang Hoan, Cục Trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện cho biết.
“Do đó, nhu cầu về phổ tần cho băng rộng di động đang là thách thức tại hầu hết các quốc gia”, ông Hoan nói thêm.
Tuy nhiên, tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương, sự chênh lệch giữa các nước là khá lớn dẫn đến sự khác biệt về nhu cầu phổ tần và chính sách lựa chọn băng tần phù hợp.
Sự khác biệt đó đang đặt ra những câu hỏi đầy thách thức đối với các quốc gia thuộc khu vực Châu Á Thái Bình Dương trong việc lựa chọn công nghệ, băng tần cũng như thời điểm triển khai hệ thống thông tin băng rộng sau 4G.
Lựa chọn công nghệ và thời điểm phù hợp, tìm giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng tần số do vậy đang là mối quan tâm hàng đầu của các quốc gia, nhất là một quốc gia đang phát triển như ở Việt Nam.
Ngày 11/2/2014 tại TP Hồ Chí Minh, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) đã tổ chức Hội thảo khu vực Châu Á Thái Bình Dương về công nghệ vô tuyến băng rộng sau 4G. Các nội dung của Hội thảo đã đề cập đến các vấn đề nóng liên quan đến các hệ thống thông tin di động thế hệ tiếp theo như vấn đề công nghệ, thị trường, dự báo tăng trưởng, độ sẵn sàng của phổ tần và tần số phù hợp cho hệ thống thông tin di động sau 4G, cũng như các giải pháp hài hòa tần số trong khu vực và quốc tế. Các thông tin, kinh nghiệm và nghiên cứu được trình bày tại Hội thảo giúp cơ quan quản lý tần số các nước, các tổ chức quốc tế, các nhà khai thác thông tin di động toàn cầu xây dựng định hướng chiến lược cho các hệ thống di động băng rộng sau 4G. |
Lê Văn