Theo thống kê, mỗi năm thế giới có khoảng từ 20 - 50 triệu tấn rác điện tử, trong đó có khoảng 130 triệu chiếc ĐTDĐ; 20 - 24 triệu tivi và máy tính được thải ra. Số rác thải công nghệ độc hại này muốn xử lý hay tái chế rất tốn kém nhưng chúng lại trở thành “hấp lực” với các cơ sở tái chế thủ công của các nước nghèo, bất chấp nguy cơ hủy hoại môi trường sống và sức khỏe.

{keywords}

Trẻ em Trung Quốc cũng phải mưu sinh trong môi trường độc hại

Đánh đổi tương lai

Những người lần đầu đặt chân tới thành phố bé nhỏ Quý Tự - vựa rác thải điện tử lớn nhất ở Quảng Đông, Trung Quốc hiện nay, không khó khi bắt gặp hình ảnh những cậu bé lấm lem đập các viên pin bằng chày để lấy phế liệu, những phụ nữ cặm cụi lọc kim loại quý trong những phòng “nấu” bảng mạch. Những con đường ở Quý Tự ngập nhựa, dây điện, dây cáp... Một cảm giác bỏng rát mắt, mũi do bầu không khí đặc quánh khói hóa chất bao trùm nơi đây.

Trong 20 năm qua, Trung Quốc được ví là “thủ phủ rác điện tử” của thế giới. Quốc gia đông dân nhất thế giới này sẵn sàng đánh đổi sự trong lành của môi trường, sức khỏe của con người để mỗi năm nhập khoảng 7,4 triệu tấn nhựa phế thải, 28 triệu tấn giấy thải và 5,8 triệu tấn sắt phế liệu… từ Mỹ, châu Âu và Nhật Bản, nhằm thu được lợi nhuận kếch xù.

 Được biết, ở Quý Tự hiện có 5.500 cơ sở tái chế, mỗi năm tái chế 1,5 triệu tấn rác thải điện tử, cho doanh thu 75 triệu USD. Công việc này thu hút 150.000 lao động. Một ngày, với 2 dụng cụ “bất ly thân” búa và khoan, họ làm việc tới 16 tiếng trong môi trường độc hại, không trang bị các thiết bị bảo hộ lao động. Tại những trung tâm tái chế phế liệu điện tử như thế, nồng độ chì trong nguồn nước uống cao gấp 2.400 lần so với mức an toàn. Những chất độc này nhanh chóng theo nước, không khí... xâm nhập vào cơ thể, gây ra những hậu quả khó lường.

Theo một nghiên cứu của trường Đại học Sán Đầu, cứ 10 trẻ em ở Qúy Tự thì có tới 7 em bị nhiễm chì trong máu; mức độ sảy thai gấp 6 lần và nhiễm chất dioxin gây ung thư thuộc vào loại cao nhất thế giới. 88% người lao động ở Quý Tự bị các bệnh về thần kinh, hô hấp, tiêu hóa, da. Thậm chí, sau mỗi vụ thu hoạch, một lượng lớn gạo ở đây được xuất đi, nhưng không ai “dại” mà ghi nguồn gốc ở Quý Tự.

Ngăn “lũ” rác điện tử

Báo cáo mới đây của Dự án Sáng kiến Giải quyết vấn đề rác thải điện tử (STEP) của Liên hợp quốc cho thấy, lượng rác thải điện tử trên thế giới đang không ngừng tăng lên, ước tính vào năm 2017 sẽ có 72 triệu tấn rác điện tử được thải ra môi trường sau khi sử dụng. Lượng rác thải này nặng hơn gấp 11 lần so với Kim tự tháp Giza, Ai Cập, tương đương với 200 tòa nhà Empire State cao hơn 100 tầng ở Mỹ.

STEP cảnh báo “cơn lũ” rác thải điện tử này chủ yếu đổ dồn sang các nước đang phát triển ở châu Á và châu Phi. Chỉ riêng châu Âu, cứ mỗi năm xuất 1,3 triệu tấn sản phẩm điện tử đã qua sử dụng sang châu Á và châu Phi, thu được từ 20 - 30 tỷ USD. Ngoài Trung Quốc, Ấn Độ thì một số quốc gia Đông Nam Á đang trở thành điểm tập kết rác thải kỹ thuật số.

Để đối phó với tình trạng trên, nhiều tổ chức quốc tế cũng như từng quốc gia đã đề ra những quy định bắt buộc về quản lý và xử lý rác thải độc hại. Châu Âu đã ban hành đạo luật buộc các nhà sản xuất phải có trách nhiệm thu gom sản phẩm đã qua sử dụng của họ và phải giảm sử dụng các chất độc hại trong sản phẩm. Ở châu Phi, Hiệp ước Bamako (có hiệu lực từ năm 1996) quy định cấm nhập khẩu rác thải nguy hiểm và kiểm soát việc vận chuyển rác thải nguy hiểm xuyên biên giới châu Phi. Tại Mỹ, một số hãng sản xuất như Apple, Dell, Hewlett-Packard đã áp dụng chính sách thu hồi miễn phí hàng chính hãng đã qua sử dụng.   

Gần đây nhất, Chương trình Môi trường Liên hiệp quốc đã phối hợp với các quốc gia có nền công nghiệp điện tử phát triển thiết lập bản đồ rác điện tử toàn cầu. Đây là bản đồ tương tác cung cấp các dữ liệu của 184 quốc gia trên thế giới với con số ước tính các loại thiết bị điện và sản phẩm điện tử được sử dụng, cũng như số lượng rác điện tử được tạo ra.

 Tuy nhiên, suy cho cùng giải pháp giúp giải quyết triệt để vấn đề này là nâng cao ý thức của mỗi cá nhân, rộng ra là mỗi cộng đồng về rác thải điện tử. Khi có nhận thức đúng đắn, người dân sẽ biết hành động để hướng tới bảo vệ sức khỏe và môi trường.

(Theo ANTĐ)