Ông Bùi Mạnh Hải, Chủ tịch Hội Tin Học Việt Nam khẳng định, nếu xã hội, dư luận biết nuôi dưỡng, duy trì Flappy Bird thì nguồn tiền thu được còn lớn hơn rất nhiều so với con số 10 tỷ đồng mà cơ quan Thuế tính ra và muốn thu ngay.
Tuy nhiên, rất đáng tiếc là "chúng ta đã tận thu quả ngay từ lượt bói quả đầu tiên nên coi như đã triệt tiêu cái cây", ông Hải bức xúc. Vị chuyên gia này tỏ ra nuối tiếc, rằng nếu cái cây đó được chăm sóc tốt hơn, đúng cách thì sẽ có thể "thu hoạch gấp bội lần số quả ban đầu". "Tư duy chính sách phải có sự đột phá. Khi thấy có manh nha mầm chồi, phát triển được thì các cơ quan, đơn vị nên đồng thanh giúp đỡ để có thể đem lại nguồn thu cho đất nước, chứ không nên tận thu ngay và cho rằng đó mới là công bằng xã hội".
Đồng quan điểm với ông Hải, TS. Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông (nay là Bộ TT&TT), đã gọi cái chết của Flappy Bird là "cái chết tức tưởi". Ông cho rằng, nếu Flappy Bird là sản phẩm của một doanh nghiệp thì có lẽ vẫn duy trì được. Tuy nhiên, đây lại là sản phẩm của một cá nhân "làm ra không phải vì kiếm tiền mà vì đam mê", nên khi không chịu được áp lực đã "gỡ bỏ".
Trong những hoàn cảnh như vậy, vai trò của chính sách, của cộng đồng, của Chính phủ trở nên quan trọng hơn bao giờ hết, ông Trực phân tích. ""Doanh nghiệp khởi nghiệp của chúng ta nhiều nhưng lại khó duy trì hoạt động. Vừa rồi nếu như cộng đồng, doanh nghiệp, Chính phủ nhạy cảm mà phát hiện sớm thì có khi đã duy trì được "con chim bé nhỏ" đấy. Và nếu duy trì được thì chúng ta đã có thể kiếm thêm được nhiều tiền từ thị trường quốc tế".
Rõ ràng, điều mà chúng ta còn thiếu là những chính sách hỗ trợ cá nhân giỏi để Việt Nam có thêm nhiều sản phẩm toàn cầu, nhất là khi xét đến những khó khăn khách quan như chương trình đào tạo lạc hậu, doanh nghiệp nội khó cạnh tranh ngay trên chính sân nhà.... Nói cách khác, như lời ông Nguyễn Long, Tổng thư ký Hội tin học VN thì ta đã "rất bị động trong việc tạo môi trường chính sách, để làm sao có nhiều Flappy Bird hơn nữa".
Cũng chung trăn trở này, ông Nguyễn Ngọc Bình, Hiệu trưởng Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội, kiến nghị cần có sẵn những chính sách ưu đãi cho các cá nhân học giỏi, có năng lực để khi xuất hiện những trường hợp như Nguyễn Hà Đông là biết xếp vào chính sách ưu đãi loại nào, thay vì doạ thu thuế như vừa qua. Đồng thời, chương trình đào tạo trong nhà trường cũng cần đưa vào giảng dạy các nội dung về sở hữu trí tuệ cho sinh viên, nhất là khi VN đã tham gia vào sân chơi phần mềm thế giới.
Ông Bình cũng cho rằng sau khi tĩnh tâm lại khỏi sự kiện Flappy Bird, cơ quan quản lý cần thống xê xem ở Việt Nam có tất cả bao nhiêu nhà lập trình tham gia viết ứng dụng và ứng dụng của họ đã xuất hiện trên các quầy như Apple, Google, từ đó xây dựng các chính sách khuyến khích, thúc đẩy, phát triển công việc lập trình ứng dụng theo một chiến lược rõ ràng.
Từ góc độ một doanh nghiệp đã "đem chuông đi đánh xứ người", ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam chia sẻ rằng, “Để thành danh trên trường quốc tế không phải là việc dễ dàng. Nó đòi hỏi sự kết hợp của nhiều yếu tố như trình độ, tài năng và cả may mắn".
"Flappy Bird đã tạo được danh tiếng cho Nguyễn Hà Đông và cho khả năng lập trình của người Việt. Nếu người Việt Nam thành công, chúng ta nên vui mừng và ủng hộ, nên chung tay giúp đỡ và cổ vũ, tạo thế cho sự vươn lên những thành công to lớn hơn nữa của người Việt Nam", ông Bình kết luận.
T.C