“Alo, chào chị! Em là nhân viên ngân hàng…; Chào chị! Em gọi đến từ công ty bảo hiểm…”. Liên tiếp các cuộc gọi mời chào sử dụng dịch vụ của doanh nghiệp khiến người sử dụng điện thoại di động rất bực mình. Thông tin cá nhân đang bị chuyển hóa thành “thông tin công cộng” vì không được bảo vệ trong các giao dịch.

{keywords}

Thông tin cá nhân được rao bán như một món hàng

Ảnh minh họa: Phú Khánh

“Sểnh ra” là… lộ thông tin

Đang tập trung làm việc tại công ty, chị Hoàng Minh Ngọc (nhân viên kế toán một công ty chuyên tư vấn xây dựng) nhận được cuộc điện thoại từ số máy lạ. “Mở máy ra nghe, người ở đầu dây bên kia giới thiệu là nhân viên ngân hàng, tư vấn gói vay với lãi suất thấp, không cần thế chấp. Tôi tế nhị bảo đang bận họp rồi cúp máy thì không lâu sau lại có nhân viên chăm sóc khách hàng của hãng sữa gọi tới… Liên tục các cuộc gọi, tin nhắn quảng cáo, giới thiệu dịch vụ khiến tôi không tập trung làm việc được. Tốn quá nhiều thời gian nhưng có người gọi đến, không thể không nghe, nhỡ có việc gì quan trọng!”- chị Minh Ngọc chia sẻ.

Đã nhiều lần bực mình vì… bị chọn làm “khách hàng tiềm năng”, chị Phạm Thu Hương (Nguyễn Trãi- Thanh Xuân) có lần hỏi lại nhân viên tư vấn phía bên kia “tại sao em có số điện thoại của chị” thì nhận được câu trả lời: “Bên em có đội ngũ marketing chuyên tìm kiếm thông tin khách hàng tiềm năng”, chị Hương liền từ chối tư vấn rồi cúp máy. Chị Hương cho biết: “Tôi nghe nói tình trạng rao bán thông tin cá nhân đã nhiều. Tôi chưa bao giờ làm việc với những doanh nghiệp này, để lại số điện thoại hay email để họ liên lạc. Thế mà không chỉ nhận được điện thoại, có lần email của tôi còn nhận được thư đề nghị trao đổi dữ liệu từ người không quen biết. Họ giới thiệu có số điện thoại và email của 10.000 khách hàng, muốn tôi trao đổi lại số lượng tương ứng”.

Cách đây khoảng 5 năm, khi nạn tin nhắn rác, email “lạ” bùng phát, việc để lộ thông tin cá nhân (gồm số điện thoại, email của khách hàng) dường như được quy kết trách nhiệm cho các doanh nghiệp viễn thông. Nhưng hiện tại, khi thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ, giao dịch qua mạng đòi hỏi thông tin nhiều, mạng xã hội yêu cầu thành viên khai báo thông tin, rồi các doanh nghiệp khai thác thị trường bằng cách cử nhân viên đến các bệnh viện, khu phố… vừa giới thiệu dịch vụ, vừa “tranh thủ” thu thập số điện thoại, email của khách hàng để khi cần dùng đến nên nhiều người chẳng biết thông tin của mình bị lộ từ đâu.

Ông Ngô Tuấn Anh- Giám đốc Bkav CA cho rằng: “Hiện tại đang có quá nhiều nguồn làm lộ thông tin cá nhân của người nào đó”. Chỉ khách hàng là thiệt thòi trong mối quan hệ này.

Không thể lơ là hậu kiểm

An toàn thông tin đang là mối quan tâm hàng đầu của quốc gia và mỗi cá nhân trong xã hội hiện đại. Nếu mất an toàn thông tin với cá nhân, người “thiệt hại” ít thì chỉ thấy bị làm phiền, tốn thời gian trả lời các cuộc gọi không cần thiết. Nghiêm trọng hơn thì “nạn nhân” có thể bỗng dưng thành “kẻ lừa đảo” người khác khi bị giả mạo thông tin để vay mượn tiền, nhờ mua thẻ điện thoại… Xét ở cấp độ vĩ mô, mất an toàn thông tin đe dọa an ninh, lợi ích quốc gia. Theo các chuyên gia về an ninh mạng, ngăn chặn triệt để tình trạng này rất khó, nhưng vẫn có cách để hạn chế, “chỉ có điều các bên liên quan có muốn làm hay không”- một chuyên gia an ninh mạng cho hay.

Về mặt chủ quan, khách hàng phải tự bảo vệ mình đầu tiên bằng cách không khai báo thông tin một cách tùy tiện, nhất là đối với các website hay doanh nghiệp chưa có uy tín. Bên cạnh đó, khách hàng cần dần làm quen với các phần mềm hỗ trợ chặn tin nhắn rác, email “lạ”… Về mặt khách quan, các chuyên gia cho rằng hệ thống văn bản pháp luật quản lý lĩnh vực có liên quan hiện đã tương đối đầy đủ và chặt chẽ nhưng lại thiếu kiểm tra, nên hiệu lực thực tế chưa như mong muốn, dẫn đến việc nhiều doanh nghiệp, website rao bán thông tin cá nhân công khai như một món hàng mà không bị xử lý.

Dự thảo Luật An toàn thông tin đang được lấy ý kiến trước khi trình Chính phủ một lần nữa nhấn mạnh các hành vi bị nghiêm cấm như: Phát tán thư rác, tin nhắn rác, phần mềm độc hại, thiết lập hệ thống thông tin giả mạo, lừa đảo; Lợi dụng mạng để truyền bá thông tin, quan điểm, thực hiện các hành vi gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, lợi ích quốc gia trên mạng; phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân; tuyên truyền chiến tranh xâm lược, khủng bố; gây hận thù, mâu thuẫn giữa các dân tộc, sắc tộc, tôn giáo và bài ngoại; Kích động bạo lực, dâm ô, tuyên truyền văn hóa phẩm đồi trụy… Điều 15 của dự thảo Luật này cũng ràng buộc trách nhiệm của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong việc đảm bảo thông tin cá nhân của người khác. 

(Theo ANTĐ)